Dẫn chúng tôi vào vườn cam Xã Đoài chín mọng, lúc lỉu quả đang chờ thu hoạch, anh Nguyễn Nhật Tuấn, xóm 13B, xã Nghĩa Yên phấn khởi cho biết: “Trồng cam đã nhiều năm nhưng tôi thấy trồng cam chín muộn bán tết cho thu nhập cao hơn cam chính vụ. Tết đến nhu cầu của người tiêu dùng cao, mình không phải tìm đầu ra, cứ tầm tháng 11 âm lịch là có người đến đặt hàng. Năm vừa rồi gia đình để quả trái lứa vụ đầu cũng cho thu hoạch được 100 triệu đồng, năm nay phải gấp đôi”.
Theo kinh nghiệm của các hộ, trồng cam chín muộn không khó, tuy nhiên tốn nhiều công chăm sóc hơn. Đất trồng cam phải đảm bảo tơi xốp, đủ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, tránh không để cho cây cam bị sói mòn gốc, nắm rõ quy trình sâu bệnh và quá trình thay đổi lá trên cây vào các tháng trong mùa.
Muốn cam đạt chất lượng tốt và cho quả đẹp, vào thời điểm đầu vụ, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc, nắm được kỹ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 1.035ha diện tích trồng cam, trong đó có gần 350 ha cam chín muộn.
Ông Nguyễn Huy Anh - phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Thời gian qua, phong trào trồng cây có múi trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn phát triển mạnh, trong đó có nhiều hộ dân trồng cam chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi ha cho thu nhập 600-700 triệu đồng. Đây là hình thức trồng rải vụ cho hiệu quả, vì vậy huyện đang nghiên cứu để có cơ chế chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ các hộ trồng nhân rộng.