Công ty CP Thủy sản Thông Thuận ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) vừa nhập khẩu từ Singapore về 210 cặp tôm bố mẹ để sinh sản nhằm phục vụ nhu cầu thị trường. Ngay sau đó cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã trực tiếp kiểm tra hồ sơ nhập khẩu và lấy mẫu xét nghiệm. Khi tôm bố mẹ và tôm giống có kết quả an toàn mới được phép tiêu thụ ra thị trường.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi cho biết: Qua kiểm tra cho thấy Công ty CP Thủy sản Thông Thuận nhập khẩu tôm bố mẹ từ nước ngoài có đầy đủ giấy tờ theo quy định, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, để quản lý, giám sát chặt chẽ, chi cục đã đề nghị công ty tiến hành tiêu hủy đàn tôm bố mẹ gần 400 con hiện đã "già", nếu tiếp tục cho sinh sản tôm giống sẽ có chất lượng kém. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các lô tôm giống đưa về sinh sản, ương dưỡng, thả nuôi trên địa bàn...
Vụ nuôi tôm đầu năm khá "ảm đạm" bởi do dịch bệnh và tôm nuôi rớt giá, một số diện tích bị thiệt hại và thất thu. Nay, giá tôm đã tăng trở lại, người nuôi tiếp tục đầu tư cải tạo ao đầm, đã và đang chuẩn bị xuống giống với hy vọng cho vụ nuôi mới.
Bởi vậy, công tác quản lý chất lượng tôm giống được chính quyền các cấp triển khai thực hiện, nhằm phát hiện sớm mầm bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm nuôi, góp phần đảm bảo an toàn vụ nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Những ngày này huyện đang tăng cường xuống các vùng nuôi trên địa bàn để kiểm tra và giám sát khi người dân mua tôm giống về thả nuôi, tránh tình trạng các hộ mua con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguy cơ dịch bệnh xẩy ra gây thiệt hại cho cả vùng.
Trước đó, huyện chỉ đạo các xã có diện tích nuôi tôm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời ký cám kết với các chủ hộ về phòng chống dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, có khoảng 70 ha diện tích tại các vùng nuôi tôm xuống giống với số lượng gần 30 triệu con. Nguồn giống tôm chủ yếu được người dân mua tại các cơ sở sản xuất giống có uy tín.
Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục Thủy sản, con giống là yếu tố quyết định thành công cho vụ nuôi chiếm trên 50%, vì vậy người nuôi tôm cần coi trọng đến chất lượng tôm giống để hạn chế các loại dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra như: Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính...
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các cơ sở nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo quy định về lịch thời vụ, mật độ thả giống và kỹ thuật nuôi. Các hộ mua giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch theo quy định, nếu mua giống tại các cơ sở không tuân thủ, để xảy ra thiệt hại sẽ không được hưởng các chính sách hiện hành và phải chịu xử lý theo quy định...
Các địa phương cần đẩy mạnh việc thành lập tổ hợp tác, HTX, tổ cộng đồng vùng nuôi…, nêu cao vai trò của các tổ chức này trong việc kiểm soát giống, kịp thời thông tin với chính quyền về các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống trôi nổi để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng người nuôi tôm.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã