“Cả vườn vải hơn 600 gốc trồng theo GlobalGAP bây giờ chín cả rồi. Mưa thì nứt, nắng thì cháy. Cứ nghĩ vải được sang Nhật, giờ ngồi nhìn vải chín mà xót xa”, ông Trình Đình Hãnh, thôn Lâm I, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, nói.
Nhìn vườn vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP có sự khác biệt rõ ràng so với phương pháp trồng bình thường. Quả nào cũng căng mọng, đỏ au, chùm ra rất đều… Vậy nhưng, những quả vải này vẫn phải nằm chờ. Không biết sẽ đi đâu.
Theo Quyết định không có số, không ngày tháng nhưng lại có chữ ký, dấu đỏ của Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dương Trình Văn Hùng về việc thành lập “Tổ hợp tác sản xuất vải thiều GlobalGAP thôn Lâm I” có ghi: Giao trách nhiệm cho Tổ hợp tác có trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện đầy đủ theo nội quy, quy chế của Tổ hợp tác, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã về tổ chức thực hiện hoạt động trên địa bàn.
Tổ hợp tác này gồm ông Hãnh và hai hộ gia đình khác. Những ngày này, ở thôn Lâm I, không chỉ tổ hợp tác của ông Hãnh mà nhiều hộ gia đình khác cũng tỏ ra lo lắng vì vải đã chín mà chưa ai đến thu mua.
“Từ ngày đó tôi không biết thêm thông tin gì cả. Chuyên gia Nhật Bản sang cũng không được thông báo. Đến lúc lên xã, lên huyện hỏi cũng không được trả lời”, ông Hãnh nói hôm 19/6.
Theo ông Hãnh, khi thành lập tổ hợp tác thì các thành viên đều được tuyên truyền về việc trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được thu mua để xuất khẩu sang Nhật. Để trồng theo tiêu chuẩn này mỗi ha vải tốn hơn phương pháp thông thường từ 4 đến 5 triệu đồng.
“Lúc thay đổi theo GlobalGAP thì xã nói sẽ giám sát để đủ tiêu chuẩn đi Nhật. Có người hỏi 30.000 đồng/kg tôi chưa dám bán vì sợ đến lúc bên Nhật họ đặt hàng lại không có. Bây giờ phải cho tôi biết làm thế nào chứ. Mấy tổ viên của tôi cũng đang như ngồi trên đống lửa. Giỏi lắm vải chỉ chịu được 4-5 ngày nữa là hỏng rồi”, ông Hãnh nói.
Năm 2020, huyện Lục Ngạn có sản lượng vải thiều ước đạt 85 nghìn tấn (trong đó có 20 nghìn tấn vải sớm), ước giảm khoảng 13 nghìn tấn so với năm 2019.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Lục Ngạn có 70 ha vải thiều được chăm sóc theo quy trình của Nhật Bản yêu cầu.
Khi các lô vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ Juran (Israel) công nghệ CAS của Nhật Bản đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc và dinh dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo thông cáo báo chí ngày 30/5, UBND huyện Lục Ngạn cho biết đơn vị này đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong mùa này. Vậy nhưng, những vườn vải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP lại đang “khóc dở, mếu dở” vì không biết có được vào danh sách xuất khẩu sang Nhật Bản hay không.
“Năm nay chúng tôi tập trung chỉ đạo 38 hộ gia đình với 98ha trồng theo chuẩn GlobalGAP. Vườn ông Hãnh cũng nằm trong danh sách triển khai trồng vải để xuất đi Nhật”, ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết hôm 23/6.
Ông Huy nói có hai doanh nghiệp đang đứng ra thu mua vải thiều đi Nhật Bản ở huyện. Từ ngày 18/6 đến nay mỗi ngày bình quân thu mua khoảng 12 tấn vải thiều.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn nói “phải từ từ, không thể lấy hết cả loạt” do căn cứ sức mua của doanh nghiệp và các quy trình kèm theo. Với những quả vải đã chín, ông Huy nói đã khuyên người dân “cứ bán cho Trung Quốc”.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ngay từ đầu huyện Lục Ngạn không quy hoạch hạn chế số diện tích trồng theo chuẩn GlobalGAP, tính toán đến các khâu phối hợp với doanh nghiệp thu mua để tránh cho những hộ gia đình như ông Hãnh vào cảnh khóc dở, mếu dở.
Ông Huy hồi đáp rằng ban đầu do thời tiết không thuận lợi, 50ha ban đầu tỉnh Bắc Giang chỉ đạo huyện Lục Ngạn trồng theo chuẩn GlobalGAP có tỷ lệ ra hoa thấp, nên huyện phải mở rộng diện tích trồng. Đối với việc của tổ hợp tác do ông Hãnh đứng đầu, Phòng NN-PTNT nói do chưa đảm bảo thời gian cách ly, tức thời gian không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc phối hợp lúng túng giữa Phòng NN-PTNT của Lục Ngạn với chuyên gia Nhật Bản và doanh nghiệp thu mua thể hiện rõ từ khâu làm việc.
Ngày 17/6, khi chuyên gia Takayama Shigeaki đến làm việc tại Cty xuất nhập khẩu Toàn Cầu, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cùng đại diện Cty đều không nắm được lịch trình làm việc cụ thể.
Hai bên hỏi lẫn nhau xem “hôm nay làm gì”, và cuối cùng quay sang hỏi chuyên gia Nhật: “Thế hôm nay làm gì?”.
Thậm chí, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang và Cty Toàn Cầu cũng không nắm được việc Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng sẽ đến làm việc cùng chuyên gia Takayama Shigeaki.
Hàng loạt những bất cập trong cách làm việc của huyện Lục Ngạn khiến không ít gia đình như ông Hãnh phải chịu cảnh trồng vải thiều theo chuẩn GlobalGAP rồi không thể xuất sang thị trường Nhật Bản như kỳ vọng.
Quang Dũng – Văn Việt – Tùng Đinh/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã