Quảng Bình là địa phương đầu tiên có gửi báo cáo đầy đủ nhất về thực trạng nông dân bỏ ruộng về Bộ NNPTNT.
Ruộng thành nơi thả bò
Xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) được xem là vựa lúa của huyện. Nhiều năm qua, nông dân ở đây đã lập nên nhiều thành tích đáng nể bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, nhiều năm liền lập kỷ lục về năng suất lúa của toàn tỉnh (75 tạ/ha). Thế nhưng, vụ hè thu năm nay, nhiều diện tích lúa ở xã An Ninh cũng bị nông dân bỏ hoang không thương tiếc.
Ông Nguyễn Duy Viên - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất (xã An Ninh) cho biết: “Theo kế hoạch, vụ hè thu này, HTX sẽ sản xuất 130ha, nhưng cuối cùng cũng chỉ làm được 90ha, còn 40ha thì bỏ hoang”. Không riêng xã An Ninh, ở các xã Tân Ninh, Gia Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) và Đại Trạch, Trung Trạch, Hoà Trạch, Vạn Trạch (huyện Bố Trạch)... nhiều cánh đồng “cò bay mỏi cánh” cũng đã trở thành bãi chăn trâu...
|
“Những năm trước, nhà tui chỉ nuôi vài ba con bò phục vụ cho việc cày bừa vì không có nơi chăn thả. Nhưng bây giờ bãi chăn thả rộng thênh thang do nhiều nông dân bỏ ruộng, đàn bò của gia đình tôi vì vậy đã tăng lên hàng chục con, mỗi năm bán vài con cũng lãi gấp mấy lần trồng lúa” - ông Phán chia sẻ.
Bỏ ruộng sẽ còn tăng
Trở lại với HTX Thống Nhất, khi chúng tôi hỏi vì sao có hiện tượng nông dân bỏ ruộng ở vùng đất vựa lúa này, ông Viên trả lời chậm rãi: “Nguyên nhân có nhiều, nhưng chỉ hai điều chính đó là giá lúa thấp quá, trong khi giá phân bón, thuốc BVTV, ngày công tăng cao nên cân đối lại, bà con thấy lỗ hoặc chưa đủ tiền công sức bỏ ra. Mặt khác, vụ hè thu luôn đối mặt với rủi ro cao. Không chỉ có chuột hoành hành, sâu bệnh phá hoại mà nhiều năm khi thấy hạt lúa vàng rực, lúa vào tận nhà rồi mà vẫn chưa chắc ăn vì trời mưa kéo dài, lúa không phơi được, mộng mọc dài cả gang tay...”.
Một lãnh đạo huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Người nông dân bây giờ tính toán thấy không có lãi nên họ không gieo cấy lúa hè thu để thời gian làm các nghề khác kiếm thu nhập. Vận động bà con đừng bỏ ruộng là bài toán khó ”. |
Nhiều nông dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, 2 năm trở lại đây, giá lúa năm sau giảm hơn năm trước, vụ sau lại giảm hơn vụ trước trong khi chi phí vật tư, tiêu dùng ngày một tăng khiến người trồng lúa lâm vào cảnh làm chẳng đủ ăn nên họ đành bỏ ruộng hoang.
Nông dân Nguyễn Văn Quốc (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) bấm ngón tay tính toán: “Hiện bà con chúng tôi phải chi phí cho 1 sào lúa (500m2), gồm các khoản: Cày bừa, giống má hết 335.000 đồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết 300.000 đồng; công gieo cấy, tỉa giặm, gặt, vận chuyển về... hết hơn 800.000 đồng.
Tổng chi phí khoảng 1,4 triệu đồng, quy ra mỗi ha chi phí khoảng 28 triệu đồng. Trong khi đó những năm được mùa, không gặp thiên tai, năng suất cây lúa ở đây cũng chỉ đạt trung bình 6 tấn/ha và giá thóc hiện nay đã hạ xuống mức 4,5 triệu đồng/tấn, thì mỗi ha có tổng thu 27 triệu đồng. Trừ chi phí, nông dân lỗ 1 triệu đồng/ha”.
Ở huyện Quảng Ninh, nhiều nông dân được mệnh danh “vua lúa” nhưng ở vụ hè thu này họ cũng bỏ ruộng hoang vì làm không có lãi. Nông dân Nguyễn Đại Ơn ở xã Thống Nhất có tới 3ha ruộng, nhưng theo ông Ơn nếu chỉ riêng trồng lúa thì chắc chắn gia đình ông sẽ không đủ sống. “Chừng ấy ruộng, tính ra mỗi năm tui cũng thu được khoảng 70 triệu đồng. Nghe thì có vẻ lớn, nhưng nếu chia cho 5 nhân khẩu thì mỗi người chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng”.
Ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, với tình hình giá vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, trong khi giá nông sản, đặc biệt là giá lúa vẫn ở mức thấp và thị trường tiêu thụ nông lâm thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn... sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của người nông dân.
“Tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất sẽ ngày càng tăng, nếu không có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt”. Theo ông Khoa, Sở NNPTNT Quảng Bình đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tránh tình trạng người nông dân bỏ hoang ruộng trong những năm tới.
Trong đó, động viên bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng: Đối với chân ruộng rất thích hợp cho cây lúa thì tập trung chuyển đổi làm giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; đối với ruộng lúa kém hiệu quả, nên tập trung trồng những loại cây dễ tiêu thụ. Có chính sách hỗ trợ liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ người dân về giống, vật tư...
Cần điều tra, khảo sát kỹ “Đúng là nếu người ta bỏ ruộng để đi làm công việc khác có thu nhập cao hơn, thì là điều tất nhiên. Tôi được biết, tình trạng này đang khá nhiều, chúng ta cần có điều tra, khảo sát kỹ càng để giải quyết. Thực tế, có nhiều người cũng hoang mang trước cảnh nông thôn hoang vắng, thanh niên ít quá. Nếu thanh niên bỏ ruộng ra đi mà có tổ chức thì tốt, còn ra đi mà được chăng hay chớ thì đó là điều không may cho họ và cả nông thôn”. Ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt NamCơ hội tích tụ ruộng đất Tuy vậy, theo tôi việc người dân không có nhu cầu sử dụng ruộng nữa, viết đơn xin trả, có thể xem đây là “tín hiệu mừng”. Bởi nó sẽ tạo cơ hội cho những người có điều kiện tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn...”. Ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc Sở NNPTNT Hải DươngCàng làm càng nặng nợ “Mấy năm nay, nông dân trong thôn tôi bỏ ruộng nhiều lắm, nhất là diện tích ruộng mà người dân thầu của thôn, xã. Trước khi giao ruộng, mặc dù HTX đã yêu cầu các hộ ký kết cấy ruộng trong 10 năm, nếu trả sớm sẽ bị “phạt” là vẫn phải đóng phí theo quy định. Tuy vậy, do làm ruộng không có lãi, nhiều hộ chấp nhận đóng phí để bỏ ruộng. Ruộng dân trả ra, HTX lại phải chia nhau cho các cán bộ, đảng viên cấy chứ không bỏ hoang được. Như tôi là Chủ nhiệm HTX, nhà chỉ có 3 sào ruộng nhưng nay đã phải cấy đến 3 mẫu từ ruộng do dân bỏ ra. Bản thân tôi cấy ruộng cũng thấy, càng làm thì càng nặng nợ. Sắp tới, nếu dân bỏ ruộng tiếp thì không biết làm thế nào. Cứ thế này, có khi phải bỏ hoang ruộng mất thôi". |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã