Nên học Việt Nam
Đó lời của TS K.L. Heong (Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI). Theo TS Heong, so với các nước trong khu vực cũng đã và đang bị rầy nâu, VL, LXL gây hại như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…, Việt Nam đang là nước thành công nhất trong việc khống chế dịch bệnh này. Việt Nam đã chọn con đường đúng là giảm sự lạm dụng thuốc BVTV, do đó hạn chế được tối đa diện tích lúa bị cháy rầy. Trong khi đó, ở các nước trên, người ta vẫn coi việc dùng thật nhiều thuốc BVTV là phương cách tốt nhất để phòng trừ rầy nâu, VL, LXL, nên dịch bệnh không những chưa được khống chế mà đang ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 1 triệu ha bị thiệt hại. Ở Thái Lan, mật độ rầy nâu hiện đã tăng 100 ngàn lần so với năm 2009. Do đó, mỗi khi đến các nước Thái Lan, Indonesia…, TS Heong đều đưa ra lời khuyên là nên học cách phòng chống rầy nâu, VL, LXL của Việt Nam.
Phun thuốc trừ rầy ở ĐBSCL |
Việc giảm sự lạm dụng thuốc BVTV trong phòng trừ rầy nâu, VL, LXL ở các tỉnh phía Nam được thể hiện khá rõ qua lượng thuốc đã sử dụng trong những năm cao điểm. Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong các năm từ 2006 đến 2009, tổng diện tích lúa được phun trừ rầy tập trung là 2.174.626 ha, với tổng lượng thuốc chống dịch đã cấp phát từ nguồn Chính phủ là 562,6 tấn. Tính ra lượng thuốc phun trên 1 ha là 0,26 kg, thấp hơn mức khuyến cáo là 3 kg. Có được kết quả này là do toàn vùng ĐBSCL đã áp dụng thành công trên diện rộng các biện pháp tổng hợp khác như sử dụng giống xác nhận, gieo sạ đồng loạt né rầy, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nấm xanh, nấm trắng, rút gọn thời vụ gieo trồng, đảm bảo thời gian cách ly, giãn vụ… theo chỉ đạo chung của Bộ NN-PTNT.
Cũng theo ông Huân, trong 5 năm qua, nhiều mô hình phòng chống rầy nâu, VL, LXL rất có hiệu quả đã được xây dựng. Điển hình như: mô hình cộng đồng quản lý tổng hợp rầy nâu, VL, LXL tại 7 tỉnh, TP ở ĐBSCL do FAO tài trợ; nhân rộng mô hình trình diễn của FAO với tên gọi “Cộng đồng quản lý rầy nâu, bệnh VL, LXL” bằng phương pháp xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy, ứng dụng “3 giảm, 3 tăng”, tại Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long…; mô hình sử dụng hóa chất BVTV để xử lý giống và phun định kỳ trừ rầy di trú đầu vụ tại ấp 4 (xã Mỹ Phú, Thủ Thừa, Long An) và huyện Ba Tri, Bến Tre; mô hình xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy, dâng nước ngập thân lúa mới sạ để che chắn không cho rầy di trú gây hại ở xã Thuận Hưng (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) và ấp Thới Bình (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ); mô hình gieo mạ che chắn lưới, đánh giá hiệu quả thuốc xử lý hạt giống, thuốc sinh học trừ rầy nâu trên lúa mùa đặc sản, đánh giá tuyển chọn các giống lúa chống chịu rầy nâu, VL, LXL của Viện lúa ĐBSCL; mô hình phòng trừ rầy nâu bằng thuốc sinh học trên lúa mùa cao sản của Sở NN-PTNT Sóc Trăng; mô hình “1 phải, 5 giảm” ở An Giang; mô hình “công nghệ sinh thái” ở Cái Bè và Cai Lậy của Tiền Giang và An Giang…
Sự thành công của Việt Nam sau 5 năm phòng chống dịch bệnh rầy nâu, VL, LXL (2006-2011) được thể hiện rõ nét nhất qua việc diện tích lúa nhiễm VL, LXL đã giảm rất mạnh. Năm 2006, tổng diện tích lúa nhiễm VL, LXL ở các tỉnh phía Nam lên tới trên 175 ngàn ha (chiếm 4,18% diện tích gieo sạ), trong đó có gần 100 ngàn ha nhiễm nặng và trên 25 ngàn ha phải tiêu hủy. Từ năm 2007 đến 2010, diện tích nhiễm VL, LXL liên tục giảm xuống: năm 2007 có 75.248 ha nhiễm (19.610 ha nhiễm nặng), năm 2008 có 17.516 ha nhiễm (8.704 ha nặng), năm 2009 có 2.489 ha nhiễm (757 ha nặng), năm 2010 chỉ có 525,5 ha nhiễm (119,4 ha nặng). Đến năm 2011, diện tích nhiễm bệnh tăng mạnh so với 2009 và 2010 nhưng chỉ ở mức trên 11 ngàn ha, chủ yếu là do nông dân nôn nóng xuống giống lúa xuân hè quá sớm đúng vào lúc rầy di trú với mật số cao. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: “Việt Nam đã thoát được đại dịch rầy nâu, VL, LXL, qua đó góp phần quan trọng vào việc tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tấn lúa mỗi năm trong 5 năm qua”.
Phải quản lý tốt rầy nâu
Tuy đã khống chế khá tốt dịch bệnh rầy nâu, VL, LXL, nhưng trong những năm tới, Việt Nam vẫn cần phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này. Bởi theo TS Heong, các nước xung quanh đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đại dịch. Ở Thái Lan, dự báo trong năm nay sẽ có một trận dịch rầy nâu rất lớn. Ở Trung Quốc, rầy nâu vẫn đang tiếp tục hoành hành trên diện rộng. Bởi vậy, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, Việt Nam đang bị bao vây tứ phía bởi dịch rầy nâu từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác.
Trong đó, Thái Lan và Indonesia đang có hiện tượng lúa bị cháy rầy trên diện rộng. Rầy từ những nước này hoàn toàn có thể theo gió để vào nước ta. Trong khi đó, hiện nay, ở các tỉnh phía Nam, vẫn còn tới 72% lượng lúa giống chưa phải là giống xác nhận, hầu hết các giống lúa ở miền Bắc đều bị nhiễm rầy, ở phía Nam mới có khoảng 30% giống hơi kháng rầy…, tức là nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống rầy nâu di trú bằng các biện pháp như bố trí lại mùa vụ, gieo sạ đồng loạt né rầy…, do đó đã tạo nên 1 đổi thay lớn trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên việc quản lý rầy tại chỗ vẫn chưa tốt. Bằng chứng diện tích nhiễm rầy hàng năm vẫn còn khá cao, trên 250 ngàn ha. Nguyên nhân là do nhiều nông dân vẫn lạm dụng thuốc BVTV vì chưa được tư vấn đúng hoặc bị ảnh hưởng bởi các đại lý thuốc BVTV. Nông dân vẫn sử dụng dư thừa lượng phân đạm, hạt giống. Giống lúa kháng rầy vẫn đang được cải thiện rất chậm.
Hàng năm chúng ta cho ra nhiều giống lúa nhưng mới nặng về số lượng mà chưa đạt về chất lượng (chẳng hạn tính đa dạng di truyền của các giống lúa rất kém). Do đó, trong thời gian tới, mục tiêu của cả ngành nông nghiệp là phải quản lý rầy tại chỗ sao cho hiệu quả hơn, đồng thời quản lý rầy lưu trú cũng phải làm tốt hơn trước thông qua các giải pháp như hoàn thiện mùa vụ, gieo sạ đồng loạt né rầy, quản lý toàn diện chuỗi sản xuất lúa theo hướng hiện đại, bền vững.
theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã