Học tập đạo đức HCM

Sớm có định hướng cho cây dó trầm

Thứ hai - 11/11/2013 02:12
Theo thống kê của các cơ quan liên quan, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có gần 3 triệu cây dó trầm. Hiệu quả kinh tế mà cây dó trầm mang lại thời gian qua là rất lớn. Thế nhưng, sự phát triển loại cây này chưa có định hướng, quy hoạch mà hoàn toàn do người dân trên địa bàn trồng theo kiểu tự phát...

 

Gần 3.000 ha dó trồng tự phát

Cây dó trầm trên đất Hà Tĩnh chủ yếu phân bố trên địa bàn Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Kỳ Anh. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, tính đến tháng 7/2013, ở 4 địa phương trên có 2.940.040 cây dó trầm, tương đương 2.940 ha. Trong đó, dó trầm ở Hương Khê chiếm số lượng nhiều nhất (2.363.123 cây, tương đương 2.363,1 ha). Tuy nhiên, chưa có một cơ quan nào đề ra chỉ tiêu, kế hoạch, định hướng chiến lược phát triển cây dó trầm, mà hoàn toàn do người dân trồng tự phát.

Sớm có định hướng cho cây dó trầm
Một góc “rừng” dó của ông Lê Duy Ân.

Ở Hương Khê, cây dó trầm mang lại lợi nhuận kinh tế vô cùng lớn. Không ít cây có giá từ 200-300 triệu đồng, đó thường là những cây cổ thụ, lớn và nhiều “sâu” (theo kinh nghiệm của người trồng dó, cây nào nhiều “sâu” là thường có nhiều trầm - PV). Bên cạnh đó, nhiều cây chỉ hơn 10, 12 tuổi đã có giá từ 10-15 triệu đồng nếu nhiều “sâu”. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế trang trại, kinh tế vườn ở Hương Khê có những bước tiến vượt bậc. Chỉ tính riêng xã Phúc Trạch, hiện có nhiều nông dân trở thành tỷ phú từ cây dó trầm và trong khoảng 10 năm nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh. Hiện nay, ở Phúc Trạch có hàng trăm hộ dân chọn hướng ươm giống và trồng cây trầm làm mũi đột phá trong phát triển kinh tế. Trong đó có trên 100 hộ ươm giống dó trầm, mỗi năm thu về 50 - 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là loại cây mang lại lợi ích kinh tế lớn này lại chưa được các cấp, ngành định hướng phát triển. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay: Trước đây, cây dó trầm trên địa bàn huyện chủ yếu là trong tự nhiên. Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người dân bắt đầu trồng thử loại cây này, nhưng số lượng không đáng kể. Đến những năm 2000, họ bắt đầu trồng đại trà, kỹ thuật trồng và chăm bón chủ yếu là do kinh nghiệm. Với người dân, thấy có lãi là làm, so với các loại cây khác như cao su, bạch đàn, keo, chè... thì dó trầm thực sự cho doanh thu vượt trội. Nhu cầu trồng dó ngày càng tăng nên hạt giống cũng đem lại cho người dân những khoản tiền lớn. Ở những thời điểm khan hiếm, hạt dó có khi lên tới 250 nghìn đồng/kg, còn bình thường cũng dao động từ 100-200 nghìn đồng/kg. Hiện tại, mỗi cây giống được bán với giá 4-5 nghìn đồng nên những hộ sản xuất cây giống cũng có thu nhập tương đối lớn. Cây dó khá thẳng và ít cành, lại được trồng tập trung nên ít chịu ảnh hưởng, thiệt hại do mưa bão. Lợi ích kinh tế lớn nên diện tích trồng dó ngày càng tăng.

Sớm có định hướng cho cây dó trầm
Người dân đang chăm sóc vườn cây giống

Phúc Trạch là xã có diện tích trồng, SXKD dó trầm nhiều nhất huyện và cũng là xã có giá cây dó được bán cao nhất. Không hề ngoa khi nói rằng, đứng ở đâu trên đất Phúc Trạch cũng thấy dó. Ông Phạm Quang Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã cũng băn khoăn về hướng tiêu thụ ổn định cho dó trầm: “Cây dó trên địa bàn xã chủ yếu được thương lái mua rồi vận chuyển vào các tỉnh như Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội. Nhưng họ mua để làm gì thì người dân không hề biết hoặc chỉ suy đoán. Người trồng cũng không biết được giá trị thực tế cây dó của mình là bao nhiêu. Người nào trả nhiều hơn và cảm giác thế là vừa thì họ bán. Thương lái chỉ cần một que bằng sắt khoét thử 2-3 lỗ trên thân cây là có thể ra giá. Cây dó ngày càng có giá trị, trong khi đó, bưởi Phúc Trạch không cho năng suất, mất mùa liên miên nên người dân sẵn sàng chặt bỏ để trồng dó”. Dó trầm không còn là cây XĐGN nữa mà trở thành cây làm giàu - ông Ngọ cho biết thêm.

Sớm định hướng cho cây dó trầm

Để biết rõ mục đích sử dụng của sản phẩm từ cây dó trầm, chúng tôi tìm gặp một nhân vật khá am hiểu về loại cây này - ông Lê Duy Ân – Giám đốc Công ty TNHH Trầm Hương Đông Sơn (thị trấn Hương Khê). Ông Ân cũng là thành viên Hội Trầm hương Việt Nam. Năm 1984, ông làm kỹ thuật thu mua trầm cho ngoại thương Hương Khê – Nghệ Tĩnh và từ đó đến nay, ông gắn bó với cây dó. Từ năm 2004 đến nay, ông đã sản xuất và cung cấp một số lượng lớn cây giống trong và ngoài nước. Với thị trường nước bạn Lào, ông cung cấp hơn 10 triệu cây giống. Hiện tại, ông có khoảng 13.000 cây dó đã khoan tạo. Riêng trang trại của ông tại khối 19, thị trấn Hương Khê có 4.000 cây dó đang trưởng thành và vườn ươm khoảng 150.000 cây giống.

Sớm có định hướng cho cây dó trầm
Sản phẩm trầm cảnh từ cây dó trầm.

Ông Ân cho biết: “Sản phẩm từ dó trầm được chia thành nhiều loại. Loại trầm tốt nhất (khác với kỳ nam) thường được đục tượng với mục đích làm cảnh. Riêng trầm tự nhiên giá khoảng 7 tỷ đồng/kg, còn trầm loại 2, loại 3... tùy vào chất lượng và mục đích sử dụng mà giá thành cũng khác khau. Trầm được làm chất định hương cho các loại nước hoa cao cấp, thuốc chữa bệnh, vòng đeo tay, hương cao cấp...”. Cũng theo ông Ân thì thời gian tới dó trầm vẫn giữ được giá bởi tại Malaysia - nơi được coi là chợ trầm của khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam luôn có 3-4 gian hàng để bán sản phẩm dó trầm. Tại chợ trầm Trung Quốc, ta cũng có 1 gian hàng và nhiều nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan và cả một số nước châu Âu cũng dễ dàng tiêu thụ sản phẩm dó trầm nên không sợ bị mất giá. “Nếu như xây dựng được lò chưng cất tinh dầu hiện đại, đạt tiêu chuẩn và điều hành hoạt động hiệu quả thì sẽ góp phần rất lớn trong việc ổn định thị trường tiêu thụ dó trầm trên địa bàn” - ông Ân nhận định.

Được biết, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh đã tiến hành điều tra, khảo sát để đánh giá chính xác về thực trạng cây dó trầm để đưa ra giải pháp cụ thể làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch và định hướng, phát triển bền vững cây dó trầm. Ông Ngô Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cũng cho biết: Sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với huyện Hương Khê tổ chức hội thảo về cây dó trầm. Qua đó, sẽ có cơ sở để mạnh dạn xác định mục tiêu chiến lược phát triển cây dó trầm. Việc đưa ra chiến lược phát triển là cần thiết nhưng cần có quy hoạch cụ thể và thận trọng trong từng bước đi. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân phân biệt rõ về cây dó trầm và sản phẩm trầm hương, đồng thời cung cấp thông tin chính xác để người dân có định hướng phát triển phù hợp.

DƯƠNG ĐỨC CHIẾN
Nguồn baohatinh.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay41,180
  • Tháng hiện tại772,533
  • Tổng lượt truy cập91,946,262
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây