Sau hơn 10 năm gắn bó với dế, bọ cạp, rết..., giờ đây, anh nông dân này được mệnh danh là "vua" của hơn một triệu con côn trùng ở vùng đất thép Củ Chi.
Ý tưởng khởi nghiệp... "điên rồ"
Về ấp Bến Đò, hỏi bất kì ai về cái tên Tùng "dế", chúng tôi đều được chỉ tận tình từng ngõ ngách dẫn đến nhà của anh Lê Thanh Tùng, một trong những người đầu tiên ở TP.HCM nuôi dế bằng phương pháp nhà nông. Ngôi nhà xây khang trang rộng rãi của gia đình anh nằm nép mình bên con kênh hiền hòa của ấp Bến Đò. Xung quanh tổ ấm này chỗ nào cũng nghe râm ran những tiếng gáy của các loại côn trùng. Cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Củ Chi, anh Lê Thanh Tùng xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, đông con. Vì kinh tế khó khăn, bốn anh em nhà Tùng chưa có ai học hết cấp hai đã phải theo chân cha mẹ lội mương, lội ruộng chăm bón từng gốc lúa. Cuộc sống bình dị, chân chất ở miền quê nghèo cứ thế trôi qua lặng lẽ.
Dế được anh Lê Thanh Tùng nuôi trong xô nhựa
Với mong muốn có thêm khoản tiền chi tiêu phụ cha mẹ, ngoài những buổi đầu tắt mặt tối ngoài đồng, Tùng còn kiêm thêm việc phụ hồ, bốc vác thuê…Những tưởng, những chuỗi ngày thiếu thốn, khó khăn cứ bị dòng đời cuốn đi. Song, một đêm nọ, Tùng đang theo dõi chương trình truyền hình thấy người nước ngoài sử dụng nhiều loại côn trùng như dế, bọ cạp, rết, châu chấu… làm thức ăn. Trong khi đó, giá của những món ăn này rất cao, chỉ có những người có tiền hay khách du lịch mới đủ chi phí để thưởng thức. Ngay lập tức, trong đầu anh nông dân hiền lành, chân chất ấy nảy sinh ý nghĩ "người nước ngoài sử dụng côn trùng làm thức ăn thì trong tương lai người Việt Nam cũng không ngoại lệ".
Nung nấu ý tưởng đó, mỗi ngày sau khi kết thúc công việc, Tùng quyết định lân la ra bờ ruộng, bờ mương bắt côn trùng về nuôi. Con dế trở thành con vật đầu tiên được anh Tùng chọn để khởi nghiệp. Tùng bộc bạch: "Đó là vào năm 2000, tôi bắt đầu đào dế từ ngoài đồng ruộng vào nhà nuôi thử nghiệm. Các thành viên trong gia đình thấy tôi có hành động kì lạ đều ra sức cản ngăn. Tuy nhiên, vì ý tưởng đó đã thôi thúc tôi bỏ ngoài tai sự khuyên ngăn của mọi người. Tôi ra chợ mua từng cái nồi, cái thau, cái xô về làm nhà, làm tổ cho dế trú ngụ. Mỗi khi đi làm về, nơi đầu tiên tôi ghé thăm là "ngôi nhà" của dế, thậm chí là cả lúc ăn và trước lúc đi ngủ tôi phải nhìn thấy dế sinh trưởng bình thường tôi mới cảm thấy an tâm".
"Tuy nhiên, thời điểm đó, nghề nuôi dế còn quá mới, ít người biết đến. Nhằm tích lũy kinh nghiệm, tôi đạp xe đi dò hỏi khắp nơi tìm học kỹ thuật chăm sóc loài côn trùng này. Đi tới đâu, tôi đều hỏi về cách nuôi dế nhưng ai cũng lắc đầu chào thua. Nhiều người còn nói cái nghề gì mà lạ hoắc và cho rằng tôi có ý tưởng "điên rồ". Ngay cả cán bộ phụ trách về nông nghiệp cũng bó tay lắc đầu vì không có tài liệu để cung cấp", Tùng kể. Không mấy ai đồng tình với quan điểm khởi nghiệp lập dị của mình, nhưng chàng trai Thanh Tùng không nản chí. Trở thành "ông vua" của hơn một triệu con côn trùng như hôm nay, Lê Thanh Tùng tự mày mò từng đặc tính sinh trưởng của loài dế, tìm ra nguyên nhân gây bệnh dẫn đến dế chết hàng loạt.
Anh Lê Thanh Tùng được mệnh danh là "vua" nuôi các loài côn trùng
Từ đây, anh đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi cho ra lò những chú dế béo ngậy, khỏe mạnh. Chưa dừng lại ở đó, ngoài việc nuôi dế, anh Tùng mở rộng sang nuôi cả bọ cạp, rết là loại côn trùng được nhiều người cho rằng có nhiều nọc độc nguy hiểm. Anh dùng vỏ dừa khô, đất xốp làm tổ, sử dụng dế và cám làm thức ăn cho bọ cạp và rết. Nhờ nguồn thức ăn có sẵn, cộng với tính kiên trì, chịu khó, dám đối mặt với rủi ro, giờ đây Lê Thanh Tùng đã trở thành ông chủ cung cấp dế, bọ cạp giống cho người nông dân và dế, bọ cạp, rết làm thức ăn cho các chuỗi nhà hàng ở trong và ngoài TP.HCM.
Thất bại là mẹ thành công
Đầu những năm 2000, bắt tay vào việc nuôi côn trùng, Tùng đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều lần quá nản chí, anh từng có ý định bỏ cuộc giữa chừng. Nhớ lại khoảng thời gian đầu, Tùng kể: "Trên tivi, báo, đài nghe, thấy người nước ngoài dám chi hàng ngàn USD để mua côn trùng làm thực đơn trong các bữa ăn. Song, đối với người Việt Nam nhu cầu về sử dụng dế làm thức ăn còn quá xa vời. Bên cạnh đó, nhiều người còn chẳng biết cách ăn các loại côn trùng này như thế nào nữa nên tôi lo lắng về đầu ra lắm. Quả đúng như dự đoán của tôi, hai năm đầu tiên, số lượng dế của tôi nuôi được chỉ để bán cho các chủ vựa cá cảnh và một số tay chơi đá dế... nên giá cả rất rẻ mạt. Nhưng vì niềm đam mê với côn trùng tôi vẫn không từ bỏ ý tưởng "kì lạ" này".
Dế được dùng làm thức ăn cho bọ cạp
Chưa tính, những tháng ngày không được gia đình ủng hộ nên dường như anh em chẳng quan tâm đến ý tưởng "điên rồ" của Lê Thanh Tùng. Mặc kệ những lời trách móc, khuyên ngăn, Tùng tận tụy, tỉ mỉ chăm sóc bầy dế. Đến năm 2003, Tùng đã sở hữu hơn 30 ngàn con dế. Nhưng, một buổi sáng thức dậy, anh Tùng chứng kiến toàn bộ số dế trên chết sạch. Vậy là bao nhiêu công sức, vốn liếng đều đổ sông, đổ biển. "Lần đầu tiên nuôi cũng là lần đầu tiên thất bại, tôi nản lắm. Tôi có ý định bỏ cuộc từ ngày đó rồi. Nhưng suy đi tính lại, trong đời ai cũng phải thất bại một lần. Tôi đành nuốt cục buồn vào bụng cho tiêu tan hết và bắt tay đi tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của dế để gây dựng lại từ đầu", Tùng nhớ lại.
Với quan niệm "thất bại là mẹ thành công", Lê Thanh Tùng tiếp tục ra ngoài đồng ruộng, rúc bờ này bụi nọ đào dế mèn về nuôi, kèm theo đó tìm lí do dẫn đến dế chết hàng loạt. Sau vài ngày nghiên cứu kĩ càng những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của dế, anh Tùng phát hiện chính mùi khói bếp của gia đình đã làm cho dế bị ngộp, thiếu oxy nên mới chết như thế. Để khắc phục tình trạng này, người nông dân ấy đưa dế từ trong nhà phía sau vườn rồi dựng chòi để tách biệt chúng với khói bếp. Dế được nuôi trong xô nhựa. Hằng ngày anh Tùng cắt cỏ, cắt rau trộn cám cho dế ăn. Bầy dế 150 ngàn con phát triển đều đặn, khỏe mạnh. Nhìn bầy dế, anh dự định sẽ bán chúng vào dịp tết vơi hi vọng giá cả được đẩy lên cao.
Nào ngờ, một lần nữa bầy dế lại ngã lăn ra chết toàn bộ vì gặm phải cỏ bị phun thuốc sâu được anh Tùng cắt ngoài đồng về. Bốn năm đầu gắn bó với dế anh Lê Thanh Tùng liên tục đối mặt với thất bại nhưng người đàn ông này vẫn không hề có ý định bỏ cuộc. Anh lại đi khắp nơi thậm chí ra tận miền Trung để tìm dế, bọ cạp, và rết giống về nuôi. Nhờ nắm được tập tính ăn và tập tính sinh sản của chúng, hiện anh Tùng trở thành chủ của ba trang trại côn trùng trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. Không đơn thuần là nông dân sản xuất giỏi, Lê Thanh Tùng còn là một tay chế biến món ăn từ dế, bọ cạp và rết rất cừ ở TP.HCM.
Quyên Triệu
Nguồn: nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã