Những ngày giữa tháng 4/2021, cơ sở hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lan Anh (thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) đang tích cực chế biến hàu chuẩn bị cho đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Dù chưa vào cao điểm nhưng trung bình xưởng của chị cũng chế biến khoảng 8 tấn nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chị Lan Anh cho biết, Đài Loan là thị trường khá khó tính và kiểm dịch chặt chẽ. Đặc biệt, sau sự cố bị đối tác phản ánh hàng chưa đảm bảo chất lượng, cơ sở của chị đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng thiết bị máy móc, công nghệ để đảm bảo quy trình khử khuẩn, làm sạch sản phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu.
Tương tự, cơ sở sản xuất hộ chị Phạm Thị Tươi (thôn Đông Thành, xã Đông Xá) cũng nâng cấp mở rộng nhà xưởng, đầu tư mới hệ thống lọc nước lõi R.O hiện đại, khu đóng gói khép kín rộng trên 15m2, 40 chiếc bàn lốc. Tổng giá trị trên 260 triệu đồng để đảm bảo tiêu chí cho hàng xuất khẩu.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn thì đây chỉ là 2 trong số 39 cơ sở sản xuất chế biến ruột hàu trên địa bàn huyện đang tích cực đầu tư, thay đổi đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cho sản phẩm hàu. Hiện có khoảng 5-6 cơ sở đạt yêu cầu như trên, đang sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, tập trung ở các xã: Hạ Long, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng. Các cơ sở này, đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu, chấn chỉnh hoạt động. Sản lượng chế biến/ngày trung bình toàn huyện đạt trên 200 tấn hàu vỏ.
Có những chuyển động tích cực trên bởi trong tháng 1 vừa qua, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan, thị trường xuất khẩu ruột hàu lớn, thông báo phát hiện Norovirus (loại virus rất dễ lây nhiễm tiêu chảy và nôn mửa) trong 10 lô hàng hàu thịt xuất xứ từ vùng thu hoạch Vân Đồn từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021. Ngay sau khi nhận được phản hồi, các cơ quan chuyên môn, huyện Vân Đồn đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo khắc phục.
Điểm dễ thấy, là các cơ sở trên đã được đầu tư khang trang, nguyên liệu được sơ chế trên giá inox riêng, người chế biến được đeo bảo hộ đầy đủ. Đặc biệt, khu chế biến vô khuẩn, riêng biệt, nguồn nước đã được lọc, khử khuẩn thay vì cách truyền thống dùng muối mỏ pha với nước máy... Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc ở các cơ sở chế biến.
Để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu, một trong những khâu quan trọng là kiểm soát tất cả các vùng nuôi trên địa bàn. Huyện Vân Đồn phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã lấy mẫu tất cả các điểm nuôi, xét nghiệm định kỳ hàng tháng với các vùng nuôi hàu trước khi bán cho các cơ sở chế biến. Theo đó, các vùng nuôi chính trên địa bàn huyện, như các xã: Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá, Hạ Long... được lấy mẫu kiểm tra thường xuyên.
Đồng thời, huyện Vân Đồn cũng phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ nhân công, nâng cao nhận thức cho chủ các cơ sở sản xuất. Huyện đã thường xuyên rà soát, kiểm tra về cơ sở vật chất, quy trình chế biến, đặc biệt với sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu các cơ sở cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến.
Nhờ những giải pháp quyết liệt đó, mà cho tới thời điểm này, tình hình cơ bản đã được khắc phục. Các sản phẩm xuất khẩu đã được chấp nhận. Những lô hàng đầu tiên xuất khẩu đi Đài Loan sau sự cố trên đã được thực hiện trong tháng 3 vừa qua. Sự thay đổi đó, đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi gần đây các đối tác Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đã đặt vấn đề xuất hàng hàu vỏ.
Ông Từ Tú Dương, Trưởng phòng NN&PTNN huyện cho biết: Thời gian tới huyện tiếp tục giám sát, kiểm tra thường xuyên đồng thời hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nâng cao uy tín hàu Vân Đồn.
Được biết, hiện Vân Đồn đang đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi đảm bảo mật độ, chất lượng nguyên liệu đồng thời quan tâm đảm bảo chất lượng nguồn giống, vùng nuôi an toàn sạch sẽ hơn. Về chế biến, huyện cũng đang triển khai Cụm tiểu thủ công nghiệp rộng khoảng 58ha tại thôn Tràng Hương, Đoàn Kết cho cơ sở chế biến thủy hải sản trong đó có 39 cơ sở chế biến sản phẩm ruột hàu.
Chế biến ruột hàu ở Vân Đồn bắt đầu rộ từ năm 2015. Sản lượng khai thác và chế biến hàu cao điểm có thể đạt trên 200 - 270 tấn hàu/ngày. Ruột hàu xuất khẩu khá được giá, đạt 95.000đ/kg. Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng chế biến xuất khẩu là một hướng đi giúp gia tăng giá trị hàu Vân Đồn, vốn có sản lượng lớn. Không chỉ giúp người nuôi, chế biến đỡ lo vì dư thừa mà còn cho thu nhập cao, đồng thời hướng tới mở rộng ra các thị trường "khó tính" hơn trong tương lai.
Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã