Học tập đạo đức HCM

Chuyên gia Mỹ “nhíu mày” với thực tế mắc-ca Việt Nam

Thứ bảy - 09/05/2015 12:19
Từ ngày 6 - 9/5, một nhóm chuyên gia từ Mỹ đến Việt Nam khảo sát thực tế và bàn hướng hợp tác với Công ty Cổ phần Him Lam triển khai đề án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên.

Ngay khi đặt chân xuống sân bay Liên Khương, nhóm chuyên gia trên đi thẳng tới thực địa, như để tận thấy một điều mới đang muốn có tên trên bản đồ mắc-ca thế giới.

Kiểu làm tự phát và tự bơi

Điểm đầu tiên họ tiếp cận không phải là những mẫu hình ấn tượng về năng suất đã khẳng định tại Đắc Nông, Đắc Lắc, hay tại địa bàn tập trung khảo sát là Lâm Đồng. Vườn mắc-ca của ông Nguyễn Thiện (xã Ninh Trường, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là thực tế điển hình cho một cách làm tự phát và tự bơi của nhiều hộ dân hiện nay, với nhiều hạn chế.

5 năm trước, tự tìm hiểu thông tin, ông Thiện quyết định trồng khoảng 2.000 gốc mắc-ca trên diện tích 3,5 ha. “Ban đầu thì trồng chơi xem thế nào”, nên phương án trồng xen được lựa chọn; được thì thêm thu nhập, không được cũng chẳng sao.

Cái nhíu mày đầu tiên của chuyên gia khảo sát là mật độ xen canh của vườn quá dày, mắc-ca len lỏi trong cà phê và sầu riêng.

Ngay chính quy mô khoảng 2.000 cây, nếu chỉ trồng thuần trên diện tích 3,5 ha cũng đã là khác biệt quá lớn so với cách làm của Mỹ (từ 140 - 230 cây/ha).

Mới 5 năm tuổi, song vườn ông Thiện đã cho thu hoạch năm thứ hai. Giá bán bình quân tại vườn 110.000 đồng/kg và năm vừa rồi đã tăng thu cho vườn khoảng 400 triệu đồng.

Một cái nhíu mày nữa mà theo ông Arona L. Palamo, nguyên lãnh đạo cao cấp ngành nông nghiệp Samoa (thuộc Mỹ), là cái lạ của mắc-ca tại vườn này, khi cho quả rải rác trong năm mà không dồn vào một vụ. Nếu tại Mỹ, đây là khó khăn lớn cho việc sử dụng lao động và chi phí thu hoạch.

Tự làm và tự bơi, vườn của ông Thiện như một khu thử nghiệm riêng của người nông dân. Không có ai chỉ dẫn, nên phân nửa là loại cây ghép, phân nửa là cây thực sinh, từ những loại giống khác nhau.

Ông Arona tiếc rẻ: “Tự làm thế này là tốt lắm rồi. Nhưng giá như hộ dân này được chỉ dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, chọc lọc giống ngay từ đầu, có các biện pháp chăm sóc phù hợp thì năng suất sẽ cao hơn nhiều. Và với việc trồng xen quá dày, rủi ro phải chặt bỏ cây khác hoặc chính mắc-ca là khó tránh”.
 

Ông Arona L Palamo, chuyên gia của đoàn khảo sát, tìm hiểu mô hình mắc-ca trồng xen trong vườn chè ô long ở Xuân Trường, thành phố Đà Lạt.

Cũng là trồng xen, nhưng mô hình của ông Trương Thành (Xuân Trường, Đà Lạt) lại khá chuẩn mực về mật độ có mặt của mắc-ca, theo đánh giá của các chuyên gia khảo sát.

Là vườn chè ô long nguyên liệu, cuối 2014, ông Thành quyết định thử xen canh thưa mắc-ca. Như cách nghĩ của ông Thiện, chủ vườn này xác định xen loại cây mới này vào nếu hiệu quả thì thêm thu nhập, còn không cũng không ảnh hưởng đến cây chè. Chi phí xen thử ban đầu không lớn, tích hợp được việc chăm sóc khi tưới và bón phân cho chè.

“Tôi tự tìm tòi trên mạng thôi. Hiện không có ai hướng dẫn làm cả. Ở Việt Nam, nông dân vẫn tự tìm cách làm mới, tự tìm lối đi cho mình, mà đến giờ đã tìm được cái nào mới mà chắc ăn ngay đâu”, ông Thành nói với đoàn khảo sát.

Là mô hình trồng xen khá chuẩn mực, có lợi thế nguồn nước và thổ nhưỡng, nhưng cái nhíu mày của chuyên gia tại vườn ông Thành dường như hoài nghi về chất lượng giống, khi họ dành nhiều thời gian kiểm tra những gốc mắc-ca mới chỉ 5 tháng tuổi.

Hỏi ra, đây là loại giống thực sinh được mua với giá rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/cây, khó khẳng định được chất lượng cho tương lai.

“Riêng có Việt Nam…”

Chuyến khảo sát của nhóm chuyên gia cho thấy những khác biệt lớn so với cách làm mắc-ca tại Mỹ hiện nay (chủ yếu tại quần đảo Hawaii).

Ông Dick Kim, Giám đốc Công ty AgrindMar Global LLC, một thương gia trong lĩnh vực nông sản, cũng là đầu mối kinh doanh các sản phẩm mắc-ca tại Mỹ, lý giải về băn khoăn nổi bật tại Việt Nam hiện nay: vì sao loại cây này tiềm năng vậy mà vùng nguyên liệu phát triển trên thế giới không mở rộng nhanh diện tích?

Nhìn vào những khu vườn như của ông Nguyễn Thiện, ông Dick Kim nói rằng nó như là riêng có của Việt Nam. Bởi lẽ, các vườn điển hình tại Hawaii hay Úc là những “làn đường”, thậm chí trải nhựa, để cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch, thay vì xen canh dày kín.

Chính mật độ phải đảm bảo yêu cầu cơ giới hóa khiến diện tích đất thực để phát triển mắc-ca không thể lớn như tại Việt Nam. Đây cũng là điểm mẫu chốt về chi phí sử dụng đất trong đầu tư.

Đặc biệt, ông Kim nhấn mạnh ở so sánh chi phí nhân công. Tại Hawaii, chi phí nhân công bình quân tới 15 - 16 USD/giờ/người, trong khi chừng đó đủ để trả cho 2 - 3 ngày tại Việt Nam. Lợi thế so sánh ở đây là rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam có lực lượng lao động mùa vụ dồi dào, trong khi tại các quốc gia phát triển lại là trở ngại lớn.

Theo thương gia này, tính toán đầu tư, nhất là về chi phí đất đai và nhân công, cũng do thời gian thu hồi vốn và lợi nhuận dài (thường phải sau 6 - 7 năm), nên các doanh nghiệp Mỹ và Úc (hai thị trường lớn của mắc-ca) khó mở rộng được diện tích. Thay vào đó là hai xu hướng mà ông Kim nhìn nhận: nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, hai là trực tiếp đầu tư tại những quốc gia có giá thành nguyên liệu thấp hơn sản xuất trong nước.

Cả hai xu hướng trên đều được xem là cơ hội cho Việt Nam. Riêng ở xu hướng thứ hai, ông Kim cho biết, một số doanh nghiệp Mỹ đã trực tiếp đầu tư vào Nam Phi để tự chủ động vùng nguyên liệu.

Cùng đánh giá cao về cơ hội trên, nhưng ông Arona khuyến cáo: “Việt Nam có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển mắc-ca, người nông dân nhanh nhạy và đặc biệt là chi phí nhân công rất thấp so với hầu hết các nước đã phát triển loại cây này. Nhưng, nếu cứ tự phát mà thiếu chuẩn hóa, hỗn độn về giống thì rất dễ gặp rủi ro về sau”.

Mô hình mà chuyên gia này nhận định phù hợp với Việt Nam là thiết lập các trang trại, gắn kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp.

“Cần có các doanh nghiệp vào cuộc để làm sao đào tạo tay nghề cho các hộ dân, để chọn lọc và đảm bảo tiêu chuẩn giống ngay từ đầu, gắn kết trách nhiệm trong chế biến và bao tiêu sản phẩn”, ông Arona khuyến nghị.

Đó cũng là mô hình mà Công ty Him Lam đang triển khai. Và trong chuyến khảo sát trên, tại Lâm Đồng, một số doanh nghiệp và nông trường cũng đã trực tiếp mời nhóm chuyên gia tới thực địa, trong kế hoạch hợp tác cùng Him Lam triển khai đề án.

Ông Lê Văn Liền, Giám đốc dự án phát triển mắc-ca Lâm Đồng, cho biết, quan điểm của Him Lam là tranh thủ và liên kết nguồn lực từ các doanh nghiệp để triển khai đề án hiệu quả.

“Cùng với với vấn đề giống và kỹ thuật, tổ chức thị trường là yêu cầu quan trọng. Như với đoàn chuyên gia của Mỹ, ngoài tư vấn chuyên môn kỹ thuật, họ là những người am hiểu thị trường, đang trực tiếp kinh doanh và có các đầu mối kết nối giao thương cần thiết. Chúng tôi phải tranh thủ và chuẩn bị từng bước ngay từ bây giờ như vậy”, ông Liền nói.
(Nguồn tin:VnEconomy.vn)  
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập418
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại865,048
  • Tổng lượt truy cập92,038,777
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây