Ảnh minh họa |
Đề án được thực hiện trên địa bàn của 27 xã, với diện tích tự nhiên 472.236,1 ha thuộc 6 huyện, cụ thể: huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (04 xã); huyện Con Cuông (02 xã); huyện Quế Phong (04 xã); huyện Anh Sơn (01 xã); huyện Thanh Chương (05 xã).
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2018 đến năm 2020.
Mục tiêu chung nhằm xây dựng các xã biên giới có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong đó, đến năm 2020, các xã đạt tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: bình quân đạt 11,4 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 08 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22,9 triệu đồng/người/năm, bằng 54,5% bình quân chung của tỉnh (khoảng 42- 45 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30 - 32% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Nội dung đầu tư của Đề án gồm: Nhóm tiêu chí Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm tiêu chí về Văn hóa-xã hội và Môi trường, nhóm tiêu chí về Hệ thống chính trị. Trong đó, nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất phấn đấu đến hết năm 2020: 10 xã (32%) đạt tiêu chí thu nhập; 27 xã (100%) đạt tiêu chí lao động có việc làm; 19 xã (70%) đạt tiêu chí tổ chức sản xuất...
Căn cứ mục tiêu, nội dung đầu tư, phân kỳ đầu tư theo các nhóm tiêu chí cụ thể trong Đề án, UBND tỉnh Nghệ An giao cho chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp khối lượng, khái toán vốn, xây dựng các dự án cụ thể trong vùng 27 xã để triển khai các dự án thành phần trên địa bàn theo quy định của Luật đầu tư công, đảm bảo nguyên tắc huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua. Hình thức đóng góp của người dân có thể bằng ngày công lao động, hiến đất để giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình đầu tư...
Các giải pháp thực hiện Đề án tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý nhà nước các cấp, các doanh nghiệp và người nông dân, trong đó, vận động nhân nhân tích cực tham gia cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất; phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, đặc sản của các địa phương theo phương châm "mỗi xã một sản phẩm"; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xã hội hóa đầu tư...
Về cơ chế, chính sách, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh đã ban hành; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách của Trung ương và địa phương để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho 27 xã thực hiện Đề án; tiếp tục tăng cường, luân chuyển cán bộ thuộc biên chế của cấp huyện, của lực lượng vũ trang (Bộ đội biên phòng tỉnh) về làm cán bộ chủ chốt các xã biên giới trọng điểm hoặc các xã còn yếu về công tác cán bộ.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Về tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước và các tỉnh trong khu vực; phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất nông nghiệp, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Khuyến khích hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân (kể cả các doanh nghiệp Lào sang đầu tư trên địa bàn), trong đó: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tự tổ chức sản xuất cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, công lao động; mỗi xã lựa chọn 2-3 cây, con hoặc ngành nghề chủ lực để ưu tiên phát triển liên kết vùng để đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh.
Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, củng cố và phát triển các làng nghề theo lợi thế của từng địa phương (mỗi xã thành lập mới tối thiểu 01 hợp tác xã); nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của các làng nghề, làng có nghề nhằm bảo hộ uy tín, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh riêng của từng vùng, như sản xuất rau an toàn, vùng hoa, cây cảnh, nhà vườn, vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả đặc sản, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm từ các cây, con đặc sản của từng vùng, tạo ra sản phẩm hàng hóa.
Theo Minh Hiển/Báo Chính Phủ.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;