Khắp các vườn xoài, bà con cùng đơn vị thu mua đang khẩn trương hái chọn những trái xoài đủ yêu cầu để xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong những ngày tới đây. Ảnh: VOV
“Bởi vì mình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng đảm bảo an toàn, thế nên mình rất tin tưởng. Trong dịch Covid-19 này mà mình xuất khẩu được đi Mỹ là quá tốt, bà con rất phấn khởi” - anh Phạm Văn Hùng, một hộ trồng xoài ở tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn nói.
Với những trái xoài có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mỗi kg xoài thu mua tại vườn ở Mai Sơn để tham gia xuất khẩu hiện giá từ 9.000 -11.000 đồng/kg. Ngoài xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, xoài tượng da xanh của Mai Sơn cũng được nhiều đơn vị thu mua để bán tại thị trường trong nước.
Huyện Mai Sơn hiện có trên 2.600 ha xoài, trong đó có 2.000 ha được trồng theo tiêu chuẩn ViepGAP, sản lượng thu hoạch đạt 14.000 tấn mỗi năm. Những ngày đầu tháng 6 này, Mai Sơn đã xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc. Còn thị trường nội địa thì tiêu thụ với mức bình quân 100 tấn mỗi ngày.
Bà Đinh Kim Nhung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung Đồng Tháp - đơn vị tham gia thu mua xoài để xuất khẩu cho biết: “Vụ mùa của Đồng Tháp và của Sơn La chênh nhau. Của Đồng Tháp thì có trái vào tháng 9 cho đến tháng 4, còn từ tháng 5 tới tháng 7 là vùng Sơn La có cho nên chọn vùng Sơn La. Hơn nữa, vùng Sơn La được thiên nhiên ưu đãi nên trái rất chất lượng”.
40 tấn xoài ở Mai Sơn chuẩn bị xuất khẩu sang nước Mỹ dịp này một lần nữa khẳng định thương hiệu sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh Sơn La, góp phần quảng bá, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nông sản, đảm bảo kế hoạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La trong năm nay.
Mùa mận hậu ở Phiêng Khoài
Tuy chưa có thương hiệu nổi tiếng như mận hậu Mộc Châu, song quả mận hậu Phiêng Khoài trên vùng đất Yên Châu lại cho trái to, vị ngọt đậm, giòn, đang từng bước chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Yên Bái.
Người dân xã Phiêng Khoài thu hái mận hậu.
Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phiêng Khoài có diện tích mận hậu lớn nhất huyện Yên Châu. Từ những năm 1990, mận hậu đã được trồng tại xã, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cây mận đã cho chất lượng rất tốt, mẫu mã bắt mắt, vị ngọt đậm được người tiêu dùng ưa thích. Hiện, xã có 1.200 ha mận hậu, trong đó có hơn 800 ha mận đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn quả. Năm nay, giá mận hậu ổn định, mận loại 1 giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, loại 2 có giá 15.000 - 25.000 đồng/kg, còn loại 3 từ 7.000 - 15.000 đồng/kg.
Mùa mận chín, dọc hai bên đường ở các bản Hang Mon 1, 2, Kim Chung 1,2, 3 và Cồn Huốt, xã Phiêng Khoài, những chiếc xe máy tấp nập chở các thùng mận vận chuyển đến điểm tập kết, xếp lên xe ô tô tải đang chờ mua hàng để vận chuyển đi tiêu thụ. Chị Đỗ Thị Mị, tiểu thương chuyên thu gom mận ở bản Hang Mon 1 chia sẻ: Mận hậu Phiêng Khoài mẫu mã đẹp, có nhiều phấn bao phủ, màu đỏ sẫm, khi ăn có vị ngọt, giòn, được khách hàng rất ưa chuộng. Giờ mận đang chín rộ, ngày nào tôi cũng thu mua được 6-7 tấn mận, chủ yếu chuyển về các tỉnh, thành phố lớn dưới xuôi và vào miền Nam tiêu thụ, dù vậy vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Để cây mận năng suất và chất lượng sản phẩm cao, người dân ở đây đã biết áp dụng kỹ thuật trong chiết, ghép, áp dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ còn sử dụng hệ thống phun tưới ẩm vừa tiết kiệm được nguồn nước, tiết kiệm công lao động vừa cung cấp đủ nước cho cây mận trong quá trình ra hoa, đậu quả, nuôi dưỡng quả. Nhờ vậy, năng suất mận ở đây đạt rất cao, bình quân 18,7 tấn/ha, nhiều hộ đạt 23 tấn/ha. Từ trồng mận hậu, nhiều hộ gia đình trong xã thu 300 triệu đồng/vụ, có hộ thu đến 2 tỷ đồng/vụ mận.
Trồng rau trái vụ: Cơ hội để nông dân Mường Khương thoát nghèo
Rau bắp cải hợp khí hậu nên sinh trưởng tốt tại Mường Khương. Ảnh: Báo Lào Cai
Những ngày này, trong khi rau bắp cải của các tỉnh dưới xuôi mới đang kỳ xuống giống, thì lứa bắp cải trái vụ trồng từ tháng 4 của nhiều hộ dân ở huyện Mường Khương (Lào Cai) lại đang mùa thu hoạch.
Là năm đầu tiên đưa cây rau bắp cải vào trồng trái vụ nhưng xã Pha Long đã có 18 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha. Ban đầu, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân tham gia mô hình. Sau khi được đi tham quan thực tế tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát và Si Ma Cai, đồng thời, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền nên người dân đã tin tưởng và hăng hái tham gia. Đặc biệt, trong số 18 hộ tham gia mô hình thì có tới 11 hộ nghèo và khó khăn nhất của xã.
Ông Vàng Tỉn Dung, Chủ tịch UBND xã Pha Long cho biết: Cây rau bắp cải đang là niềm hy vọng lớn của người dân địa phương. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất ruộng phù hợp sang trồng bắp cải.
Năm 2020 là năm đầu tiên huyện Mường Khương triển khai trồng rau trái vụ trên quy mô lớn với diện tích 12,6 ha, tại 6 xã vùng thượng huyện gồm: Tả Ngải Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, La Pan Tẩn, Cao Sơn. Tham gia trồng, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; hộ dân có đất và thực hiện trồng, chăm sóc rau đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật.
Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nhấn mạnh: Mô hình bước đầu đã cho hiệu quả, nhận thức của nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác được nâng lên. Đây cũng là một trong những mô hình giúp thúc đẩy, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất mà mục tiêu tái cơ cấu trồng trọt đang tiến tới. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau trái vụ và liên kết với các tổ chức, cá nhân để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo tính toán, mỗi ha bắp cải trái vụ cho năng suất 30 – 40 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập tối thiểu 150 triệu đồng/ha; mỗi năm trồng 3 vụ sẽ cho nguồn thu cao gấp khoảng 8 lần so với trồng ngô, trồng lúa.
Hiện, phần lớn sản phẩm rau bắp cải trái vụ của Mường Khương được Hợp tác xã Cao Sơn – đơn vị đầu mối thu mua và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan – Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng liên kết với một số doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm rau tiêu thụ tại các tỉnh, thành dưới xuôi như: Quảng Ninh, Hải Phòng…
Theo rà soát của huyện Mương Khương, diện tích có thể trồng được rau bắp cải trái vụ đạt 100 – 200 ha. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển loại cây này. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đưa một số loại rau ôn đới khác vào trồng như: Súp lơ xanh, cải thảo, ớt, cà chua, rau cần tây…
Mường Chà nỗ lực thực hiện chương trình OCOP
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã tiến hành điều tra, khảo sát các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn toàn huyện để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thông qua chương trình, huyện đang kỳ vọng lan tỏa thương hiệu địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra “làn gió mới” trong xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Na Sang thu hoạch dứa. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Nhằm xây dựng hiệu quả sản phẩm OCOP, huyện Mường Chà đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo cơ sở để mỗi xã nâng cấp sản phẩm lợi thế của mình. Trên cơ sở nền tảng các sản phẩm đặc hữu, huyện Mường Chà đang lựa chọn khoảng 17 sản phẩm lợi thế, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần như: Quả dứa (xã Na Sang); tinh dầu sả java (Ma Thì Hồ, Nậm Nèn); miến dong, phát triển du lịch hang động (Pa Ham); xạ đen (Sa Lông); nếp vàng (Mường Tùng); thịt dê núi (Xá Tổng, Ma Thì Hồ, Nậm Nèn, Mường Mươn, Na Sang)… Trong đó, 3 sản phẩm là quả dứa, miến dong và tinh dầu sả java được huyện lựa chọn là những sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020.
Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, năm 2019 huyện Mường Chà đã tập trung phát triển, hoàn thiện sản phẩm quả dứa tươi tại xã Na Sang và xác định danh mục các sản phẩm dự kiến phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức hội nghị xét chọn đề xuất sản phẩm OCOP và xây dựng Ðề án chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Mường Chà giai đoạn 2019 - 2020.
Ðồng thời, cử cán bộ cấp huyện, xã tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý, điều hành Chương trình OCOP, tập trung tuyên truyền, phổ biến những cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP như: Chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; chính sách về khoa học công nghệ; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm; chính sách khuyến nông, khuyến công; chính sách đào tạo nguồn nhân lực…
Xác định trước hết phải tập trung tạo vùng nguyên liệu liên kết bền vững, năm 2019, mô hình trồng sả java đã được triển khai trên diện tích 10ha tại xã Ma Thì Hồ với sự tham gia của 10 hộ dân. Sau hơn một năm, mô hình trồng sả java đã tận dụng được các triền đồi, bãi đất trống, cây sả phù hợp thổ nhưỡng, một năm có thể cho thu hoạch khoảng 3 lần. Mô hình không chỉ giúp cho các hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập mà còn tạo được nguồn nguyên liệu cho việc chế biến tinh dầu sả trên địa bàn xã. Ðây là điều kiện để huyện lựa chọn sản phẩm tinh dầu sả java tham gia chương trình OCOP năm 2020.
Yên Bái thêm một vụ lúa bội thu
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn huyện đưa vào gieo cấy trên 2.992 ha lúa nước, tăng 35 ha so với vụ xuân trước.
Về cơ cấu, giống lúa thuần chiếm 50,6% diện tích bằng các giống chủ lực như Chiêm hương, HT1, TBR225, J02, Thiên ưu 8; giống lúa lai chiếm 48,4%, chủ lực là các giống Nhị ưu 838, Nghi hương 305, TH3-3. Đến thời điểm này, toàn huyện thu hoạch được 2.715 ha, đạt 90,7% diện tích gieo cấy, năng suất lúa bình quân ước đạt trên 55,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 16.580 tấn, tăng 190 tấn so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Các giống lúa được sử dụng đều cho năng suất cao và có phẩm chất gạo ngon, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ. Năm nay, huyện tiếp tục đưa vào sản xuất 1.000 ha lúa hàng hóa tập trung ở cánh đồng Đại - Phú - An, Đông Cuông, Xuân Ái, Yên Hợp bằng giống lúa Chiêm hương góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, ngành nông nghiệp cùng lúc phải đối mặt với khó khăn kép do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh hoành hành. Song được sự chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và sự nỗ lực của bà con nông dân toàn tỉnh vẫn đưa vào gieo cấy 19.588 ha lúa, đạt 100,3% so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, toàn tỉnh đã thu hoạch được 16.311 ha lúa vụ đông xuân, đạt 83,3% diện tích. Theo đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp, năng suất lúa bình quân ước đạt 54,4 tạ/ha, nhiều địa phương có năng suất cao như thị xã Nghĩa Lộ 62 tạ/ha; Văn Chấn 57,85 tạ/ha; Lục Yên 57 tạ/ha; Văn Yên 55,4 tạ/ha. Sản lượng vụ đông xuân ước đạt 108.456 tấn, đạt 100,37% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao như: Séng cù, Hương chiêm, J01, J02, ĐS1 đạt trên 30.000 tấn.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, Yên Bái phấn đấu gieo cấy 22.060 ha lúa, năng suất 47,33 tạ/ha, sản lượng 102.000 tấn.
V.N (tổng hợp)/ https://kinhtenongthon.vn/Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã