Cây móng lưng rồng
Thời gian gần đây, nhiều người đổ xô đi tìm cây móng lưng rồng để chữa một số bệnh như đau bụng khi hành kinh, ra huyết trắng, đau nhức xương khớp, viêm xoang,…
Nếu cho móng lưng rồng khô vào một nồi nước sôi, sau 1 - 2 giờ sẽ nở to ra gấp 7 - 8 lần như cây rẻ quạt và có màu xanh tươi rất đẹp. Đây cũng là đặc trưng có một không hai của loại cây này, vì vậy nó còn có tên là Cải tử hoàn thảo, Hồi sinh thảo…
Cây móng lưng rồng còn được gọi là Thạch bá chi, Nhả nung ngựa, cây Chân vịt, Vạn niên tùng, Hoàng dương thảo, Hồi sinh thảo, Trường sinh thảo, Cải tử hoàn thảo, Linh chi thảo,…
Móng lưng rồng chỉ thấy có ở các tỉnh ở miền núi Tây Bắc và Việt Bắc, cao 15 - 30cm, thường mọc ở những khu rừng râm mát, rễ bám chắc trên các phiến đá, khi khô cuộn tròn xếp lại giống như chân vịt, hoặc như cây liễu bách (Tamarlgeme).
Cây chịu khô hạn tốt, cho vào túi nilon giữ trong thời gian bao lâu cũng được, khi cần dùng cho vào nước đun sôi lại nở to ra. Người ta thu hái toàn cây móng lưng rồng rồi cắt bỏ rễ, có thể dùng cây khô hoặc tươi đều được.
Công dụng và cách dùng
Móng lưng rồng có vị hơi đắng, không mùi, tính lạnh và sáp, không độc. Móng lưng rồng tươi có tác dụng tan huyết. Móng lưng rồng khô, sao đen có tác dụng cầm máu, được sử dụng để điều trị tiểu tiện ra máu, trĩ ngoại, đại tiện có máu tươi, phụ nữ kinh nguyệt kéo dài quá lâu, ngoài ra còn dùng để chữa bỏng.
Đặc biệt, móng lưng rồng khô còn điều trị tốt bệnh viêm gan, tắc mật, hủy hoại tế bào gan, tiểu tiện vàng sánh hoặc bệnh Leptospira (da, mắt vàng và chảy máu).
Tác dụng bổ máu: Dùng chung với hạt sen, gà con múm đuôi tôm, củ tam thất để hầm ăn. Ngày dùng 20 - 30g cả lá và rễ khô dưới dạng thuốc sắc uống trong ngày. Dùng ngoài trời dưới dạng sao giòn, tán bột rắc lên vết thương.
Đơn thuốc có vị móng lưng rồng
Điều trị bỏng lửa: Móng lưng rồng sao thơm, tán bột trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên nơi bỏng, sau 2 - 3 giờ thay một lần.
Chữa váng đầu, hoa mắt, vàng da: Toàn cây móng lưng rồng 30g sắc với 400ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa đau thoái hóa đốt sống cổ - vai (từ C1 - C7), đau nhức vùng thắt lưng (L4 - L5 - S1…), nhức mỏi toàn thân, viêm khớp xương bả vai, đau dây thần kinh tọa, viêm xoang, đau đầu, tiết dịch mũi…: Lấy 30g sao thơm rồi hãm nước sôi uống thay trà, thời gian dùng có thể kéo dài hàng tháng.
Xương rồng vợt gai (hay xương rồng bà có gai, vợt gai)
Thân do những lóng dẹp hình vợt xanh dợt, mang nhiều nuốm với 3 - 8 gai; gai to với sọc ngang, dài 1 - 4 cm. Hoa to màu vàng rồi đỏ. Quả to 4 - 5 cm, màu đỏ đậm.
Công dụng và cách dùng
Rễ dùng như trà trị tiểu nóng. Thân, giã đắp nơi đau, chữa nhọt cho mau ra miệng, dùng nấu nước tắm trị sưng, hay gàu đầu, nhựa chữa mụn nhọt, nhất là nhọt mủ, nhọt đầu đinh (Lấy một khúc cành xương rồng bà, cạo sạch gai, giã nát với lá ớt, lá mồng tơi đem rịt vào chỗ sưng.
Nếu có mủ, mụn sẽ vỡ nhanh. Mủ nó không độc nhưng đừng để văng vào mắt). Trái chín ăn được (ngon ngọt). Trái chín nghiền nát, thêm 15% đường và men rượu, ủ làm rượu vang, cho rượu ngon và màu đẹp.
Trong Đông y, người ta dùng toàn cây và rễ vợt gai để làm thuốc và cho rằng trong cây có một chất nhày là heterosid flavonic vị đắng, tính mát, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc, tán ứ, tiêu thũng, kiện vị, chỉ thống, giảm ho. Do có chất ngày nên cây có tính chống co thắt và chống ho.
Rễ và thân còn được dùng chữa tâm vị khí thống, báng, lị, trĩ ra máu, ho, đau họng, nhọt ở phổi, sưng vú, đinh sang, phỏng lửa và rắn cắn.
Người ra dùng toàn cây và rễ chữa viêm loét dạ dày - hành tá tràng, lị cấp tính, dùng ngoài trị viêm tuyến mang tai truyền nhiễm (quai bị), viêm tuyến vú, ung độc và phỏng.
Xương rồng vượt gai.
Cây Tay cùi (hay xương rồng Nopal, xương rồng vợt gai thuôn dài)
Thường được trồng rải rác (làm hàng rào hoặc làm cảnh) ở vùng duyên hải từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Bụi cao 1 - 4 mét, thân do các cành hình vợt, dẹp và thuôn dài, 20 - 30 cm, có nhiều núm nhỏ với chùm gai ngắn. hoa đỏ hay vàng, trái to 4 - 5 cm.
Trái Tay cùi ăn được, mát và nhuận trường, trị ho (ép nước cốt để ngậm, uống), dùng làm mứt, làm rượu vang. Nhánh non giã đắp trị viêm loét ngoài da, mụn nhọt, chốc đầu hoặc để giải khát vì chứa trên 90% nước.
Người ta cũng dùng cành non (gai còn mềm hoặc đập hết gai) để cho dê và trâu, bò ăn. Ở vùng sa mạc, người ta trồng xương rồng Tay cùi để phủ đất trồng rồi thu hoạch xay nhuyễn, phơi khô làm bột cỏ cho gia súc.
Địa long (giun đất)
Bài thuốc gồm 3 vị: Địa long, đậu đen, rau ngót, có thể thêm đậu xanh (giun có khi sống ở gốc chuối, có thể có những chai lọ hóa chất, hoặc ở gốc cây có độc như xương rồng, xoan…, ít nhiều bị nhiễm độc, thì đậu xanh có thể giải độc). Bài thuốc như sau:
- Địa long 50g mỗi thang (tương đương 50 con giun tươi). 50 con cho liều người lớn hoặc từ 15 - 16 tuổi trở lên. 30 con cho trẻ từ 5 - 6 tuổi đến 13 - 14 tuổi. 20 con cho trẻ từ 1 - 2 tháng tuổi đến 5 - 6 tuổi.
- Đậu đen, đậu xanh mỗi thứ 100g.
- Rau ngót 200 - 300g, băm nhỏ cả cọng và lá.
Giun rọc ra, rửa sạch, sao thơm giòn, giã nhỏ. Đậu và rau sao thơm, tất cả cho vào nồi. Cho vào 4 bát nước, sắc còn 1/2 hoặc 1/3 bát cho người bất tỉnh, phải cạy răng đổ.
Thuốc này uống 1 thang đã thấy hết bệnh nhưng thường cho uống 3 thang trong 3 ngày (tối nước nhất, sáng nước nhì). Hai thang sau để trừ căn và triệt các di chứng (như tai biến mạch máu não có thể di chứng câm, què quặt tay chân, hư mặt, tai,…; Sốt xuất huyết dễ hư tim, óc… ).
Thuốc có thể pha đường cho dễ uống. Rau ngót sao thật khô giòn, thuốc sẽ có vị thuốc bắc. Rau ngót để tươi nước thuốc sẽ giống chè đậu đen, pha đường uống rất ngon. Thuốc này bệnh càng nặng càng thấy rõ hiệu quả sau 65 phút.
Các dân tộc miền núi phía Bắc thường chữa bụng bằng nước (sốt rét - biến chứng xơ gan cổ chướng) bằng cách: Giun đất tươi băm nhỏ, trộn với sữa, rồi nuốt.
Ở Triều Tiên, cháo giun là món đặc sản chứ không chỉ là món thuốc vừa tẩm bổ vừa trị bá bệnh. Giun đất băm nhuyễn, xào thơm, nấu với đậu. Giun bổ và chữa bách bệnh nên người dân rất quý.
Long cốt
Còn gọi là phấn long cốt, hoa long cốt, thổ long cốt. Long cốt là một vị thuốc do kết quả hóa thạch của xương một số loài động vật thời cổ đại như voi mamut, tê giác, lợn rừng,… Long cốt có thể thu hoạch quanh năm. Khi đào được cần bọc kỹ ngay vì ra khí trời thường dễ tã rời ra.
Công dụng và liều dùng: Theo Đông y, long cốt có vị ngọt, sáp, tính bình, có khả năng trấn kinh, an thần, sáp tinh và làm hết mồ hôi, dùng chữa trường hợp hồi hộp mất ngủ, thần trí không yên, mồ hôi trộm, xích bạch đới, tả lị lâu ngày, vết loét lâu ngày không lành. Ngày dùng 20 - 40g, có người chỉ dùng có 2 - 10g một ngày dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Đơn thuốc có long cốt
Mồ hôi trộm: Ôn phấn (Trong sách Thiên kim phương). Long cốt nung, mẫu hệ nung, sinh hoàng kì, mỗi vị 12g, bột tẻ 40g. Tất cả tán nhỏ thành bột, cho vào lụa thưa gói lại. Xoa lên da để chữa bệnh mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi.
Bột cầm máu: Long cốt 30g, ô tặc 30g. Cả hai tán nhỏ, khi có vết loét chảy máu rắc bột này lên.
Cùng loại long cốt này còn có loại long sỉ Dén Draconi (Fossilia Dentis Matsodi) cùng thành phần hóa học và cùng một công dụng, cùng nguồn gốc như long cốt. Khi dùng hoặc để sống hoặc nung lên rồi mới tán bột.
Long nhãn
Long nhãn còn có tên là lệ chi nô, á lệ chi. Thuốc họ Bồ hòn Sapindaceae. Long nhãn nhục (Arillus Longanae) là áo hạt phơi hay sấy khô nửa chừng của quả nhãn.
Tên lệ chi nô vì mùa nhãn đến ngay sau khi mùa vải đã hết như người hầu cận theo chủ nhân (lệ chi là quả vải, nô là người hầu cận). Tên long nhãn vì giống mắt con rồng (long là rồng, nhãn là mắt).
Cách chế biến
Nhãn mua về để cả chùm cả vỏ, nhúng vào nước sôi 1 - 2 phút (không để lâu quá sẽ nứt vỏ), để nguyên cả chùm, ngày phơi đêm sấy chừng 36 - 42 giờ cho đến khi khô vừa phải, lắc quả nhãn thấy kêu lóc cóc thì bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi đem sấy cho đến khi cầm không dính tay là được.
Nhiệt độ sấy không cao quá 50 - 600oC. Tỉ lệ chế biến: 100kg quả tươi cho 10 - 12kg long nhãn.
Công dụng và liều dùng: Ngoài công dụng làm thực phẩm, long nhãn nhục là một vị thuốc dân gian dùng để bồi bổ, chữa các bệnh hay quên, thần kinh kém, hay hoảng hốt, thần kinh suy nhược, không ngủ được.
Ngày dùng 9 - 10g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng. Hạt dùng ngoài hay dùng hoặc uống trong (rất ít dùng) với liều 3 - 9g. Hạt chữa các chứng chốc lở, bị đứt tay, đứt chân (tán nhỏ, rắc lên vế đứt chân, tay), dùng để gội đầu.
Theo tài liệu cổ, long nhãn vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh tâm và tì. Có tác dụng bổ tâm tì, nuôi huyết, an thần, ích trí, dùng chữa huyết hư sinh hay quên, hồi hộp mất ngủ. Những người đầy bụng kém ăn không dùng được.
Đơn thuốc có long nhãn và hạt nhãn
Chữa các chứng do tư lự quá độ, buồn bực, không ngủ, hay quên: Bài quy tì: Long nhãn, táo nhân (sao), hoàng kì (trích), phục thần mỗi vị 4g, gừng 3 lát, táo đỏ một quả. Sắc uống nóng.
Khe ngón chân lở, ngứa: Hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào chỗ lở.
Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và long nhãn (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông). Còn có tên là Nhị long ẩm: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước.
Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.
Dược sĩ - Lương y Bùi Cửu Trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã