Học tập đạo đức HCM

Đánh giá khả năng sản xuất thịt của gà Lạc Thủy

Thứ tư - 09/05/2018 22:49
Gà Lạc Thủy là giống gà địa phương thuộc huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất giết mổ và phẩm chất thịt của gà Lạc Thủy trong điều kiện nuôi mới (tại Đồng Nai).

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là giống gà Lạc Thủy (Hòa Bình) được nhập từ cơ sở ấp trứng của Viện Chăn nuôi. Gà nở 1 ngày tuổi chuyển về nuôi tại trang trại gia đình ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. 

Thức ăn nuôi gà được sử dụng gồm hai loại: (1) thức ăn hỗn hợp công nghiệp (TĂCN) tương ứng với gà 0 tuần đến 3 tuần tuổi có mức năng lượng: 2.850 Kcal và protein thô 20 % và cho gà 4 tuần tuổi đến 16 tuần tuổi là 2.900 Kcal và 16 %. (2) thức ăn tự phối trộn (TĂTT) với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương: cám gạo (20 - 21%), bột bắp (62 - 63%), khô dầu đậu nành (9,5 - 10%), bột cá (5 - 6 %), premix khoáng (1 - 1,5%), premix vitamin (1 - 1,5%). Trong 1 kg TĂTT có mức năng lượng và protein tương đương TĂCN. 

gà lạc thủy

Nội dung nghiên cứu

Đánh giá khả năng sinh trưởng thông qua các chỉ tiêu: khối lượng gà, tốc độ sinh trưởng tuyệt đối, lượng thức ăn ăn vào, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR). Đánh giá năng suất và phẩm chất thịt thông qua các chỉ tiêu năng suất giết mổ và phẩm chất thịt gà lúc 16 tuần tuổi. 

 

Thực hiện thí nghiệm

Thí nghiệm gồm tổng số 156 con gà giống Lạc Thủy 1 ngày tuổi, phân đều vào hai thí nghiệm hoàn toàn như nhau (thí nghiệm I và thí nghiệm II). Mỗi thí nghiệm gồm hai nghiệm thức: (1) cho ăn TĂTT và (2) cho ăn TĂCN, mỗi nghiệm thức có 39 con chia ngẫu nhiên làm 3 nhóm (mỗi nhóm 13 con, lặp lại 3 lần). 

Mật độ: 6 con/m2 đến 8 con/m2 chuồng và 4 con/m2 đến 6 con/m2 sân chơi. Cho ăn: 2 lần/ngày vào lúc 6 giờ và 14 giờ. Nước uống tự do 

Gà 1 tuần tuổi đến 3 tuần tuổi được nuôi trong chuồng có lót trấu dày 10 cm và không thay đổi trong quá trình nuôi. Sau 3 tuần gà nuôi trong chuồng kết hợp thả ngoài sân chơi tự do. 

  

Phương pháp thí nghiệm

Các chỉ tiêu và phương pháp nghiên cứu theo như quy định hiện hành, cụ thể là: Điều kiện chuồng nuôi được theo dõi hai chỉ số là nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi. Nhiệt kế và ẩm kế đặt tại các ô chuồng, theo dõi ngày 3 lần, ghi chép và xử lý số liệu trung bình hàng tuần và hai tuần liên tiếp, tương ứng với theo dõi khối lượng gà. 

Khối lượng gà và tốc độ sinh trưởng qua các tuần tuổi. Cân gà hàng tuần với tất cả số gà có trong mỗi lô. Gà 1 ngày và 1 tuần tuổi cân theo nhóm, các tuần sau đó cân cá thể bằng cân đĩa (sai số 10 g) hai tuần một lần, cho đến hết 16 tuần tuổi. Tính tốc độ sinh trưởng tuyệt đối giữa hai lần cân (2 tuần) tính bằng g/tuần. 

Lượng thức ăn ăn vào và chi phí thức ăn cho 1 kg khối lượng tăng. Theo dõi lượng thức ăn cho ăn, thức ăn thừa hàng ngày, tính thức ăn thực ăn (g/con/ngày), từ đó tính chi phí thức ăn cho 1 kg khối lượng tăng (FCR) theo tuần. 

Các chỉ tiêu giết mổ đánh giá năng suất thịt lúc gà 16 tuần tuổi thực hiện tại Phòng thí nghiệm bộ môn Di truyền - Giống, khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Tổng số 16 con, mỗi lô 4 con (2 trống, 2 mái). Đánh giá năng suất thịt theo phương pháp của Bùi Quang Tiến. Mẫu thịt ngực sau khi mổ được phân tích các chỉ tiêu phẩm chất thịt bao gồm tỷ lệ mất nước bảo quản và mất nước chế biến được xác định theo mô tả của Lê Thị Thúy và các cộng sự. Màu sắc thịt ngực được xác định bằng máy đo màu sắc thịt Minolta CR - 400 của Nhật Bản, đo tại thời điểm 15 phút sau khi giết mổ và sau bảo quản 24 giờ ở nhiệt độ 2 - 40C. 

Xử lý số liệu: số liệu thu thập và quản lý trên Excel và xử lý bằng phần mềm Minitab 16.2. Sự sai khác giữa các giá trị được xem là tin cậy khi p < 0,05. Các chỉ tiêu năng suất và phẩm chất thịt được biểu thị bằng giá trị trung bình số học. 

  

Kết quả

Nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi

Ở cả 4 lô gà, tại tuần tuổi đầu, nhiệt độ, độ ẩm quây úm gà được điều tiết như nhau (nhiệt độ 33 - 340C, độ ẩm 73 - 75%). Các tuần tuổi tiếp theo không điều tiết nhiệt ẩm nữa, nhưng giữa các lô gà sự sai khác nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi là không nhiều. Điều này cho thấy điều kiện thời tiết, khí hậu tại Đồng Nai ôn hòa, ít biến động, phù hợp với chăn nuôi gà thịt theo phương thức chăn thả. Khi chuyển gà nuôi trong môi trường mới thuận lợi hơn xuất xứ của nó đã cho kết quả tốt thể hiện ở các lô gà không có dấu hiệu bệnh và tỷ lệ sống đến 16 tuần tuổi đều cao 97% - 98%. 

Khối lượng gà qua các tuần tuổi

Khối lượng sống của gà giữa hai lô ăn thức ăn khác nhau cho khối lượng cuối kỳ khác nhau. Lúc 16 tuần tuổi gà ăn TĂTT có khối lượng thấp hơn gà ăn TĂCN là 10,5% ở TN1 và 7,7% ở TN2 (p < 0,05). So sánh giữa hai thí nghiệm, tuy trong cùng thời điểm và cùng quy trình nuôi như nhau, nhưng ở TN1 gà có khối lượng cuối kỳ cao hơn gà ở TN2 từ 0,66% đến 3,22%. Sự sai khác về khối lượng này là không lớn cho thấy gà đưa vào môi trường mới nhưng khả năng sinh trưởng là khá ổn định. So với các nhóm gà lông màu khác đang nuôi hiện nay thì gà Lạc Thủy trong nghiên cứu này có khối lượng nhỏ hơn. 

Độ sinh trưởng tuyệt đối của gà qua các tuần tuổi

Gà ở cả hai thí nghiệm có mức sinh trưởng tuyệt đối đều thấp, bình quân từ 1 - 16 tuần tuổi đều dưới 100 g/con/tuần (tương ứng 12 - 14 g/ngày). Mặt khác gà có thời gian sinh trưởng kéo dài, mức tăng tuyệt đối còn cao ở giai đoạn từ 4 - 16 tuần tuổi, trong khi các nhóm gà lai lông màu khác sinh trưởng tuyệt đối giảm nhanh ngay sau 8 - 10 tuần tuổi. Đặc điểm sinh trưởng này của gà Lạc Thủy hoàn toàn phù hợp với các giống gà địa phương (ri, H’Mông, lông cằm) với tốc độ sinh trưởng chậm và thời gian sinh trưởng kéo dài, vì vậy năng suất cho thịt thấp hơn so với các nhóm gà lai và gà thuần nhập nội đang nuôi ở nhiều địa phương trong nước. Gà nuôi bằng TĂCN cho tăng khối lượng cao hơn gà ăn TĂTT là 10,75% (TN I) và 7,84% (TN II), nhưng giữa hai thí nghiệm sai khác về mức tăng trọng là không lớn (0,7 - 3,7%). Như vậy, trong môi trường mới gà vẫn có độ ổn định cao về sinh trưởng. 

Lượng thức ăn ăn vào và chi phí thức ăn cho 1 kg khối lượng tăng

Lượng thức ăn ăn vào của gà khi nuôi bằng TĂTT thấp hơn so với gà ăn TĂCN từ 13,32% (TN I) đến 14,25% (TN II). Như vậy, có thể thấy TĂCN được chế biến tốt hơn, khối lượng nhỏ hơn nên gà ăn vào khối lượng nhiều hơn, ngược lại TĂTT với các nguyên liệu thô, tự phối trộn, khối lượng lớn hơn nên gà ăn vào ít hơn. Giữa hai thí nghiệm đều có cùng quy luật này, nhưng mức ăn vào ở gà TN II thấp hơn ở gà TN I, nhưng sai khác này là không lớn (6 - 7%). So với các nhóm gà lai lông màu thì gà Lạc Thủy có lượng ăn vào thấp hơn. 

Chi phí thức ăn (kg) cho 1 kg khối lượng tăng trong 16 tuần nuôi ở gà Lạc Thủy khi ăn TĂTT (TN I) là 3,65 và 3,43 (TN II), ở gà ăn TĂCN tương ứng là 3,74 và 3,64 cao hơn 0,09 và 0,21, tương ứng 2,46% đến 6,12%. Giữa hai thí nghiệm thì gà TN II chi phí thức ăn thấp hơn gà TN I chút ít. Như vậy, với TĂCN gà ăn vào nhiều hơn TĂTT nhưng hiệu quả chuyển hóa để tích lũy sản phẩm thịt thì thấp hơn cho thấy việc dùng TĂCN nuôi gà Lạc Thủy (hoặc các giống gà địa phương trong nước) sẽ không mang lại hiệu quả cao. 

Năng suất giết mổ và phẩm chất thịt gà

Kết quả cho thấy tỷ lệ thân thịt xẻ và tỷ lệ thịt ngực cả xương ở gà ăn TĂCN cao hơn gà ăn TĂTT từ 2 - 4 %, các chỉ tiêu còn lại không có sự sai khác tin cậy giữa hai lô và giữa gà trống và gà mái. Gà Lạc Thủy, mổ ở độ tuổi thí nghiệm này không nhận thấy sự tích lũy mỡ bụng như các nhóm gà lai, gà nhập nội nuôi bằng thưc ăn công nghiệp khác. 

Các chỉ tiêu về phẩm chất thịt không cho thấy sự sai khác giữa các lô gà ăn TĂTT và TĂCN cũng như giữa gà trống và gà mái. Năng suất giết mổ và phẩm chất thịt đạt tương đương với gà H’Mông, gà Ai Cập, nhưng thấp thua gà GF 168 nuôi tại Thừa Thiên Huế. Thịt gà có màu sáng hấp dẫn người tiêu dùng (L: 53,75 - 55,39). 

 

Tạp chí Khoa học, Đại học Huế


 Tags: lạc thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập439
  • Hôm nay65,468
  • Tháng hiện tại770,581
  • Tổng lượt truy cập90,833,974
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây