Học tập đạo đức HCM

Chuyện về một làng nghề đã chết

Thứ tư - 21/03/2012 21:08
Trong số những người mà nhờ nghề dệt của bà mẹ mà "nên người" có (cố) Họa sĩ Hoàng Kiệt, (cố) Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, (cố) Giáo sư Vật lý Hoàng Quý và (cố) Giáo sư Toán học Hoàng Chúng, ngoài Giáo sư Toán học Hoàng Tụy.
"Có thể nói 1930-1931 là giai đoạn cực kỳ khó khăn với gia đình tôi. Người anh cả là một trong 5 Đốc học Đông dương đã bị sa thải vì bị Pháp phát hiện tham gia Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội, và một năm sau cha tôi (cụ Hoàng Kỵ) mất, khi tôi mới 4 tuổi và cậu em út là Hoàng Chúng còn nằm trong bụng mẹ. Tất cả nhờ nghề dệt mà mẹ tôi nuôi đã nuôi nấng chúng tôi nên người", Giáo sư Hoàng Tụy kể.
Trong số những người mà nhờ nghề dệt của bà mẹ mà "nên người" có (cố) Họa sĩ Hoàng Kiệt, (cố) Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, (cố) Giáo sư Vật lý Hoàng Quý và (cố) Giáo sư Toán học Hoàng Chúng, ngoài Giáo sư Toán học Hoàng Tụy.
"Tôi còn nhớ gia đình tôi mang vải xo đi bán ở khắp nơi, từ Huế đến Hà Nội và Sài Gòn", GS Hoàng Tụy kể tiếp.
Theo cuốn "Địa chí xã Điện Quang" (NXB Văn học, 2011), việc dệt vải "xo" (tussor), từ tơ tằm, ở Việt Nam được một số người Pháp khởi xướng với xưởng dệt đầu tiên tại Phú Phong (Bình Định), do sự khan hiếm của vải Tây nhập ngoại dùng để may âu phục. Người Việt đầu tiên năm được cách thức dệt vải "xo" là ông Lê Đồng Lợi, người làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhưng người mở rộng và phát triển nghề này cho nhiều hộ gia đình làm là ông Huỳnh Nam người thôn Xuân Đài (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), cháu gọi cụ Hoàng Kỵ (cha của GS Hoàng Tụy) là bác ruột, vào khoảng năm 1935.

Xưởng dệt từng có 200 công nhân làm việc trước 2008 bây giờ chỉ còn hoạt động với 1/10 công suất.
Ảnh Huỳnh Phan.
"Mẹ tôi kể lại rằng cái xưởng dệt nằm ngoài vườn nhà tôi lúc đó có khoảng chục khung dệt. Ngoài ra, cha tôi còn "outsource" cho nhiều hộ khác trong thôn làm", ông Hoàng Gia Phúc, một cán bộ hưu trí hiện sống ở Đà Nẵng, kể lại.
Nghề dệt lụa tơ tằm ở Quảng Nam nói chung đã có lịch sử khoảng 400 năm, kể từ khi Bà Chúa Tằm Tang họ Đoàn, phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, khai sinh nghề trồng dâu tại làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên, trước khi mở rộng ra các nơi khác trong tỉnh, trong đó có khu vực Gò Nổi - nằm giữa hai con sông nên thổ nhưỡng rất phù hợp với nghề trồng dâu.
Cũng theo "Địa chí xã Điện Quang", trước Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là giai đoạn 1940-1944, nghề trồng dâu ở Điện Quang rất thịnh, bởi ngoài việc phục vụ cho nghề ươm tơ - dệt lụa ở xã, khi tơ lụa của Điện Quang được xuất đi cả Nam Vang (Campuchia) và Ấn Độ, kén còn được cung cấp cho Đông Yên và vài xã khác của huyện Duy Xuyên.
"Ở Điện Quang, nghề trồng dâu - ươm tơ - dệt lụa còn tiếp tục đến giữa những năm '60, khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng, và những ném bom, càn quét sau đó đã biến xã này thành một vùng trắng", cựu Chủ tịch xã Nguyễn Đức Chơi, người kể rằng cha vợ ông trong những năm '50 vẫn còn đi bộ gùi lụa sang Nam Vang bán, nói.
Khi hòa bình lập lại, cùng với việc xây dựng lại nông thôn mới và phòng trào hợp tác hóa nông nghiệp, kể từ năm 1979, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Điện Quang đã được phục hồi.
"Cực thịnh nhất là giai đoạn 1987-1991, khi toàn xã có tới 400 héc ta dâu, tức là gần hai phần ba đất nông nghiệp", ông Chơi nói.
Trong những năm đó, lãnh đạo xã đã liên doanh với Công ty Dâu Tằm Tơ Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1989) để lập ra được một nhà máy ươm tơ. Trong đó, xã lo phần nhà xưởng, còn công ty ở Đà Nẵng chuyển máy móc, thiết bị về cho 400 công nhân làm việc.
Thế nhưng, ngày vui không kéo dài. Năm 1993, nhà máy này đã phải dừng hoạt động, do không tìm được đầu ra. Một năm trước đó ông Giám đốc Công ty Dâu Tằm Tơ Quảng Nam - Đà Nẵng, con người năng động với các mối qua hệ với đầy đủ các khách hàng từ Ý, hay Nhật, nghỉ hưu, và các mối làm ăn cũng rụng dần.
Chuyến đi Ý và nỗ lực không mệt mỏi của ông "quan xã"
Năm 1995, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có tổ chức cho một đoàn doanh nghiệp, đại diện cho các ngành giày da, may mặc, dâu tằm, và chế biến thực phẩm sang Ý, theo lời mời của Thương vụ thuộc Đại sứ quán Ý tại Việt Nam. Đặc biệt, trong đoàn có một ông quan xã, nói chính xác hơn là hợp tác xã.
"Hồi đó, tôi làm trưởng bộ phận kế hoạch - định mức của HTX Điện Quang. Tuy ông anh tôi là Nguyễn Đức Thành là Chủ nhiệm HTX kiêm Giám đốc Nhà máy Ươm tơ, nhưng tôi là người quản lý trực tiếp và am hiểu về kinh tế - kỹ thuật của nghề này, nên được cử đi để đàm phán", ông Chơi giải thích.
Mục đích cử ông Nguyễn Đức Chơi đi Milano của ngành dâu-tằm-tơ tỉnh là muốn cứu nhà máy ươm tơ đã bị chết yểu cách đó 2 năm. Họ muốn kêu gọi người Ý bỏ vốn đầu tư vào nhà máy và bao tiêu hộ sản phẩm.

Nhiều làng nghề truyền thống đang mai một dần.
Ảnh minh họa: làng nghề ươm tơ Cổ Chất, Cổ Lễ, Nam Định.
"Kết quả duy nhất mà tôi đạt được trong chuyến Tây du đầu tiên và duy nhất trong đời đó, kéo dài tới 10 ngày, là các đối tác chỉ gạ tôi mua máy móc của họ, và trích phần trăm cho tôi nếu ký hợp đồng, chứ không hề có ý định hợp tác làm ăn với chúng ta", ông Chơi vừa nói vừa nhếch mép.
Kể từ đó, ông Chơi thôi hẳn ý định tìm đối tác nước ngoài. Ông đọc báo đài, hỏi han người nọ, người kia về các doanh nghiệp ngành tơ tằm trong nước, rồi tự tìm cách tiếp cận trực tiếp họ. Và, trong một loạt các cuộc tiếp xúc tay đôi đó, có một lần, ông đã thành công.
"Một người bạn học làm Phó Giám đốc Công ty Phú Cường Silk ở Đà Nẵng đã giới thiệu tôi với anh Võ Đức Cường, và, kể từ năm 2002, anh Cường đã gắn bó với Điện Quang cho tới tận bây giờ", ông Chơi nói.
Lãnh đạo xã giao cho Phú Cường tiếp quản toàn bộ nhà xưởng của nhà máy ươm tơ cũ. Tiền thuê đất, sau 2,5 năm đầu tiên được giảm 50%, 3-4 năm tiếp theo chỉ phải trả 20 triệu đồng/năm.
"Xã ưu đãi như vậy là vì muốn tôi giúp khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa truyền thống", Võ Đức Cường nói.
Lúc ông Cường về Điện Quang, diện tích trồng dâu ở xã này chỉ còn 17 héc ta, so với 400 héc ta cách đó 10 năm. Những người làm nghề dệt ở xã cũng theo bước cha anh lên Sài Gòn kiếm sống, và chủ yếu tập trung ở làng dệt "Quảng Nôm" ở quanh Ngã tư Bảy Hiền.
"Thời gian đầu, nhất là giai đoạn 2003-2005, làm ăn khỏe lắm. Lúc cao điểm một tháng nhà máy sản xuất được 30 ngàn mét vải, năng suất cao nhất Việt Nam luôn", ông Cường kể.
Thế nhưng, lại một lần nữa, ngày vui không kéo dài với ngành tơ tằm Điện Quang. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã lại một lần nữa phủ nhận những nỗ lực của lãnh đạo xã Điện Quang trong việc phục hồi một nghề vừa truyền thống vừa có ý nghĩa kinh tế - xã hội cao.
Nhà máy của Phú Cường ở Điện Quang, lúc cao điểm nhất đã tuyển khoảng 200 lao động địa phương, nay chỉ còn hoạt động cầm chừng với khoảng 20 công nhân. Họ chỉ đảm nhận một công đoạn "đánh sợi để mắc thành sợi dọc" cho cơ sở chính của Phú Cường ở Đại Lộc, nơi cũng chỉ hoạt động với một phần mười công suất và lượng nhân công tương ứng.
Nghề trồng dâu - nuôi tằm ở Điện Quang cũng chết hẳn một năm sau đó (2009). Để làm món "Nhộng trộn", món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ hội, giỗ chạp ở Điện Quang, người dân ở đây cũng phải đi mua ở nơi khác.
"Nếu anh vào Sài Gòn đến đường Đồng Khởi, hay Lê Thánh Tôn, thì thấy trước đây 10 cửa hàng có đến 9 cửa hàng bán đồ tơ tằm. Nhưng bây giờ còn không quá 5%", ông Cường khẽ lắc đầu.
Các cụ vẫn nói: Trong cái rủi có cái may!
Ông Cường cũng chia sẻ điều này. "Khủng hoảng, bên cạnh vô số mặt tiêu cực, cũng có cái tích cực của nó. Những "sinh vật yếu ớt, bệnh hoạn" sẽ bị đào thải, chỉ còn lại những "sinh vật" khỏe mạnh", ông nói, mắt lóe lên niềm hy vọng.
Đọc được sự hoài nghi trong ánh mắt của người viết, ông Cường tiếp lời luôn: "Xã vừa cho chúng tôi thuê một mảnh đất mới, rộng chừng 8000 mét vuông, để thí điểm một mô hình mới trồng sắn - nuôi tằm. Tôi tin sẽ hiệu quả hơn nhiều so với mô hình trồng dâu - nuôi tằm cũ."

 
Theo vietnamnet
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập330
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay34,099
  • Tháng hiện tại212,666
  • Tổng lượt truy cập90,276,059
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây