Khi tôi hỏi ở Biển Bạch Đông, nông dân nào trồng mía hiệu quả nhất, ông Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND xã hồ hởi khoe: Đó chính là nông dân Lê Văn Được. Ông Phong cũng tiết lộ, với sản lượng thu hoạch 650 - 750 tấn mía cây/năm, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm "vua" mía thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Tìm về ấp 6 La Cua, chúng tôi may mắn gặp được "vua" mía. Hỏi chuyện mía đường, nhâm nhi chén trà, ông Được bắt đầu kể về hành trình làm giàu của mình.
Năm 1970, ông nhập ngũ và công tác tại chiến trường phía Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại nước bạn Campuchia, năm 1981, ông trở về quê hương với tài sản là 38 đồng và 60kg gạo cộng với những vết thương chiến tranh. Quê hương nghèo khó khiến ông mất ăn mất ngủ, trằn trọc với bao nghĩ suy và rồi trời không phụ công người, ông dần đi lên từ hai bàn tay trắng.
Trên con đường làm giàu, ông Được đã bôn ba ngược xuôi hết miệt Tiền Giang, rồi Cần Thơ, Kiên Giang cho đến Sóc Trăng. "Tôi làm thợ đụng, ai thuê gì tôi làm nấy, nhiều lúc chỉ cần có chén cơm ăn cầm dạ là tôi làm", ông nói. Và rồi ông ngồi bấm ngón tay liệt kê những công việc cực nhọc mà mình từng làm, nào là đào đất, cuốc ruộng, gánh lúa, cho đến chở ghe thuê, bốc vác hàng… Rồi trong những ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ông đã gặp được người bạn đời của mình. Không muốn phải chịu cảnh nay đây mai đó, ông lấy vợ và quyết tâm cắm cày cuốc ở huyện Thới Bình. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu từ đó. "Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ có đất là bạt ngàn", giọng khảng khái, ông nhắc lại chiến tích khai hoang của mình và người vợ trẻ: "Cứ tay trần với giồng, hai vợ chồng hì hục phát lau, sậy tới đâu thì cắm cọc tới đó".
Nhìn cánh tay rám nắng với những vết sẹo to nhỏ, chúng tôi phần nào hiểu được để có cánh đồng mía xanh tốt, bạt ngàn như hôm nay, vợ chồng ông phải lam lũ, cực khổ như thế nào. "Hồi đó làm gì có trâu, tay người mà làm thôi. Đêm nào cũng mơ nhà có được con trâu, khổ mấy tôi cũng chịu", vừa nói, ông vừa đưa đôi mắt nhìn ra ruộng lúa vừa được gần 10 lóng. Lòng quyết tâm thoát nghèo dường như không bao giờ giảm bớt trong người lính này, bạo dạn mua thiếu đôi trâu với giá 250 giạ lúa và bắt đầu một chặng đường mới, vợ chồng ông thực sự đang tiến gần tới cuộc sống mới.
Khởi đầu tốt đẹp, sau khi có trâu để cày, gia đình ông Được khai hoang được hơn 10ha đất trồng lúa. Trả được nợ mua trâu, ông tích cóp dần để trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng và 4 đứa con. Không dừng lại ở đó, năm 1995 với khát khao làm giàu, ông táo bạo chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cánh đồng mía vụ đầu đưa đến cho vợ chồng người nông dân cần cù ấy gần 30 triệu đồng. Chỉ sau đợt thu hoạch mía, ông Được đã xây được căn nhà khang trang mà hiện nay cả gia đình đang sinh sống. Từ đó đến nay, gia đình ông luôn dẫn đầu huyện Thới Bình về trồng và thu hoạch mía. Mỗi năm, gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng từ bán mía, chưa kể lợi nhuận từ những vuông tôm, ruộng lúa.
Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình cho biết: "Vùng mía Thới Bình cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, công suất thiết kế 1.000 tấn mía/ngày. Vùng mía nguyên liệu ở đây được quy hoạch ổn định 3.000ha, song con số ấy thay đổi theo từng năm do giá cả, đầu ra bấp bênh. Khoảng 27 năm trước, nông dân xã Biển Bạch Đông tham gia vào hợp tác xã (HTX) cây công nghiệp, cùng nhau chung sức đào mương phèn, kê liếp trồng mía, khóm. Thế rồi thị trường biến động nên HTX giải thể, nông dân chuyển sang trồng trúc. Đến khoảng năm 1997, mía có giá, cộng với việc Nhà máy đường Thới Bình được xây dựng, bà con trồng mía trở lại. Nhờ được giá, được mùa, không ít nông dân xã Biển Bạch Đông thoát khỏi cảnh nghèo khó. Những năm 2000 - 2003, do sức hút từ con tôm, nông dân một số vùng trong quy hoạch trồng mía ồ ạt phá mía để nuôi tôm. Chỉ riêng 110ha mía ở Biển Bạch Đông vẫn duy trì ổn định, đến nay phát triển lên hơn 440ha. Nhờ trung thành với cây mía nên nông dân được nhà máy mía đường đầu tư giống mới (ROC16, ROC20), chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thu nhập ngày càng ổn định. Trong đó, gia đình ông Lê Văn Được luôn là điển hình trong phong trào trồng mía ở địa phương. Gọi ông là "vua" mía cũng không ngoa đâu!".
Từ hai bàn tay trắng, bây giờ ông Được đã có trong tay hàng chục hecta đất trồng mía, nuôi tôm và trồng lúa. Tuy nhiên, ông vẫn còn rất nhiều trăn trở: "Năm nay, tôi thực sự không được vui bởi chăm bẵm đồng mía cả năm trời, năng suất vượt trội hơn năm trước nhưng thu lời lại hẻo hơn. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố cung - cầu, gần đây người trồng mía ở Thới Bình lại thêm phần khó khăn vì hệ thống cầu, cống độ tĩnh thông tuyến chưa đầy 2m bao quanh vùng mía của 3 ấp Hữu Thời, Lê Giáo và Quyền Thiện làm nghẽn đường vận chuyển mía thương phẩm. Về lâu dài, để diện tích trồng mía ổn định, người dân yên tâm sản xuất, chúng tôi rất mong Nhà nước cần có thêm chính sách ưu đãi cho người trồng mía, đảm bảo có lời, không phải thấp thỏm chuyện được mùa mất giá hay mất mùa được giá nữa!".
Hải Âu
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;