Đắt vẫn được đón nhận
Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng liên nhóm rau hữu cơ Thanh Xuân, ông Lê Minh Quyền cho biết, từ tháng 7/2008, được sự hỗ trợ của tổ chức ADDA (Đan Mạch), sự chỉ đạo phối hợp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội... nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất rau hữu cơ, trong đó Thanh Xuân là xã tiên phong thực hiện mô hình này. Ban đầu mới thành lập, cả xã có một nhóm duy nhất gồm 11 thành viên tham gia, với diện tích 7.700m2. Sau khi nhóm này đi vào hoạt động sản xuất và có hiệu quả thì đến năm 2009 thành lập thêm 2 nhóm, đến năm 2010 được 4 nhóm. Tuy nhiên, đây là loại hình mới nên ban đầu rau trồng ra không bán được bà con nông dân phải mang sang tận Hà Nội tiếp thị với giá rất rẻ, thậm chí còn tặng không.
Anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX rau hữu cơ Bái Thượng thu hoạch đỗ. |
“Lúc mới sản xuất, rau hữu cơ rất khó bán, vì mẫu mã không bắt mắt, người tiêu dùng chưa tin tưởng, trong khi đó giá lại cao hơn rau ngoài chợ. Rau không bán được, người trồng rau ăn không hết nên phải đưa vào ủ phân. Sau này phải làm công tác thị trường, đưa rau đến các điểm công cộng bên nội thành Hà Nội để tiếp thị và nhờ dự án giới thiệu đến các công ty để quảng bá” – anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX rau hữu cơ Bái Thượng, xã Thanh Xuân chia sẻ.
Từ chỗ khó khăn, đến nay, xã đã thành lập và duy trì được 18 nhóm phân bổ trên 5 thôn với diện tích 21 ha. Rau của xã sản xuất ra đến đâu hết đến đó.
Năm 2012, tổ chức ADDA rút, Hội Nông dân xã Thanh Xuân tiếp quản, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (bẫy bả protein, bẫy bả chua ngọt, sử dụng vòm che nilon hạn chế bệnh hại trên cà chua...) chuyển đổi 11 ha rau hữu cơ.
“Thế mạnh của mô hình sản xuất rau hữu cơ là trong quy trình sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không”, không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ nên thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vấn đề sâu bệnh được bà con xử lý bằng các chế phẩm sinh học, dùng thảo mộc, bẫy bả, trồng hoa dẫn dụ hoặc bắt thủ công” – ông Quyền cho biết.
Việc tuân thủ nguyên tắc vàng “5 không” đã tạo ra những mớ rau chất lượng, an toàn mang đến một lợi nhuận đáng kinh ngạc cho bà con nông dân xã Thanh Xuân. Với 21 ha, hàng tháng cho sản lượng trung bình từ 25 - 40 tấn rau, thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ dân thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng đã trừ chi phí. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Nhung thuộc nhóm sản xuất rau Bái Thượng có 4.000 m2 rau hữu cơ cho thu nhập từ 12 - 17 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX rau hữu cơ Bái Thượng cũng thu nhập từ 14 - 20 triệu đồng/tháng. “Trước khi khởi nghiệp gia đình tôi có 360 m2 đất, bây giờ là 3.200m2, thu về 14 – 20 triệu đồng/tháng. Tính bình quân, mỗi lao động trong gia đình có mức thu nhập từ 6 -7 triệu đồng/tháng” – anh Hưng chia sẻ.
Không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân, vùng rau hữu cơ Thanh Xuân còn là nơi thực hành của sinh viên các trường nông nghiệp và bà con nông dân ở các tỉnh thành khác.
Hiện ưu điểm lớn nhất của rau hữu cơ là giá cả luôn luôn ổn định, dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gấp khoảng 2 - 2,5 lần so với các loại rau khác nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, sản lượng rau sản xuất ra không đủ bán. Mô hình rau hữu cơ của xã đã được UBND huyện Sóc Sơn đề nghị cấp thương hiệu “Nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn” từ năm 2012, đồng thời được cấp chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.
Quy trình nghiêm ngặt
Để tránh sự trà trộn, mỗi thành viên tham gia mô hình rau hữu cơ không được trồng song song các giống rau, các giống rau ở bên ngoài giống với các giống rau trong mô hình. Hoặc không được lấy rau từ bên ngoài chưa được kiểm định trà trộn với giá rau hữu cơ… Vậy nên, để bắt đầu vào mô hình trồng rau hữu cơ, người dân phải tham gia một khóa tập huấn 18 tuần, được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện sản xuất. Trong quá trình sản xuất, mỗi thành viên trong nhóm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau hữu cơ theo đúng nguyên tắc “5 không”, phân bón phải ủ đúng 3 tháng mới được đem vào sử dụng, bổ sung dinh dưỡng cho rau phải đủ thời gian cách ly mới đem ra thị trường.
Để đảm bảo các nhóm sản xuất rau hữu cơ theo đúng quy trình, đồng thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu rau hữu cơ Thanh Xuân, các liên nhóm đã thành lập ban thanh tra (được tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ thanh tra), thường xuyên kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, những hiện tượng bất thường. Với những thành viên, nhóm vi phạm sẽ bị treo chứng chỉ, phạt 2 tháng không được cân rau, hoặc phạt tiền nhóm tùy theo cấp độ vi phạm đến đâu.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân chia sẻ: “Không những phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau hữu cơ mà sản phẩm rau hữu cơ cũng phải tuân thủ nghiêm. Mặc dù hiện nay, sản lượng rau làm ra không đủ bán nhưng nếu không đạt tiêu chuẩn, hoặc sản xuất không đúng quy trình sẽ không được các doanh nghiệp bao tiêu chấp nhận. Vì vậy những ngày mưa gió như hiện nay, ban chỉ đạo liên nhóm, đội ngũ thanh tra của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ. Mưa nhiều, nguồn rau khan hiếm thì việc trà trộn rau càng có nguy cơ cao, công tác kiểm tra, chỉ đạo càng phải được thực hiện sát và khẩn trương hơn vừa đảm bảo được sản lượng rau cung cấp ra thị trường, vừa đảm bảo chất lượng....”
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong trồng rau hữu cơ đã giúp bà con xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tạo ra những lứa rau sạch đạt chất lượng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và đem lại thu nhập cao. Nhiều bạn trẻ trước đây bỏ làng ra đi đã quay trở về làm kinh tế.
Theo ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn – Hà Nội), để phòng trừ sâu bệnh gây hại, bà con nông dân phải dùng tỏi, gừng giã nhuyễn, trộn với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Toàn bộ nước tưới rau đều được xét nghiệm bảo đảm tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng. Do không có sự can thiệp của các chế phẩm hóa học, không chứa yếu tố gây hại như dư lượng nitrat, dư lượng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật hay vi sinh vật gây bệnh nên các lứa rau ở đây luôn sạch và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình canh tác còn giúp bảo vệ đất trồng và nguồn nước không bị ô nhiễm, đồng thời, bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;