Bắt đầu nghề làm kẹo cu đơ từ năm 1995, đến nay, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Nguyễn Văn Phong đã phát triển lớn mạnh. Thay vì tự mình xoay sở với đủ công đoạn, từ chọn nguyên liệu, nấu kẹo rồi đem bán, cơ sở hiện tại của anh đã có nhân công riêng, quy mô sản xuất cũng hiện đại hơn.
Kẹo cu đơ là đặc sản của quê hương Hà Tĩnh. Ảnh: Bizmedia. |
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1969) đi nghĩa vụ quân sự, sau đó trở về địa phương và lập gia đình. Do cuộc sống khó khăn, anh vào Nam làm công nhân thời vụ. Tuy nhiên, nhận thấy công việc nặng nhọc, lại không có tương lai nên sau thời gian ngắn, anh quyết định trở về quê nhà tìm hướng đi mới.
Vùng đất nơi anh sinh sống vốn có nhiều làng nghề. Sau khi tìm hiểu, cân nhắc, năm 1995, vợ chồng anh quyết định thử làm kẹo cu đơ - đặc sản nổi tiếng của vùng. Trước đây, vợ anh từng có thời gian nấu kẹo cho một xưởng cu đơ nên tích lũy được chút kinh nghiệm, do đó, hai vợ chồng cũng không quá khó khăn để làm ra những mẻ kẹo thành phẩm đầu tiên.
Thời gian đầu, kẹo cu đơ của anh dùng giấy báo để gói nên không để được lâu. Cải thiện tình trạng này, anh đã nghĩ ra cách bảo trong hộp nhựa, vừa an toàn, vệ sinh lại vừa đẹp mắt.
Công nhân đóng gói kẹo. Ảnh: Bizmedia. |
Nấu kẹo cu đơ là nghề khá vất vả, bất kể thời tiết lạnh hay nóng, người làm phải túc trực liên tục bên nồi kẹo và khuấy đảo liên tục, đều tay hàng giờ đồng hồ. Để giảm tải quá trình này, anh Phong đã mày mò, sáng chế ra máy đảo kẹo, tiết giảm nhiều công sức của người thợ. Cùng với đó, anh còn phát kiến ra máy rửa và xắt gừng, bếp nấu kẹo cách nhiệt đa năng, có thể nấu bằng điện, than, dầu và cả máy dán hộp kẹo.
Theo anh Phong, việc đưa máy móc vào sản xuất giúp tăng năng suất lao động lại tiết kiệm thời gian và sức lực của nhân công. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc lựa chọn nguyên liệu để tạo ra mẻ kẹo ngon và đảm bảo vệ sinh.
Lớp kẹo bên trong vỏ bánh đa đòi hỏi quá trình làm kỳ công. Ảnh: Bizmedia. |
Anh Phong cho biết, để duy trì thương hiệu cu đơ Phong Nga suốt 20 năm qua, cơ sở luôn chú trọng sản xuất ra những sản phẩm chất lượng. Nguyên liệu nấu kẹo gồm lạc, mật, bánh đa (bánh tráng), gừng tươi… được nhập có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước khi đưa nguyên liệu vào sản xuất, anh còn cẩn thận kiểm soát lại một lần nữa. Bên cạnh đó, quy trình nấu bánh cũng phải đạt chuẩn về kỹ thuật và thời gian để sản phẩm ra lò thơm mùi bánh đa, bùi béo vị lạc, ngọt vị mật, ăn vừa miệng… Khâu đóng gói cũng được chú ý nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn với người dùng.
Quy trình làm kẹo cu đơ.
Hiện nay, cơ sở của anh có 15 lao động trực tiếp và 5-7 lao động thời vụ. Hàng năm, sau khi trừ chi phí nhân công, nguyên liệu..., vợ chồng anh thu lợi nhuận khoảng 280 triệu đồng. Ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart từ Phú Yên tới Thanh Hóa, kẹo cu đơ của cơ sở còn có mặt tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước.
Theo Thủy An/vnexpress.ne
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã