Trạm phó Nguyễn Minh Thảo nói với chúng tôi: “ Trạm tuy gần Đồn Biên phòng 571 (nay là đồn Phú Gia), nhưng thuộc địa bàn phức tạp, lâm tặc thường xuyên dòm ngó, hoạt động, khó lường nên chúng tôi phải đóng lán ở ngay trong rừng. 13 anh em quên cả ngày lễ, ngày nghỉ bám trụ đề phòng lâm tặc”.
Chỉ với 33 CBCN (trong số đó có 22 người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng), địa bàn hoạt động trải rộng trên 4 xã, có 20 km biên giới với nước bạn Lào, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm phải bảo vệ gần 12 ngàn ha rừng phòng hộ, 4.000 ha rừng sản xuất. Trong lúc đó, hàng ngàn hộ dân vùng này bao đời nay sống dựa vào rừng, coi việc chặt hạ lâm sản đưa đi tiêu thụ là cứu cánh độc nhất của gia đình. Nguồn tài nguyên rừng và đất rừng ngày mỗi thu hẹp dần, càng gây áp lực lớn cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây. |
Đúng là cuộc chiến giữ rừng của chúng ta còn rất gian nan, lâu dài. Bởi một bên là những người giữ rừng lực lượng rất mỏng, công cụ hỗ trợ hầu như không có gì ngoài chiếc gậy cao su, kinh phí đầu tư hạn hẹp, đơn giá thấp, đời sống khó khăn, lại phải đối chọi với một đội quân “lâm tặc” khá đông, phần lớn là người địa phương dày dạn kinh nghiệm chặt phá rừng và lẩn trốn khi bị truy quét. Đặc biệt ở vùng lõi rừng do đơn vị phụ trách có Bản Phú Lâm (xã Phú Gia) có 104 hộ, 447 nhân khẩu, lâu nay coi rừng là của chung xã hội, tự do chặt phá bất kể đã được tuyên truyền giải thích. Dù nhà nước đã cấm từ lâu, một số bà con ở đây vẫn dùng xe công nông tự chế, lợi dụng thời tiết đêm tối, mưa gió, dịp lễ tết dễ lơi lỏng trong bảo vệ, lén lút vào rừng hoạt động.
Trưởng Ban Quản lý Nguyễn Tất Hảo cho biết, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành, Ban đã cho triển khai ngay phương án bảo vệ rừng nghiêm ngặt trước, trong và sau tết Nguyên Đán 2013. Ban đã tập trung toàn bộ lực lượng phối hợp với Bội đội Biên phòng và Hạt Kiểm lâm và xã Phú Gia mở đượt cao điểm ra quân tuần tra, truy quét, xử lý các trường hợp khai thác, tập kết lâm sản trái phép tại Tiểu khu 247 và các tiểu khu khác thường bị bọn chặt phá rừng hoạt động. Tuy lực lượng rừng tham gia phối hợp khá mỏng nhưng vào cuộc rất quyết liệt, thường xuyên bám trụ địa bàn, không để cho lâm tặc có cơ hội đột nhập vào rừng dù đêm hôm, mưa rét. Ngoài ra, Ban còn huy động lực lượng tổng hợp 22 người gồm đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm lâm và Đồn Biên phòng Phú Gia, đóng lán trại ăn ở ngay trong rừng khu vực Rào Trình. Ngoài bảo vệ tất cả các tiểu khu, lực lượng này được giao đặc biệt giám sát nghiêm ngặt Tiểu khu 247, nơi thường là điểm nóng hoạt động của lâm tặc. Nhờ vậy anh em đã thu hồi được hơn 15m3 gỗ các loại; lập biên bản 10,96 m3 gỗ khác bị lâm tặc khai thác trái phép, tập kết trong rừng chờ thòi cơ vận chuyển ra bên ngoài để tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng các cơ quan chức năng kiểm tra khu vực lâm tặc vận chuyển gỗ tại đập Đá Hàn. Ảnh: Bá Tân |
Có vào tận nơi, chứng kiến tận mắt mới thấy hết sự cam go, vất vả của những người quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi mọi người còn say giấc nồng trong chăn ấm nệm êm thì nơi rừng sâu núi thẳm này, có đội quân hàng chục người đang phải xuyên rừng tuần tra bảo vệ, để giữ lấy màu xanh cho xứ sở. Thấy Trạm phó Trạm Cây Trồi Nguyễn Xuân Doan, thành viên của Đội đang gỡ vội mấy chú vắt xanh bám trên cổ chân tứa máu, tôi hỏi: “Các anh vào được mấy hôm rồi?”. Doan cho biết, đã gần nửa tháng nay anh em bám trụ ở đây. Ăn ở như quân đội thời chiến; tự mang nồi niêu, xoong chảo, gạo, mì đi theo, phân công nhau làm “anh nuôi” thổi nấu. Thức ăn chủ lực là cá khô, mắm mặn. Nằm lán lợp bạt, lại rơi vào thời tiết cuối năm, mưa dầm dề, gió lạnh thấu xương. Chăn không đủ ấm, lán không đủ kín khi bị gió lùa, anh em vẫn ôm nhau hát cười để chống lại cái lạnh giá, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Hôm vừa rồi, vào trực tiếp kiểm tra hiện trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Ngọc Sơn rất cảm kích trước sự gian nan, vất vả của những người quản lý, bảo vệ rừng. Ông đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của đơn vị chủ rừng cùng các lực lượng phối hợp và thưởng nóng anh em 2 triệu đồng.
Song song với việc ra quân truy quét, xử lý vi phạm, Ban Quản lý đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm mời bà con, đặc biệt là các hộ sống gần rừng thường hay vi phạm lâm luật, họp bàn tuyên truyền giáo dục pháp luật, quán triệt các biện pháp cấp bách của UBND tỉnh về bảo vệ rừng. Kết quả đạt được rất khả quan. Các hộ dự họp đều nhận thức được tình hình, đồng tình cao với chủ trương của trên, ký cam kết không tái phạm. Trước mắt là vận động con em, người thân ra khỏi rừng, không tham gia chặt phá như trước nữa.
Chia tay đội quân bảo vệ rừng Sông Tiêm để về xuôi, trong tôi trĩu nặng buồn – vui. Vui là vì tận mắt thấy được sự cố gắng hết mình của những người chủ rừng đã được đáp đền. Tình hình có vẽ tốt hơn những điều đồn đại. Song lòng vẫn canh cánh nỗi lo. Với cách biên chế sự nghiệp mỗi CBCN phải quản lý, bảo vệ một diện tích rừng mênh mông đến 1.000 héc ta thế này làm sao họ “ôm xuể” được?. Rừng nhiều người giữ ít, công cụ hỗ trợ hầu như bằng không, vì thế đã không ít chủ rừng, kiểm lâm viên phải đổ máu, hy sinh.
Xét về lâu dài, công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Bởi đại bộ phận nhân dân địa phương, nhất là các hộ sống gần rừng cần có bước chuyển về vật chất, chứ không chỉ đơn thuần là ý thức. Họ cần được nhà nước có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định thì mới từ bỏ được triệt để việc chặt phá rừng. Bên cạnh đó, không ít người trong đó mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, thậm chí là bị xử phạt nhiều lần nhưng phần vì bát cơm manh áo, phần vì coi thường pháp luật nên vẫn lén lút làm bừa, thậm chí còn hăm dọa, tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Với những người này, địa phương và các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh, xử lý nghiêm và triệt để nhằm ngăn chặn việc làm sai trái của họ, đồng thời cũng để răn đe, cảnh báo các đối tượng khác.
Lời giải của các bài toán trên dù là không mới nhưng chưa dễ gì đã có ngay đáp án.
Khắc Hiển
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;