Hiện ở nước ta có nhiều vùng trồng mắc ca, song chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1.645ha. Vùng Tây Bắc, diện tích rừng trồng mắc ca chưa lớn, chủ yếu tập trung tại Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh đang trồng thử nghiệm.
Điều kiện gây trồng: Mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20-25°C, lượng mưa hàng năm từ 1.500-2.500mm, nhiệt độ trung bình ngày nóng nhất không quá 35-38oC, và nhiệt độ trung bình ngày lạnh nhất không thấp hơn 5oC.
Đất để trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu và ẩm. Tuyệt đối không trồng mắc ca trên đất nhiễm mặn, đất sét, đất ngập nước và hạn chế trồng trên đất có nhiều đá ong, tầng đất mỏng. Dự tính toàn quốc có khoảng 25.000ha có thể trồng cây mắc ca, trong đó có 12.500ha đất có điều kiện phù hợp.
Tây Nguyên là vùng phù hợp nhất cho trồng mắc ca, trong khi vùng Tây Bắc và Đông Bắc cũng có thể gây trồng nhưng phải tránh những nơi thường xuyên bị gió Lào, có sương muối và nơi dễ bị ảnh hưởng của bão, mưa phùn vào vụ xuân.
Về giống: Cây mắc ca đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trồng thử từ năm 1994 và khảo nghiệm từ năm 2002 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Từ năm 2011, Bộ NNPTNT đã công nhận các giống: OC, 246 và 816 cho các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và trung du phía bắc; giống tiến bộ kỹ thuật là Daddow và 842 cho vùng trung du miền Bắc.
Mắc ca là cây lấy quả nên bà con cần sử dụng những cây ghép của các giống đã được công nhận, có nguồn gốc xuất xứ để trồng vườn quả, không trồng cây từ hạt (cây thực sinh) hoặc cây không rõ nguồn gốc vì những cây không qua tuyển chọn lâu ra quả, cho quả ít, quả bé và không đồng đều nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế.
Cây ghép phải đảm bảo chất lượng, có chiều cao từ 60cm trở lên, cây khỏe mạnh không bị sâu bệnh, lá xanh, vết ghép phải liền và cành ghép phát triển tốt.
Nhân giống mắc ca bằng phương pháp ghép phải sử dụng loại cành ghép để ¼ lá của các dòng đã được công nhận trồng trong các vườn cây đầu dòng và đường kính cành ghép phải tương xứng với gốc ghép cây 12 tháng tuổi. Vị trí ghép trên gốc ghép không quá cao, từ 20 - 25cm, thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của chồi ghép.
Môi trường chăm sóc sau ghép thích hợp nhất là phủ nylon trắng và không tưới trong thời gian 40 ngày. Thời vụ ghép thích hợp là tháng 1-3 và tháng 9 - 12.
Phương thức gây trồng: Mắc ca có thể trồng thuần loài hoặc trồng xen cây nông nghiệp. Ở Tây Nguyên có thể trồng xen cây cà phê cho kết quả rất tốt vì trong quá trình chăm sóc cà phê, mắc ca cũng được chăm sóc. Trong vườn quả mắc ca nhất thiết phải trồng tối thiểu từ 2-3 dòng để tăng khả năng đậu quả.
Trong 1 năm sau khi trồng phải thường xuyên kiểm tra cắt bỏ các chồi gốc cạnh tranh với cành ghép, cắt bỏ dây ghép để cây phát triển và trồng giặm cây bị chết. Lưu ý bà con việc lựa chọn giống có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng là yếu tố quyết định.
Kỹ thuật trồng: Vườn quả mắc ca phải trồng thâm canh, mật độ trung bình 224 cây/ha (7x6m). Hố trồng phải rộng, sâu tối thiểu 80cm. Trước khi trồng phải bón lót phân chuồng 50kg/hố hoặc phân vi sinh 10kg/hố và phân lân 0,5 - 1kg/hố.
Phân bón lót phải trộn đều với đất trong hố trước khi trồng. Hàng năm phải bón thêm phân NPK và phân hữu cơ. Lượng phân bón bổ sung là 200g đạm (bón tháng 9-10), 1.000g lân (bón vào tháng 11-12) và 200-400g kali (vào tháng 2-3). Cây cần được cắt tỉa tạo tán tròn đều, duy trì tưới nước vào mùa khô để quả phát triển.
Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển cây mắc ca.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;