Để không rơi vào tình trạng phải kêu gọi “giải cứu”, được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, nhiều nông dân đã lần đầu tiên bán hàng nông sản của mình qua các nền tảng thương mại điện tử. Từ đây, cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 của nông dân Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết.
Nông dân bán hàng online
Nông dân Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La đồng loạt đưa nông sản đặc sản địa phương lên bán trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là lần tiên phong nông dân tập xây dựng "Thương hiệu cá nhân" để bán hàng nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử.
Vụ vải năm 2021, Bắc Giang có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7. Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nên mẫu mã chất lượng quả vải vượt trội so với các năm trước, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang còn kích hoạt chiến lược bảo vệ trái vải khỏi Covid-19. "Chúng tôi quản lý và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn an toàn, không Covid-19", ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Vân, ông Hà Quang Thành, những nông dân trồng vải ở huyện Lục Ngạn đã thu hút 30.000 người xem đi tham quan vườn trồng của gia đình. Vừa giải thích quy trình trồng vải, cách nhận diện vải thiều, bà Vân vừa kêu gọi người xem đặt hàng trực tuyến. Trong 40 phút livestream, 8 tấn vải thiều đã được "chốt đơn".
Bên cạnh tiêu thụ 70% tại thị trường nội địa thông qua các sàn thương mại điện tử Alibaba, Voso, Sendo và Lazada, PostMart,… từ đầu vụ, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Trung Quốc, và EU.
Thêm một giải pháp khác nữa, dù trong ngắn hạn, nhưng chương trình "Phiên chợ nông sản Việt" được tổ chức bán trên Sendo (sendo.vn) từ ngày 21 -26/6 sẽ bán vải thiều Lục Ngạn, vải Thanh Hà, bơ Đắk Lắk, mận hậu Sơn La và khoai tím Vĩnh Long. Đây là chương trình kêu gọi nông dân, hợp tác xã cùng phối hợp, kết nối với Sendo để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không cần thông qua thương lái hoặc siêu thị phân phối.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương) cho biết, năm nay cũng là năm đầu tiên Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Thêm kênh bán hàng mới, tỉnh Hải Dương kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 5-10% sản lượng vải trong năm nay. Những năm tới, khi sản lượng tiếp tục mở rộng và thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng quan trọng của tỉnh Hải Dương, khách hàng có thể tiếp cận được với sản phẩm vải thiều Hải Dương một cách đơn giản nhất, dễ nhất.
Qua "Phiên chợ nông sản Việt", nông sản sau khi được khách mua chốt đơn trên sàn, sẽ được bà con nông dân thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói theo đúng quy cách và được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam VNPost vận chuyển thẳng đến tay người mua. Nhờ không phải qua các khâu trung gian nên sản phẩm vừa có giá hấp dẫn vừa đạt độ tươi ngon cao.
Cách mạng nông nghiệp 4.0
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh: Một khát vọng của Việt Nam hùng cường vào năm 2045 cũng là khát vọng của người nông dân. Phải hình thành một tầng lớp nông dân mới hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường để biết cách sản xuất. Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay từ khi gieo hạt, chứ không phải sản xuất thứ người ta không có nhu cầu. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ…
Thuật ngữ Cách mạng “nông nghiệp 4.0” đã ra đời tại nước Đức vào năm 2011. Nông nghiệp 4.0 là nông nghiệp ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (Internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Xu hướng phát triển này đã đạt được thành công vượt trội ở những nước có nền nông nghiệp phát triển như: Mỹ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Israel… khi chi phí giá thành sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 5% (trong khi ở Việt Nam hiện là 50%).
Tuy nhiên, đối với nông dân, thực hiện nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên, do trình độ có hạn, nông dân khó tiếp cận được khoa học công nghệ, thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo.
Việt Nam còn nghèo nên nhiều địa phương gặp khó khi không có sóng di động, không có phương tiện truy nhập Internet… dẫn đến khó tiêu thụ được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng, vì thế, giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn.
Bơ Đắk Lawsk được giới thiệu bán trên sendo.vn
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng và vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, và vì thế mà giá rất thấp. Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên.
Một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Nhưng sàn này phải kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió nơi ấy, còn có giá trị của đất nơi ấy, giá trị của giống chuối, còn có giá trị của chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình. Vậy là quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất.
Để giúp nông dân và nông sản xuất khẩu không phải kêu gọi hỗ trợ như thời gian vừa qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Hùng cho rằng, chuyển đổi số là quá trình học hỏi. Có một cách làm chuyển đổi số hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Người học hỏi giỏi nhất là người vừa biết và vừa không biết. Tức là người biết nhưng sẵn sàng nhận thức lại cái mình đã biết.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp tác thành một cặp vừa biết vừa không biết để trở thành xuất sắc trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã