Học tập đạo đức HCM

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên

Thứ hai - 18/09/2017 19:23
Hình thành gần 30 năm nay, nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên hiện đang dẫn đầu cả nước về sản lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do lợi nhuận, người nuôi tôm hùm tự phát với tốc độ phát triển quá nhanh, khó kiểm soát đang phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều rủi ro, nên cần có giải pháp phát triển bền vững.
 

Người dân phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu thu hoạch tôm hùm.

Hình thành gần 30 năm nay, nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên hiệ

Giàu lên từ mặt nước đầm

Về xã Xuân Thịnh, vùng trọng điểm nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, chúng tôi được chứng kiến không khí tất bật, rộn ràng của một phiên chợ chuyên phục vụ cho nghề này. Từ sáng sớm đã có khoảng 50 đến 60 xe tải, xe đông lạnh các loại từ khắp nơi trong cả nước về đây để bán thức ăn nuôi tôm hùm, chủ yếu là thức ăn tươi sống, bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ...), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng...), các loài cá tạp (cá sơn, cá liệt, cá mối, cá chuồn...). Phiên chợ diễn ra rất khẩn trương. Trong chốc lát, hàng trăm tấn thức ăn được chuyển xuống các loại xe thô sơ chở về vùng nuôi, đưa ra ghe kịp cho tôm ăn trong buổi sáng.

Làng cát Phú Dương, Vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh nằm nép mình bên bờ vịnh Xuân Ðài là vùng trọng điểm của tôm hùm. Trước đây, do đặc thù là vùng bãi ngang, không có đất nông nghiệp để sản xuất lương thực, chỉ duy nhất một nghề chài lưới ven đầm, nhà nào cũng đông con cho nên cuộc sống khá khó khăn. Có thời điểm cả làng có đến 80% số hộ nghèo. Nhiều người bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhưng hôm nay, con tôm hùm đã níu chân họ lại, nguồn lợi từ con tôm đã làm thay đổi cuộc sống của bao người. Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh Lê Minh Hoan cho biết: Nghề nuôi tôm hùm ở địa phương liên tục phát triển qua từng vụ. Hiện có khoảng 1.700 hộ gia đình nuôi tôm, chiếm 80% tổng số hộ toàn xã. Nếu trước đây vùng nuôi chỉ tập trung tại hai làng Phú Dương và Vịnh Hòa, thì nay bà con mở rộng thêm đến thôn Hòa Hiệp. Theo số liệu báo cáo sáu tháng đầu năm 2017, xã có khoảng 25 nghìn lồng nuôi, bình quân mỗi lồng từ 180 đến 200 con giống, chủ yếu là tôm hùm xanh. Trước đây, tôm xuất bán theo mùa, cứ nuôi đúng một chu kỳ 18 tháng, xuất bán rồi mua tôm giống ủ lại, thì nay bà con nuôi theo kiểu rải vụ, mỗi gia đình đều có vài trăm lồng tôm đủ kích cỡ, từ tôm giống nuôi đến tôm thịt, nhờ đó ngày nào cũng có tôm xuất bán. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, toàn xã xuất bán từ năm đến bảy tấn tôm thương phẩm. Giá tôm hiện tại 700 nghìn đồng/kg tôm xanh cỡ 3 đến 5 con/kg và 1,8 triệu đồng/kg loại tôm bông (một con/kg) đã tăng thu nhập cho người nuôi cao hơn mọi năm.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh Lê Minh Hoan: "Qua khảo sát toàn xã, có khoảng 20% số hộ giàu với mức thu nhập tiền tỷ mỗi năm; 50% có mức thu nhập từ 500-700 triệu đồng; còn vài trăm triệu đồng là đại trà. Tất nhiên cũng có gia đình thua lỗ do thiên tai dịch bệnh nhưng phần lớn là có lãi". Ở Phú Dương, Vịnh Hòa hiện có đến hàng chục hộ nuôi tôm hùm đang có trong tay số tài sản hàng tỷ đồng như Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Xuân Danh, Trần Văn Tới, Ðỗ Thanh Ngà... Từ nguồn thu nhập ổn định, người nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn giúp bà con xóm làng cùng phát triển kinh tế. Mỗi năm, bà con tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng cho việc xây dựng giao thông nông thôn, mở rộng mạng lưới điện, xây trường học, tạo quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng
thay đổi.

Trao đổi với ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chúng tôi được biết, cho đến nay thị xã Sông Cầu vẫn được xem là "thủ phủ" tôm hùm cả nước, với hơn 26.200 lồng nuôi, nhờ điều kiện tự nhiên của mặt nước đầm Cù Mông và vịnh Xuân Ðài (rộng khoảng 13 nghìn ha) rất phù hợp với điều kiện sống, phát triển của con tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm ở đây phát triển mạnh, quy mô đầu tư ngày càng lớn, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân tỷ phú, những làng tỷ phú ven biển Nam Trung Bộ. Sản lượng tôm hùm thương phẩm vào khoảng 500 đến 600 tấn/năm, chiếm gần 80% sản lượng của toàn tỉnh. Doanh thu từ nghề này của thị xã Sông Cầu khoảng 700 đến 800 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 hộ dân ven biển. Nhiều vùng nghèo khó bao đời nay như Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Ðài thật sự chuyển mình chỉ trong vòng vài ba năm nhờ lợi nhuận từ con tôm hùm.

Hạn chế rủi ro

Cho đến nay, Việt Nam chưa sản xuất được tôm hùm giống để nuôi, cho nên tôm giống lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khai thác ngoài tự nhiên. Tại Phú Yên, nghề khai thác và ương tôm hùm giống của tỉnh có tổng diện tích mặt nước phân bố khoảng 52 km2 trên địa bàn các huyện Ðông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Sản lượng khai thác trung bình mỗi năm từ 1,2 đến 1,5 triệu con. Lượng giống này chỉ đáp ứng được từ 60 đến 90% cho việc nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh, còn lại nhập từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh. Những năm gần đây, do tôm hùm giống khai thác trong nước giảm, nên phần lớn người nuôi ở Phú Yên phải nhập giống từ các nước Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết: "Hiện nay, tôm hùm giống chủ yếu là khai thác tự nhiên và nhập về từ rất nhiều kênh cho nên khó quản lý khâu kiểm dịch, dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, nan giải nhất là vấn đề ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa và người dân xả rác, chất thải". Ông Tuấn cho biết thêm, xét về mặt pháp luật, việc khai thác tôm hùm giống tự nhiên như lâu nay là vi phạm. Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống nhân tạo cho tương lai là xu hướng tất yếu.

Nghề nuôi và ương tôm hùm giống ở Phú Yên mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân, có hộ lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, do bùng phát về số lượng lồng nuôi hiện nay lên 75 lồng/ha, cao hơn ít nhất từ 15 đến 45 lồng; mật độ thả nuôi từ 100 đến 120 con/m3 nước đối với tôm hùm giống, 80 đến 100 con/lồng nuôi tôm thương phẩm cũng tăng gấp hai lần so với quy định. Bên cạnh đó, ở các vùng nuôi tôm hùm, nhiều hộ dân còn tự ý cắm cọc tre, sử dụng lốp xe cũ để nuôi vẹm, hàu làm ô nhiễm và cản trở quá trình lưu thông nước và hầu hết các hộ đều không kê khai, đăng ký hoạt động nuôi trồng thủy sản…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Thành, người nuôi tôm hùm ở huyện Ðông Hòa thừa nhận: "Những năm gần đây, người dân tăng diện tích nuôi tôm tự phát quá nhanh, bất chấp rủi ro dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Biết là sai nhưng họ vẫn làm vì lợi nhuận quá cao. Thời gian tới, cần thiết phải đưa vào khuôn khổ để hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế và bản thân tôi cũng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành". Về vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho rằng: "Chính quyền địa phương và bản thân người dân cũng chưa tự bảo vệ nghề kiếm sống của họ. Ðúng ra họ phải chia sẻ trách nhiệm đó với các cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền hướng dẫn người dân nuôi đúng quy hoạch chỗ này, với 30 lồng/ha, mà họ cứ nuôi đến 75 lồng/ha và ngày tăng thêm thì không có cách nào quản lý hết được".

Nhiều năm qua, hoạt động trao đổi, mua bán tôm hùm giống chủ yếu thông qua thương lái và không khai báo; việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống chủ yếu được người nuôi dựa vào kinh nghiệm cảm quan; thức ăn cho tôm hùm thương phẩm phần lớn là thủy sản tươi sống, qua nhiều năm lượng tồn dư lớn; trao đổi nước giữa đầm, vịnh với biển không bảo đảm yêu cầu… dẫn đến tôm hùm thường xuyên chết hàng loạt khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khoảng từ tháng 5 đến tháng 6-2017, tại các vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt với hơn 1,6 triệu con của 693 hộ nuôi, người dân mất trắng cả nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng gây nên dịch bệnh.

PGS, TS Võ Văn Nha (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho rằng, hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm hùm là tất yếu, trong đó khâu chọn giống cần được chú trọng. Vì vậy, cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ dàng kiểm soát chất lượng. Giải quyết được khâu này thì chúng ta sẽ không phụ thuộc vào nguồn tôm giống ngoài tự nhiên, hay nhập khẩu từ nước ngoài. Tỉnh Phú Yên cần có kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm ở các vùng nuôi; đồng thời nhân rộng mô hình nuôi tôm mới mang lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương mà các nhà khoa học đã nghiên cứu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên chưa có giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững. Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch tổng thể vùng nuôi tôm hùm, nhưng các địa phương thiếu kinh phí và kinh nghiệm quy hoạch chi tiết, chưa có quy định cụ thể về giao, cho thuê mặt nước. Trong khi đó, cán bộ thú y cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, không có chuyên môn về bệnh thủy sản; hoạt động mua bán tôm giống không đăng ký, diễn ra tự phát; việc thu gom, xử lý chất thải, thức ăn tôm chưa được các địa phương và người nuôi xử lý theo phương thức quy định; hiện tượng xả chất thải sinh hoạt trực tiếp xuống đầm, vịnh diễn ra phổ biến…

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Phú Yên cần sớm phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết và bố trí vốn cho các địa phương thực hiện; bổ sung biên chế, kinh phí quản lý nuôi trồng thủy sản; giao quyền quản lý, khai thác cho các tổ cộng đồng và chỉ đạo hệ thống chính trị tham gia quản lý nuôi trồng thủy sản, từng bước làm thay đổi nhận thức người nuôi, bảo đảm phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm, chỉ đạo Cục Thú y xây dựng phác đồ điều trị mới trên dịch bệnh tôm hùm; đặt hàng cho các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm, thức ăn công nghiệp thay thủy sản tươi sống và ứng dụng mô hình nuôi mới hiệu quả, mà không tác động tiêu cực đến môi trường nước; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật nuôi; nghiên cứu, khảo sát mở rộng thị trường xuất khẩu tôm hùm.

Theo trình Kế/Báo Nhân Dân.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập388
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại866,721
  • Tổng lượt truy cập92,040,450
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây