Học tập đạo đức HCM

Trồng rau mầm trên đất hoang hóa thu tiền tỷ

Thứ bảy - 08/07/2017 09:59
Đam mê trồng rau mầm từ khi còn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, song phải 10 năm sau ngày ra trường, chị Bùi Thị Thanh Hà, xã Ninh Sở (Thường Tín - Hà Nội) mới thực hiện được ước mơ của mình. Hiện, Hà có 1,2ha sản xuất rau mầm và các loại rau sạch cung cấp cho thị trường Thủ đô.
 

Công nhân Cơ sở Thanh Hà đang chăm sóc, kiểm tra rau mầm trên giá thể.

Đam mê và nhẫn nại

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà đã có đam mê làm rau mầm. Tan học, về đến nhà trọ là Hà bắt tay vào làm thử nghiệm theo đúng những gì được học song không thành công. Năm 2007, sau khi ra trường, lập gia đình, trải qua nhiều công việc khác nhau như nhân viên văn phòng,  kinh doanh nhưng đều không thể cải thiện cuộc sống, ­ước mơ được làm công việc đúng ngành nghề mình theo học lại trỗi dậy trong Hà.

Năm 2012, Hà quyết tâm quay lại sản xuất rau mầm, đây là khoảng thời gian tương đối “chín” cả về tuổi đời và tuổi nghề nên những mẻ rau ủ trong rổ, rá, xô chậu ngày nào đã thành hiện thực.  Hà có thể sản xuất rau mầm phục vụ nhu cầu gia đình, tặng bạn bè dùng thử. Rất may, trong số này, có người bạn bán hàng ở siêu thị, chính họ đã gợi ý Hà làm rau nhập cho cửa hàng, Hà nhận lời và chính thức bắt tay vào sản xuất rau mầm từ bấy đến nay.

Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm đi giới thiệu ở các siêu thị tại Hà Nội, Hà gặp nhiều khó khăn khi  nhiều người chưa biết rau mầm là gì. Mặt khác, kinh doanh lớn không thể ủ rau mầm trong rổ, rá được mà phải làm trên giá thể. Bước đầu, việc tìm tòi giá thể phù hợp cũng gặp không ít khó khăn. Còn phải mất nhiều “học phí” nữa Hà mới tìm ra giá thể hữu cơ bằng than bùn, thích hợp cho việc trồng rau mầm. Chưa hết, có giá thể rồi, đến khâu  chọn hạt giống cũng không đơn giản, vì trên thị trường có hàng trăm loại giống với nhiều công ty cung cấp. Lại phải cân nhắc, thí nghiệm và tất nhiên là phải mất tiền “oan”. Phải sau một năm (2013), rau mầm Thanh Hà mới đứng vững trên thị trường như ngày nay.

Nhân viên Phạm Thị Hương, người quản lý khu vực rau mầm, cho biết, trước đây, cơ sở chỉ có vài trăm mét vuông, sản xuất tại nhà nhưng gần 3 năm nay do đầu ra khá lớn, nên phải chuyển ra đồng canh tác. Hiện, rau mầm Thanh Hà có đủ các loại như: giá đỗ, củ cải đỏ, củ cải trắng, cải ngọt, mầm hướng dương, đậu nành, đại mạch... Quy trình gieo không phức tạp lắm, trước tiên phải khử trùng đất, sau đó trộn với phân hữu cơ; khay xốp, đệm lót phải được rửa sạch, nhúng qua nước vôi, phơi khô khoảng 2-3 giờ, rồi mới rải đất lên và san phẳng. Tiếp đó, tưới nước sạch đã được kiểm định, cuối cùng rắc hạt giống lên, sau 7 ngày có thể thu hoạch.

Làm rau mầm khó nhất là khâu thời tiết, chỉ cần trời trở gió, nắng gắt, hoặc chuyển sang mưa thì rau rất dễ thối rễ, hoặc rét quá cũng không nảy mầm được. Trước khi đóng gói phải cắt bỏ rễ.

“Làm rau mầm như nuôi trẻ con, phải chăm bẵm từng ly, từng tý và tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Khó nhất là việc chăm sóc cây sau nảy mầm và phải theo dõi thời tiết liên tục. Nếu thấy nóng quá phải xếp chéo khay để tạo độ thoáng. Rét quá, phải chồng khay lên nhau và quây nylon. Bình thường, 1kg hạt giống có thể thu được 10 hộp, mỗi hộp 135g, giá bán bình quân 13.000-27.000 đồng/hộp (tùy loại rau). Mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường trên 12.000 hộp”, bà Hương cho biết. 

Đóng gói giá đỗ, chuẩn bị đưa vào siêu thị.

Hiện, số công nhân trong nông trại có 16 người, chia làm 4 nhóm, trong đó, nhóm sản xuất rau mầm 5 người, nhóm rau đồng ruộng 4 người, sơ chế đóng gói 3 người, giao nhận hàng 4 người, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; cao nhất là đội giao hàng, 7 triệu đồng/người/tháng.                       

Mong được vay vốn sản xuất ưu đãi, thuê đất dài hạn

Sau khi rau mầm được siêu thị chấp nhận, đồng nghĩa với việc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, Hà lại phải gõ cửa các cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký chứng nhận, song đi đâu cũng nhận được câu trả lời, chưa có quyết định cho rau mầm. Lọ mọ như vậy đến nửa năm sau thì Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) giới thiệu Hà đến Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội. Sở lại giới thiệu Hà về Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố, và phải mất nửa năm như thế cơ sở của chị mới được cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế rau mầm” và trở thành cơ sở đầu tiên ở Hà Nội được cấp chứng nhận này. Như vậy là từ năm 2013 đến nay, rau mầm Thanh Hà đã đứng vững trong lòng người dân Thủ đô; năm 2014 chính thức có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ của Hà Nội.

Năm 2015, do đầu ra thông thoáng, sản xuất rau mầm ổn định, Hà quyết định mở rộng quy mô, đưa công việc ở nhà ra đồng, trồng rau theo hướng VietGAP; sản xuất cây giống ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, Hà phải đi đến từng hộ gia đình để thuê đất sản xuất, kết quả là thuê được 1,2ha. Năm 2016, cơ sở của Hà cung cấp 4 vạn cây giống bắp cải cho Hợp tác xã Văn Đức (Gia Lâm; năm 2017 cung cấp 20 vạn cây, giá bình quân 1.050 đồng/cây. Ngoài ra, Hà còn sản xuất cây giống hoa hồng các loại: hồng cổ Sa Pa, hồng leo, hồng nhung Đà Lạt, hồng nhung ta và một số giống hồng ngoại. Nếu như trước đây phải gieo trên đất, nhổ cây rồi mới giâm thì nay đã có máy gieo hạt, chỉ việc ươm giống trên vỉ xốp, sau đó bứng ra trồng, tỷ lệ sống đạt 90 - 95%, cây rút ngắn được thời gian sinh trưởng, dễ chăm sóc.

Mặt khác, để thu hút côn trùng, làm giảm lượng sâu trên ruộng rau, tăng cảnh quan môi trường nông trại, cơ sở Thanh Hà còn làm hàng rào bằng hoa thay cho hàng rào lưới sắt. Theo đó, mùa hè có hoa hướng dương, giúp giảm cường độ ánh sáng, thu hút sâu bướm đẻ trứng vào hoa, giúp các loại rau trái mùa: xà lách, cà chua hoặc mướp không bị sâu hại; hạt hướng dương thu hoạch để làm rau mầm. Hiện, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ 1 - 2 tấn xà lách, giá 25.000 - 40.000 đồng/kg (trái vụ), chính vụ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm 2017, cơ sở còn thử nghiệm mô hình trồng rau gia vị hữu cơ theo công nghệ mới, rau Hà Lan chất lượng cao để tung ra thị trường...

Hà cho biết thêm, tháng 6/2017, nông trại đón nhận niềm vui lớn khi được đón đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội giới thiệu, về tham quan. “Qua trao đổi với bạn, chúng tôi biết thêm được nhiều điều bổ ích trong việc sản xuất, canh tác các loại rau mầm, rau hữu cơ. Hiện, cơ sở đang thử nghiệm làm bột rau mầm đại mạch theo công nghệ sấy lạnh, giữ được 98% chất lượng như sản phẩm tươi. Theo đó, rau mầm đại mạch đạt 8-10cm thì thu hoạch, sau đó đưa vào sấy lạnh, nghiền thành bột, giữ được hàm lượng can xi, sắt. Cách sử dụng lại đơn giản: dùng để pha chế đồ uống, làm bánh, chăm sóc da (cung cấp cho các cơ sở làm đẹp bằng sản phẩm thiên nhiên). Bột mầm đại mạch còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân (nếu uống trong lúc đói, trước khi ăn); phòng và hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não... Thời gian tới, cơ sở sẽ làm thủ tục trình Bộ Y tế về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, lượng vi sinh... để được công nhận”, Hà nói.        

Sau buổi làm việc, khi hỏi về những khó khăn, thuận lợi của đơn vị từ khi đưa rau từ nhà ra đồng đến nay, Hà cho biết, chính sách Nhà nước chỉ ưu đãi những nông dân nằm trong vùng chuyên canh, trong khi đất đai ở vùng rau rất đắt, “tấc đất, tấc vàng” và không ai cho thuê cả. Bà con chỉ cho thuê ruộng hoang hóa, xa khu dân cư, thiếu cơ sở hạ tầng hoặc không sản xuất được. “Trong 3 năm qua, chúng tôi đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho những vùng hoang hóa như thế. Hiện đã đầu tư các trang thiết bị công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, kho lạnh, máy gieo hạt tự động... với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng.  Chúng tôi mong được hưởng chế độ như bà con trong vùng chuyên canh rau, được vay vốn sản xuất ưu đãi, được thuê đất dài hạn”, Hà kiến nghị.    

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Điều đáng ghi nhận là, cả hai vợ chồng chủ cơ sở sản xuất rau mầm Thanh Hà đều còn trẻ, và là kỹ sư nông nghiệp, tâm huyết với nghề. Sau 5 năm gây dựng, rau mầm Thanh Hà đã có chỗ đứng vững chãi trong các siêu thị Hà Nội và người tiêu dùng Thủ đô, gắn sản xuất với tiêu thụ một cách bền vững. Thành công của họ đã khẳng định những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không chỉ hoàn toàn khó khăn, vấn đề là họ phải tính đến đầu ra, đưa ra cái thị trường cần. Mặc dù sự hỗ trợ chưa nhiều, song cơ sở đã được huyện Thường Tín ưu tiên đầu tư đường nội đồng vào khu sản xuất; tạo điều kiện để cơ sở được thuê đất sản xuất, kể cả sau này muốn mở rộng diện tích”.

Bà Thoa còn cho biết thêm, vừa qua đoàn công tác của Nhật Bản đã đến thăm cơ sở sản xuất của Thanh Hà, với mong muốn được hợp tác để phát triển các loại rau trồng trong nhà, trên ban công, trong trường học... Đây là cơ hội để những cơ sở như Thanh Hà học hỏi cách làm chuyên nghiệp của người Nhật, từ đó mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng  tiêu chuẩn xuất khẩu.             

Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập806
  • Hôm nay67,257
  • Tháng hiện tại803,367
  • Tổng lượt truy cập93,181,031
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây