Năm 1983, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nông Văn Khẩn quyết định xin nhập ngũ và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1987, ông xuất ngũ, trở về quê hương với bao vất vả, bộn bề của cuộc sống gia đình. Ba người con lần lượt ra đời trong sự vui mừng và hạnh phúc nhưng vợ ông thường xuyên ốm đau nên cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn. Ông phải xoay xở mọi cách để kiếm sống và nuôi các con ăn học.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, ông Khẩn tâm sự: “Ngày đầu lập nghiệp, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, đất ruộng thì ít nên thiếu ăn triền miên”. Những ngày đầu tìm hướng phát triển kinh tế, vợ chồng ông phải loay hoay làm nhiều nghề chỉ với mong muốn kiếm đủ hai bữa cơm nuôi đàn con nhỏ. Sống ở vùng núi nên chỉ có thể chăn nuôi trâu, lợn, gà, trồng lúa, chỉ đủ ăn chứ không có của ăn, của để. Vợ ông thường xuyên ốm đau, nghe anh em họ hàng mách nước, ông phải xuôi ngược nhiều nơi để tìm mật ong về điều trị bệnh cho vợ. Và chính những lần đi tìm ong mật đó đã đưa ông Khẩn đến với nghề nuôi ong, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông tâm sự: “Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân là cựu chiến binh nên luôn trăn trở làm sao thoát được cảnh khó khăn, vì thế tôi quyết định chọn nuôi ong mật làm hướng phát triển kinh tế của gia đình”.
Năm 1997, ông Khẩn trở thành hội viên Hội Cựu chiến binh xã Lâm Thượng; ông được đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều nơi. Những năm 2000, nhận thấy ở quê nhà chưa có hộ nào nuôi ong, gia đình lại có nhiều cây cối nên ông lặn lội đi nhiều nơi, từ Lai Châu đến Tuyên Quang, Hà Giang để học cách nuôi ong. Trở về, ông quyết tâm phát triển mô hình này, vốn chịu khó, ham học hỏi nên số lượng đàn ong của gia đình không ngừng tăng, từ vài ba đàn, đến nay, ông có trên 40 đàn, thời điểm cao nhất là 60 đàn. Với số lượng như vậy, hàng năm ông thu về hàng trăm lít mật, khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm ông thu được trên dưới 100 triệu đồng từ mật ong. Nghề nuôi ong không những giúp gia đình ông Khẩn thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Với kinh nghiệm của bản thân, ông Khẩn cho biết: “Nghề nuôi ong dễ mà khó, dễ với những người yêu thích, ham học hỏi và muốn gắn bó lâu dài nhưng lại khó với những người nóng vội, không có ý chí. Nuôi ong đòi hỏi sự khéo léo vì người nuôi cũng phải cần mẫn như con ong vậy”.
Đánh giá về tấm gương vươn lên làm giàu của ông Nông Văn Khẩn, ông Hoàng Văn Côi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lâm Thượng khẳng định: “Hội viên Nông Văn Khẩn là một trong những tấm gương cựu chiến binh đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, đồng chí Khẩn đã phát huy cao độ phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ trên mặt trận mới, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Với ý chí, nghị lực của bản thân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ mô hình nuôi ong mật, ông Khẩn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học hỏi, làm theo.
Khắc Điệp
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;