Tọa đàm tổ chức tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, thu hút gần 40 nông dân huyện Tháp Mười tham dự.
Giảm lượng giống gieo sạ, nhiều cái lợi
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đoan - Phó Trưởng Văn phòng phía Nam (Cục Trồng trọt) cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, hoặc là phải nâng cao năng suất lúa, hoặc là phải hạ giá thành sản xuất.
Tuy nhiên hiện nay, năng suất lúa vùng ĐBSCL đã đạt bình quân rất cao, có thể coi như đã "kịch trần". Vì vậy giải pháp áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất là vô cùng quan trọng, nhất là trong công đoạn gieo cấy.
Ông Nguyễn Văn Đoan cho biết, mặc dù những lợi ích của việc gieo cấy bằng máy là rất rõ ràng, song tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu này ở các tỉnh ĐBSCL cũng như nhiều địa phương còn rất thấp, nhất là việc sử dụng máy cấy trong canh tác lúa.
Qua khảo sát thực tế, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân ĐBSCL vào khoảng 150kg/ha, nhu cầu lượng giống hàng năm gần 600.000 tấn/vụ cho diện tích gieo cấy khoảng 4 - 4,2 triệu ha.
Điều ghi nhận là hiện nay, bà con nông dân trong vùng đã nhận thức được lợi ích của việc tiết kiệm giống lúa trong khâu gieo sạ.
Ông Nguyễn Văn Đoan so sánh, khoảng 5 năm trước, nông dân gieo sạ rất tốn lúa giống. Diện tích sử dụng từ 100-150kg lúa giống/ha chiếm khoảng 35-40%, còn lại lượng lúa giống gieo sạ bình quân trên 150kg/ha. Thậm chí có những nơi "ngốn" tới 2-3 tạ lúa giống/ha, rất tốn kém. Trong khi thực tế cho thấy, nếu gieo cấy bằng máy, nông dân chỉ tốn 40-50kg lúa giống/ha.
Việc giảm lượng hạt giống gieo sạ đem lại nhiều cái lợi. Đầu tiên là lúa được gieo mật độ phù hợp sẽ giúp ruộng thông thoáng, cây lúa có môi trường phát triển thuận lợi, qua đó giảm sâu bệnh, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, lượng nước tiêu tốn cho sản xuất cũng ít hơn.
Do sử dụng lượng hạt giống ít hơn nên bà con sẽ có điều kiện mua hạt giống tốt nhất cho sản xuất. Quan trọng nhất là chất lượng hạt gạo được nâng lên và giá bán tốt hơn.
Lợi nhuận tăng 5-6 triệu đồng/ha
Thực tế cho thấy, sau 4 năm ngành khuyến nông thực hiện chương trình giảm lượng giống gieo sạ, đến năm 2019, lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha chiếm khoảng 10 - 15% diện tích; lượng giống gieo sạ 100 - 150kg/ha đạt tỷ lệ 50 - 70%; gieo sạ trên 150kg/ha đã giảm đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Đoan, nếu chỉ sử dụng khoảng 80kg lúa giống cho 1ha, bà con nông dân sẽ tiết kiệm được một khoản tiền mua lúa giống so với trước đây, qua đó có điều kiện sử dụng giống lúa có chất lượng cao ở cấp xác nhận từ 70% trở lên; chi phí đầu tư giảm từ 3 - 4 triệu đồng, lợi nhuận tăng thêm 5 - 6 triệu đồng/ha.
Tham gia tọa đàm, thạc sĩ Ngô Văn Đây - Phó Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả lớn, tuy nhiên việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu xuống giống hiện mới chỉ đạt 5%.
Trong thời gian gần đây, có nhiều sản phẩm cơ giới có thể hỗ trợ trong việc gieo sạ lúa như máy cấy, thiết bị bay không người lái, bình phun xịt tự động, máy sạ hàng, máy sạ theo khóm… Trong đó máy cấy, máy sạ theo khóm có thể giảm được từ 60 - 70% khối lượng lúa giống, giảm 15 - 20% phân bón, giảm từ 30 - 40% thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất từ 10 - 12% (tương đương từ 5 - 7 tạ/ha). Đặc biệt, việc cấy lúa bằng máy sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu với điều kiện khí hậu cực đoan như hiện nay.
Ông Đây cũng lưu ý rằng, hiện nay, nông dân ưu tiên lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, nhưng khi sử dụng máy cấy cần chọn giống lúa sinh trưởng trên 95 ngày. Tuổi mạ cấy lý tưởng là 10 - 13 ngày tuổi; bình quân khay mạ sử dụng từ 180 - 200gram lúa. Mật độ cấy từ theo giống lúa và điều kiện thâm canh nhưng cần đảm bảo bụi cách bụi trên hàng từ 16 - 18cm trở lên, 18 - 25 khóm/m2.
Về mặt phân bón, cần tuân thủ "nặng đầu, nhẹ cuối", theo đó 70% lượng đạm tập trung vào ngày 12 - 20 ngày sau cấy.
Theo Hoa Trà - Thiên Ngân/ https://danviet.vn/truoc-sa-vung-vai-2-3-ta-lua-giong-ha-nay-co-co-gioi-hoa-dan-mien-tay-sa-it-ma-van-lai-cao-20200610181224869.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã