Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, thạc sĩ Trần Thẩm Tuấn, Giám đốc Trung tâm đầu tư và phát triển ngô (Viện nghiên cứu Ngô) đúc rút ba lợi ích chính mà các giống ngô sản xuất trong nước đem lại: năng suất cao, giá rẻ (chỉ bằng hai phần ba so với các giống ngô nhập ngoại), chủ động cho sản xuất và hạn chế được nhập ngoại. Ðiển hình là giống ngô LVN-61 (do TS Mai Xuân Triệu và cộng sự chọn tạo, vừa được giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam) với tính năng vượt trội so với các giống ngô khác: ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt, chịu hạn, trồng được ở mật độ cao (ở điều kiện thâm canh); năng suất trung bình đạt từ tám đến chín tấn/ha, khi thâm canh tốt có thể đạt từ 10 đến 12 tấn/ha, LVN-61 hiện đã trồng rộng khắp, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ðây chỉ là một trong số những "thương hiệu" giống ngô nổi tiếng của Viện bên cạnh những giống LVN10, LVN4, LVN99, LVN 8960, LVN145, LVN146..., hiện cũng đang được chuyển giao thành công trong sản xuất, đưa năng suất ngô Việt Nam bứt phá từ ba đến bốn tấn/ha lên mười tấn/ha, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, đồng thời giảm đáng kể việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu và ổn định giá hạt giống ngô trong nước. Cũng trong lĩnh vực giống cây trồng, nhận giải Bông lúa vàng lần này còn phải kể đến giống lúa lai F1 Việt Lai 20 của Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng (do PGS, TS Nguyễn Văn Hoan, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn tạo) là sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực sản xuất hạt lúa lai Việt Nam, tạo nên những dấu ấn về năng suất cao ở các vùng lúa trọng điểm... Còn rất nhiều những bộ giống cây trồng, vật nuôi cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao thành công trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2001 - 2011, các hoạt động KHCN nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp trực tiếp vào giá trị tăng trưởng của ngành khoảng 35%. Năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng đáng kể và đạt mức tiên tiến của thế giới như lúa, cà-phê, cao-su... Ðến nay, đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới; gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Bên cạnh đó, nhiều quy trình canh tác tiên tiến, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, chương trình "ba giảm, ba tăng", sản xuất theo quy trình Viet GAP cũng đang được áp dụng một cách hiệu quả trong sản xuất...
Thiếu động lực để phát triển
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN trong nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều bất cập bởi kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu ứng dụng chưa đồng bộ; chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế cùng tham gia, hay nói một cách khác là, chưa tạo được "liên kết bốn nhà" trong nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Theo thống kê của Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm năm qua đã có hơn 4.380 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai, tạo ra được 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, thực tế hiệu quả thực hiện các đề tài, dự án KHCN nông nghiệp thời gian qua còn rất hạn chế. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, khâu sản xuất thử nghiệm nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm vào sản xuất hoặc đến với doanh nghiệp lại chưa được chú trọng đúng mức.
Theo TS Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thời gian qua, đầu tư KHCN trong nông nghiệp vẫn tăng hằng năm, nhưng chủ yếu kinh phí trả lương cho hoạt động bộ máy và xây dựng cơ sở vật chất, còn kinh phí trực tiếp cho nghiên cứu lại chưa đủ, thậm chí ở một số lĩnh vực đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đôi khi còn dàn trải. Cơ chế quản lý về tài chính cũng còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong thanh quyết toán, giải ngân, làm giảm sự hăng say của các nhà khoa học. TS Nguyễn Tấn Hinh cũng nhấn mạnh, yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KHCN công lập hiện nay chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ (những nhà nghiên cứu). Một số cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, song chưa có cơ chế chính sách giao cho họ chủ trì đề tài mặc dù họ có đầy đủ năng lực đảm nhiệm, bởi thế, chưa khai thác hết được nguồn nhân lực, thậm chí một số nơi còn dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám" trong ngành.
Ðổi mới cơ chế hoạt động KHCN trong nông nghiệp
Ðứng trước thách thức diện tích đất và lao động nông nghiệp ngày càng giảm do áp lực đô thị hóa, thì nhu cầu tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản đang đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp. Do đó, cần đổi mới mạnh mẽ từ hệ thống tổ chức đến cơ chế quản lý, đồng thời tạo động lực để nâng cao, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội vào công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, nông thôn. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Tất Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội nêu quan điểm: "Ðầu tư cho KHCN trong khối trường đào tạo là lợi kép vì không đơn thuần tạo sản phẩm công nghệ hữu ích mà còn đào tạo được một đội ngũ nhà khoa học". Vì thế Nhà nước nên đi trước một bước hỗ trợ phòng thí nghiệm, trang thiết bị, tạo môi trường nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, sinh viên hoặc có cơ chế kết hợp trường với các viện nghiên cứu, bảo đảm vừa học tập vừa tận dụng trang thiết bị. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế liên kết, gắn nhà khoa học với doanh nghiệp; doanh nghiệp phải như một cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với người nông dân. Như thế, hiệu quả của những dự án thử nghiệm mới đạt như mong muốn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Quyết định 846 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 2-6-2011) về thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm KHCN nhằm gắn quyền lợi và trách nhiệm của người nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng. Sắp tới, bộ sẽ phối hợp các bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư hướng dẫn, khi thực hiện sẽ có một số cơ chế mới, nhất là cơ chế tài chính sẽ thông thoáng hơn theo hướng giao khoán gọn, giao quyền tự chủ cho chủ nhiệm, cơ quan chủ trì nghiên cứu. Về lâu dài, sẽ là đổi mới toàn diện theo hướng đổi mới cơ chế quản lý tài chính cũng như cơ chế hoạt động KHCN, có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ KHCN đầu đàn, cán bộ có nhiều công trình KHCN ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn; cùng với chính sách đào tạo, sử dụng đội ngũ nhà khoa học trẻ, tạo đòn bẩy phát triển nguồn nhân lực KHCN, cũng như tăng cường đầu tư kinh phí tương xứng để đáp ứng công tác nghiên cứu. Như vậy, cơ hội cho công tác nghiên cứu sẽ đầy đủ và chất lượng sản phẩm KHCN sẽ tốt hơn, góp phần đưa KHCN thật sự là điểm tựa cho một nền nông nghiệp bền vững.
Hải Phương và Ngọc Sơn
Theo nhandan.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã