Còn tỉnh Bạc Liêu mới nuôi cá chình sau này nhưng phát triển thâm canh và đang mở hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình là huyện Hồng Dân với Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út.
Thâm canh và giống
Ông Võ Văn Quang ở xã Ninh Hòa (Hồng Dân, Bạc Liêu) có 1,5 ha đất nhiễm mặn, hàng năm trồng trọt và nuôi cá tôm đều cho thu nhập thấp. Khi đứa con tốt nghiệp bác sỹ, ông tính bán đất để ra thành thị kiếm nhà mới cho con có điều kiện phát triển nghề nghiệp và ông cũng mở mang buôn bán hy vọng thu nhập cao hơn.
Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út biết được, động viên ông Quang giữ đất lại nuôi cá chình. Bí thư Út giúp kỹ thuật đào ao và con giống, ngay năm đầu đã thành công, lời tiền tỷ. Từ thả giống mỗi mét vuông 3 con, năm nay Bí thư Út đang giúp ông Quang thử nghiệm thả đến 10 con, mật độ thâm canh cao gấp 40 lần ở Cà Mau. Với mật độ này, sau 4 tháng thu hoạch (bình thường một năm), trọng lượng cá nhỏ nhưng một năm nuôi được nhiều vụ.
Kích cỡ con giống thả xuống ao đất để nuôi ở huyện Hồng Dân cũng có sự thay đổi rất lớn về kỹ thuật so với trước đây. Con giống phải ương trong bể xi măng, trước đây, đạt cỡ 50 con/kg mới thả ra ao đất để nuôi.
Hiện nay, ở huyện Hồng Dân đã thả ra ao đất nuôi được giống cỡ 200 con/kg, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ. Lại có người nuôi thâm canh cá chình cỡ lớn như ông Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, thả giống loại 0,3-0,5 kg/con, sau một năm mỗi con đạt tới 5-6 kg, chỉ với gần nửa ha ao, một năm ông Tuấn thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Thành công đáng kể nữa ở huyện Hồng Dân là ương cá chình giống. Cá chình vớt ngoài biển có kích cỡ khoảng 6.000 con/kg, đem về ương dưỡng trong bể xi măng cho lớn lên, việc này rất khó. Trước đây, giống phải mua từ những nơi khác và nhiều khi còn phụ thuộc tận Trung Quốc, Đài Loan.
Nhờ Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ, huyện Hồng Dân lập Trại Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ hai năm nay, hợp tác với Viện Thủy sản 3 ở Nha Trang, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 con giống. Riêng gia đình ông Út có cơ sở ương giống do con gái và con rể đều là kỹ sư nuôi trồng thủy sản trông coi, năm 2013 sản xuất được 600.000 con giống, năm nay ước một triệu con.
Liên kết với Hàn Quốc
Mới đây, Bí thư Út lại sang Hàn Quốc bàn chuyện hợp tác nuôi và chế biến cá chình. Hàn Quốc là một thị trường tiêu thụ cá chình khá lớn nhưng nuôi khó khăn, vì có nhiều tháng rất lạnh, phải nuôi trong nhà kính nên giá thành cao. Một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên nuôi và chế biến cá chình, sang ĐBSCL tìm hiểu nhiều lần, đến lần thứ 20 vào cuối năm 2011, gặp được ông Út thì tâm đầu ý hợp bàn chuyện liên kết.
Giữa năm 2012, ông Út đã sang Hàn Quốc một chuyến, chứng kiến kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng và nhà kính rất hiện đại.
Tuy nhiên, Hồng Dân lại hơn hẳn Hàn Quốc kỹ thuật nuôi trong ao đất và nuôi được quanh năm. Cơ hội liên kết mở ra từ đó. Phía Hàn Quốc lo nhà máy chế biến (công nghệ Nhật Bản) và thị trường tiêu thụ; Hồng Dân thành lập doanh nghiệp đối tác lo ương nuôi và địa điểm xây dựng nhà máy.
Lúc đầu, nhà máy tính xây dựng ở Hồng Dân nhưng đường bộ chưa chạy được xe container và nhiều trắc trở khác. Ở tỉnh Bạc Liêu cũng chưa có khu công nghiệp cho nhà máy chế biến thủy sản. Cuối cùng, nhà máy tìm vị trí ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và trên đó, lại có thêm một doanh nghiệp tiềm lực mạnh làm đối tác đầu tư nhà máy.
Chuyến sang Hàn Quốc của Bí thư Út mới rồi, thống nhất kế hoạch xây dựng nhà máy, dự kiến năm 2015 đi vào hoạt động. Hồng Dân cũng đã cử 4 nhân viên ở Trại thực nghiệm sang Hàn Quốc tập huấn, chuẩn bị cho liên doanh nuôi và mua cá chình đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Bí thư Út tính toán, công suất nhà máy mỗi ngày 5 tấn cá nguyên liệu, thời gian đầu ở Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng hai phần, còn lại phải nhập từ Hàn Quốc.
Dần dần, mở rộng vùng nuôi thâm canh ở Hồng Dân để đáp ứng. Sản phẩm chế biến tiêu thụ ở Việt Nam và Hàn Quốc. Hội Nông dân huyện Hồng Dân đang triển khai dự án hướng dẫn mấy chục hộ nông dân nuôi cá chình thâm canh. “Nuôi thâm canh phải có điều kiện đất đai, nguồn nước, vốn và kỹ thuật, đầu tư bài bản để làm giàu chứ không phải kiểu làm thử để xóa đói giảm nghèo. Hy vọng sẽ có hàng trăm hộ nuôi thâm canh cá chình ở huyện Hồng Dân giàu lên bền vững”, ông Út nói.
Chuỗi cung ứng toàn cầu
Vóc người dong dỏng, da rám nắng gió, nói năng nhẹ nhàng khúc chiết, ông Út có dáng vẻ trí thức am hiểu thực tiễn. Có lẽ đó cũng là hình ảnh bí thư huyện nông nghiệp thời hội nhập!
Thực tế lo toan cá chình của ông đã đi rất khớp với lý thuyết tái cấu trúc nông nghiệp hiện nay, thể hiện trong tham luận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại cuộc hội thảo gần đây ở Cần Thơ.
Đó là chọn lợi thế, tổ chức ngành hàng có quy mô đủ lớn đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyên môn hóa nông dân, thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác quốc tế tìm kiếm công nghệ cao chế biến sản phẩm đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giải bài toán chính ở nông thôn là lao động - việc làm - thu nhập. Bà Lan nói, cần sáng tạo từ những việc rất nhỏ, chú trọng khâu thương mại, dần dần nâng lên hiệu quả ngày càng cao.
Bí thư Út mấy lần sang Hàn Quốc bởi doanh nhân xứ kim chi nói thẳng: chỉ làm việc với ông. Nhưng ông không có tư cách pháp nhân để ký các văn bản liên kết. Ông lôi cuốn tập thể lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân vào cuộc nên con cá chình trong quá trình liên kết với Hàn Quốc cũng đã là thành công của liên kết nhiều “nhà” trong nước.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã