Học tập đạo đức HCM

Bước đột phá chuyển trồng lúa sang cây ăn trái trên vùng Cửu Long

Thứ ba - 13/03/2018 22:52
Với sự hỗ trợ của ngành chức năng về nhiều mặt, người dân ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái cho thu nhập cao.

Chuyển đổi nâng tầm giá trị

Ông Trần Văn Cượng (ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết: Gia đình đã chuyển đổi 3.000 m2  đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái đạt kinh tế tốt hơn, qua đó góp phần tạo ra việc làm cho người lao động nông thôn.

Người dân TP. Cần Thơ chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái.
Người dân TP. Cần Thơ chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái.

“Trồng lúa theo phương pháp truyền thống, hiệu quả không cao. Tôi và một số nông dân ở địa phương chuyển sang trồng dâu tằm. Loại cây này ít nhọc nhằn trong khâu chăm sóc, hiệu quả mang lại tương đối khá”, ông Cượng cho biết.

Cũng theo ông Cượng, lúc đầu gia đình không biết chuyển đổi sang cây trồng gì. Nhờ Hội Nông dân xã dẫn đi tham quan mô hình trồng dâu tằm ở xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên) thấy khá hiệu quả nên quyết định chọn loại cây này để “đổi đời”. Hiện nay, vườn dâu tằm được 1 năm tuổi và đã cho trái, trung bình, mỗi ngày ông Cượng bán trên 45kg dâu tằm, với giá bán 50.000 đồng/kg. 
Ngoài việc bán trái, gia đình ông Cượng còn làm thêm rượu, mức dâu tằm để bán cho khách gần xa. Nhận thấy hiệu quả mang lại khả quan, gia đình ông Cượng đang lên kế hoạch mở rộng thêm 3000 m2  để trồng dâu, kết hợp cung cấp cây giống.

Nhiều nông dân trong tỉnh Trà Vinh chuyển đổi đất lúa sang trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3,8 - 7,6 lần. Được biết, tỉnh Trà Vinh có diện tích đất trồng lúa hàng năm khoảng 234.000 ha (năng suất trung bình khoảng 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt bình quân 1,2 triệu tấn/năm), theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh này còn 224.000 ha và đến năm 2030 còn 201.000 ha đất lúa.

Ông Phạm Văn Tiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hưng cho biết, đây là mô hình đầu tiên của xã mang hiệu quả kinh tế rất cao. Hướng tới đây Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Hội Nông dân huyện mở rộng thêm mô hình này. “Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng cùng sự tiếp tay, giúp sức của ngành nông nghiệp, tôi tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương”, ông Tiền nhấn mạnh.

Cũng như ông Cượng, ông Nguyễn Văn Ngỡ (64 tuổi, ở ấp Bình Lợi, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) mạnh dạn trồng cây cam xoàn thay thế cây lúa.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngỡ cho biết, sau nhiều năm làm ruộng thất bại vì dịch bệnh, ông đã chuyển 1,5 ha đất sản xuất lúa sang trồng cam xoàn. Ông Ngỡ nói: “Tôi quyết định chuyển sang trồng cam xoàn vì thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp, hơn nữa loại cây này cho trái có vỏ mỏng, ít hạt, thơm ngon, độ ngọt cao. Trước khi trồng, tôi đã sang tỉnh Đồng Tháp học hỏi kinh nghiệm trong thời gian dài”.

Vườn cam xoàn 1.800 gốc của ông Ngỡ đang cho năng suất cao (50 kg/cây). Ông không phải đem đi bán mà các thương lái tự đến mua tận vườn với mức giá từ 30.000 – 45.000 đồng/kg.

4 năm trước, trên 4 ha đất trồng lúa của gia đình ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) có chi phí đầu tư cao nhưng thu nhập rất thấp. Ông Hưng đã quyết định cải tạo 3.000m² đất lúa để trồng 400 gốc bưởi da xanh. Đến nay, diện tích vườn bưởi của ông đã lên đến 1 ha. Với 1.400 gốc bưởi da xanh, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, ông Hưng thu về 1 tỉ đồng/vụ.

Ông Hưng bộc bạch: “Trồng bưởi vất vả hơn trồng lúa, nhưng bù lại là giá cả ổn định và thu nhập cao hơn. Ngoài việc thu lời từ bán trái, còn thu lời từ việc chiết cành bưởi giống bán cho bà con trong vùng”.

Khi ngành chức năng “xuống đồng”

Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho hay, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đang khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa sang nhiều cây trồng khác, trong đó có cây ăn trái. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích được chuyển đổi lên tới 46.000ha, chiếm 20% đất trồng lúa của tỉnh.

Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thu nhập cao từ việc chuyển đất lúa sang trồng bưởi.
Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thu nhập cao từ việc chuyển đất lúa sang trồng bưởi.

Được biết, trong 4 năm qua, diện tích cây ăn trái của An Giang tăng trên 2.700 ha (từ 8.407ha hiện lên 11.110 ha), chủ yếu là trồng xoài, chuối, nhãn, cây có múi thuộc các huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu.

Cũng như An Giang, với sự hỗ trợ tích cực từ nông nghiệp, thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương ở TP.Cần Thơ như Phong Điền, Bình Thuỷ, Cờ Đỏ,… tích cực chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Từ đó, góp phần hình thành được một số vùng sản xuất trái cây tập trung, chuyên canh, trong đó có nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Theo thống kê, đến nay, thành phố có 17.121 ha cây ăn trái, với sản lượng trái cây đạt hơn 98.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cho biết, để nâng cao giá trị cho trái cây, ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là tiêu chuẩn VietGAP.

“Ngành nông nghiệp thành phố luôn tìm cách đầu tư khoa học kỹ thuật, giúp người dân phát triển các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, có giảm chi phí, thực hiện liên kết theo chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị gia tăng”, ông Hè nhấn mạnh.

Theo phóng viên tìm hiểu, để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây lúa sang cây ăn trái trái, TP.Cần Thơ có nhiều chương trình, dự án tập huấn, hỗ trợ nông dân như WB6, hoạt động quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn…

Cuối năm 2017 vừa qua, TP.Cần Thơ còn đề nghị và được Đoàn công tác của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) chấp nhận cho tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam (EACVN) để phát triển lĩnh vực trồng cây ăn trái. Từ đó, giúp Thành phố có thêm các điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái.

Liên quan đến dự án trên, ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi mong muốn dự án giúp Thành phố xây dựng vùng chuyên canh trái cây với quy mô tương đối lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng, phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái bền vững. Đặc biệt, với vai trò là trung tâm động lực phát triển của vùng, TP.Cần Thơ xác định cần thu hút đầu tư, hình thành được nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến trái cây để tập trung trái cây đưa đi xuất khẩu ở nhiều quốc gia”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn nên tỉnh xác định đẩy mạnh việc chuyển đổi đất lúa. Kế hoạch năm 2018 này, tỉnh sẽ chuyển đổi hàng nghìn ha lúa sang trồng cây khác, đặc biệt chú trọng vào cây ăn trái.

Theo Huỳnh Xây/Báo TTV.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay74,911
  • Tháng hiện tại905,638
  • Tổng lượt truy cập92,079,367
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây