Rơm rạ cũng thành... tiền
ĐBSCL có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực dồi dào cho SX nấm. Những năm gần đây nhiều công trình nghiên cứu khoa học xác định nguồn gen đa dạng, khả năng lai tạo giống nấm có năng suất cao, đáp ứng theo nhu cầu thị trường của nền "công nghiệp nấm".
Từ lâu đời, ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới nấm được dùng làm thực phẩm, vì đây là nguồn thức ăn rất giàu đạm, chứa nhiều khoáng chất bổ dưỡng. Riêng ở ĐBSCL trong điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới, người dân phát hiện có nhiều loại nấm trong tự nhiên dùng làm thực phẩm ăn rất ngon.
SX nấm tạo thêm thu nhập cho nông dân
Đến khoảng thập niên 1960 trong nhiều vùng nông thôn người dân biết cách làm ra một vài giống nấm ăn. Nhưng ngay từ những năm 1978-1979, một số nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu thành công và đưa ra meo (men) SX nấm rơm. Mở đầu cho những năm chuyển giao TBKT trồng nấm cho nông dân trong vùng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nghề trồng nấm ở ĐBSCL phát triển mạnh khi nhu cầu thị trường được khơi dậy. Ở ĐBSCL, từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khởi đầu nấm rơm VN mở hướng vào thị trường XK, sản lượng ban đầu 2.500 tấn/năm. Đến năm 2002 XK tăng lên 40.000 tấn, đạt kim ngạch 40 triệu USD. Bên cạnh nấm rơm XK quanh năm, nhu cầu thị trường nội địa tiêu dùng nấm thực phẩm tiếp tục tăng lên.
Trồng nấm đơn giản, dễ làm. Gia đình nông thôn nghèo nào dù có đất hẹp, vốn ít cũng làm được. Từ nghề trồng nấm rơm, nhiều vùng nông thôn ĐBSCL nông dân đã biết giá trị tận dụng từ rơm rạ “hái” ra tiền. Các nhà kinh tế nông nghiệp nhận xét: Chỉ với riêng 1,6 triệu ha lúa trong vụ HT, lượng rơm thải ra khá dồi dào chưa tận dụng hết.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
ĐBSCL không chỉ có nấm rơm. Còn nhiều thứ vật liệu khác còn có thể trồng nấm như mùn cưa, bã mía… vừa tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế, vừa giải quyết được vấn đề môi trường. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây về các dòng nấm ăn và nấm dược liệu của Viện Nghiên cứu & phát triển CNSH, Trường ĐH Cần Thơ, ở ĐBSCL có khoảng 20 dòng nấm ăn được thu thập trong tự nhiên đã được khảo sát về hình thái sinh trưởng và phân tích đa dạng di truyền.
+ Nhu cầu tiêu dùng nấm của các nước trên thế giới cần hơn 20 triệu tấn nấm/năm, tốc độ tăng 3,5%. Thị trường tiêu thụ cao nhất là Mỹ, Nhật, Đài Loan và các nước Châu Âu. + Theo Cục Trồng trọt, mỗi năm ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn phế thải như rơm rạ, cùi bắp, mùn cưa... Chỉ cần 15% phế thải dùng để trồng nấm thì VN có thể thu về khoảng 1 tỉ đô la Mỹ/năm. Mỗi năm chúng ta đã SX được hơn 250.000 tấn nấm các loại nhưng lại không đủ nấm để XK dù thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. + Theo tài liệu nghiên cứu, nguồn nấm ngoài tự nhiên ở nước ta rất phong phú, ước tính số loài nấm có trên lãnh thổ VN có thể lên tới 72.000 loài, gấp 6 lần số loài thực vật bậc cao. |
Trong đó một số dòng nấm ăn, nấm dược liệu nổi bật đang được chuyển giao kỹ thuật SX và bắt nhịp với nhu cầu thương mại như: nấm rơm, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm trân châu, nấm mèo, linh chi…
TS Trần Nhân Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & phát triển CNSH nói: “Viện đã nghiên cứu hoàn thành một số dòng meo nấm địa phương. ĐBSCL là vùng có khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho việc đầu tư SX nấm phát triển trong tương lai. Từ các công trình nghiên cứu vừa qua, viện đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm, bào ngư, nấm mèo cho một số địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Riêng năm 2010 Viện hỗ trợ Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thẩm tra chất lượng meo nấm rơm, nhằm giúp nông dân trồng nấm SX đạt năng suất, chất lượng ổn định. Vấn đề còn lại, nếu muốn nghề trồng nấm phát triển và trở thành một ngành hàng có thế mạnh rõ ràng cần có vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước và có nhiều DN tìm ra thị trường XK tốt”.
Một DN chế biến nông sản XK tại Cần Thơ thừa nhận: Riêng mặt hàng nấm rơm nước ta XK gặp nhiều đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nhờ chế biến đảm bảo giữ được phẩm chất ngon, ngọt; phân loại chọn lọc theo từng size (cỡ) nên vẫn được khách hàng ưa chuộng. Nấm rơm VN trụ vững trên thương trường ở các nước EU, Mỹ… là nhờ vào mùa vụ làm nấm không trùng với những những nước có sản lượng nấm rơm lớn trong khu vực.
Trong nhiều năm qua diễn biến thị trường nông sản, trong đó mặt hàng nấm rơm XK tuy có bước thăng trầm, song nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rau quả từ các nước NK vẫn không sút giảm. Mặt khác, với kỹ thuật chế biến công nghiệp tiên tiến, cho dù thị trường bất lợi, giá cả giảm sút nhất thời, nấm rơm vẫn có thể bảo quản dự trữ, chờ cơ hội tốt hơn.
HỮU ĐỨC
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã