Học tập đạo đức HCM

Củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thâm canh lúa cải tiến (SRI)

Thứ tư - 10/12/2014 23:16
Ở Việt Nam, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) được ứng dụng từ năm 2003 và liên tục triển khai mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. SRI được chứng minh có hiệu quả vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống.
Củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thâm canh lúa cải tiến (SRI)
Thâm canh lúa cải tiến SRI tăng năng suất lúa, giảm chi phí

Cụ thể, lượng thóc giống giảm từ 70 - 90% (với lúa cấy), giảm 39 - 65% (với lúa gieo thẳng); phân đạm giảm 20 - 28%, tăng năng suất bình quân từ 9 -15%, giảm chi phí BVTV 39 - 62%, tiết kiệm được 30% nước tưới, lợi nhuận tăng trung bình 15 - 35% so với SX truyền thống.

Bên cạnh đó, canh tác theo SRI tạo cho tiểu vùng sinh thái đồng ruộng bất lợi cho dịch hại phát triển như bệnh khô vằn, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ…, đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa.

Ngoài ra, áp dụng SRI làm giảm đáng kể phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống (CH4 giảm 21 - 24%, N2O giảm 15 - 22%, CO2 giảm 22 - 27%).

Các nguyên tắc cơ bản áp dụng canh tác lúa theo SRI

Canh tác lúa theo SRI phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc này có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào những điều kiện riêng của từng vùng. Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng tất cả các nguyên tắc (được gọi là canh tác SRI toàn phần) hoặc tuân thủ một số nguyên tắc (canh tác SRI từng phần).

Cụ thể các nguyên tắc trong canh tác SRI gồm:

(i) Cấy mạ non từ 8 - 12 ngày tuổi, đơn lẻ nhánh (1 - 2 nhánh), khoảng cách cấy phù hợp với thiết bị làm cỏ và bảo đảm cây lúa được tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời, thường từ 20 - 30 cm.

Tương đối khác so với phương pháp truyền thống, mạ cấy từ 21 - 40 ngày tuổi, 3 - 6 nhánh, khoảng cách cấy từ 10 - 15 cm. Đối với lúa gieo thẳng, lượng giống sạ ở mức 1,5 - 1,7 kg/500 m2, lượng giống có thể cao hơn tùy vào đặc điểm đất và giống lúa;

(ii) Cung cấp lượng nước tối thiểu đủ tạo độ ẩm cho đất, mực nước chỉ cần duy trì từ 1 - 2 cm trên mặt ruộng, xen kẽ với những thời kỳ tháo khô ruộng, có tác dụng giải phóng độc tố trong đất (thường gọi là phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ). Khác với phương pháp tưới truyền thống là duy trì thường xuyên mực nước trong ruộng từ 5 - 15 cm;

(iii) Sử dụng phân bón hữu cơ nhằm giữ cân bằng dinh dưỡng trong đất, khác với phương pháp truyền thống thường sử dụng nhiều phân bón hóa học;

(iv) Làm cỏ bằng máy, đồng thời với việc tạo kết cấu đồng đều của lớp đất bề mặt ruộng, tạo điều kiện quản lý sâu bệnh hiệu quả, khác với phương pháp truyền thống thường làm cỏ bằng tay, diệt sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu.

Thực trạng áp dụng canh tác lúa theo SRI ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), đến năm 2014 đã có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ứng dụng canh tác lúa theo SRI. Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ Quốc tế cũng hỗ trợ cho nông dân nghèo ở một số tỉnh ĐBSCL áp dụng SRI.

Tổng diện tích áp dụng SRI trên toàn quốc hiện nay là 394.894 ha, trong đó áp dụng trên lúa gieo thẳng 42.403 ha, canh tác SRI từng phần 361.930 ha, SRI toàn phần 32.964 ha (chiếm khoảng 8% tổng diện tích ứng dụng SRI).

Đến nay, diện tích áp dụng canh tác SRI toàn phần còn tương đối khiêm tốn, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của SRI ở Việt Nam chưa cao bằng so với một số khu vực khác trên thế giới.

Một trong các nguyên nhân diện tích canh tác SRI toàn phần chưa cao là do điều kiện hạ tầng, kỹ thuật tưới chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, nghiên cứu đầy đủ.

Theo đánh giá, các yêu cầu về hạ tầng, áp dụng kỹ thuật tưới để triển khai canh tác SRI toàn phần gồm:

Thứ nhất, có khu đồng ruộng tương đối rộng để canh tác đồng bộ SRI (từ 5 -10 ha trở lên), điều kiện hạ tầng tốt, bao gồm ruộng đất bằng phẳng, nguồn nước chủ động, hệ thống tưới, tiêu hoàn chỉnh.

Các yêu cầu trên để tạo điện kiện áp dụng tưới theo phương pháp ướt - khô xen kẽ, duy trì đồng đều mực nước trong ruộng chỉ từ 1 - 2 cm, thực hiện lịch tưới, tiêu đồng thời cho toàn khu ruộng;

Thứ hai, có sự phối hợp tốt giữa người sử dụng nước (người dân, doanh nghiệp trồng lúa), người cung cấp dịch vụ tưới, tiêu (doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã) trong việc quản lý nước mặt ruộng, tuân thủ đúng quy trình đưa nước, tháo nước, phơi ruộng theo phương thức tưới ướt - khô xen kẽ;

Thứ ba, có chính sách để nâng cao thu nhập cho thủy nông viên, gắn trách nhiệm trong việc điều tiết nước mặt ruộng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi vận hành hệ thống đảm bảo tưới, tiêu chủ động, theo phương thức tưới tiết kiệm nước.

Các nghiên cứu khoa học, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ canh tác SRI đã được thực hiện, ban hành.

Cùng với hơn 30 năm triển khai ứng dụng SRI, nhiều nghiên cứu khoa học về lý thuyết, thực nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới đã được thực hiện, các hướng dẫn về quy trình kỹ thuật canh tác được ban hành tương đối đầy đủ.

Ở trong nước, với hơn 10 năm ứng dụng canh tác SRI, nhiều nghiên cứu khoa học, mô hình thí điểm, mô hình thực tiễn đã được thực thi.

Cơ sở hạ tầng của đồng ruộng, kỹ thuật tưới, tiêu là vấn đề then chốt trong việc canh tác SRI toàn phần. Để tạo điều kiện mở rộng diện tích canh tác SRI toàn phần, cần quan tâm giải quyết tốt vấn đề trên, bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân về hiệu quả canh tác SRI.

Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn có liên quan đã được ban hành như: Quyết định của Bộ NN-PTNT công nhận “Ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong SX lúa ở một số tỉnh phía Bắc” là tiến bộ kỹ thuật, đây là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác SRI cho lúa cấy; Quy trình kỹ thuật ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến đối với lúa gieo thẳng của Cục BVTV; Sổ tay Hướng dẫn quy trình kỹ thuật tưới lúa - tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính của Tổng cục Thủy lợi, các nội dung được hướng dẫn có thể xem xét để phục vụ canh tác SRI.

Nhìn chung, cơ sở khoa học, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn canh tác SRI tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, để hoàn thiện, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy canh tác SRI, cần bổ sung thêm hướng dẫn kỹ thuật về bố trí, xây dựng cơ sở hạ tầng cho canh tác SRI, trọng tâm là các nội dung liên quan đến kỹ thuật san phẳng ruộng, bố trí hệ thống kênh tưới, tiêu và hướng dẫn kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, phù hợp với canh tác từng vùng, miền.

Kế hoạch triển khai phát triển hệ thống hạ tầng, kỹ thuật tưới phục vụ canh tác SRI

Để triển khai ứng dụng rộng rãi canh tác lúa theo SRI toàn phần, việc phát triển hệ thống hạ tầng, kỹ thuật tưới phù hợp là việc cần quan tâm thực hiện.

Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có 12 mô hình thí điểm, với diện tích tổng cộng 750 ha canh tác lúa theo SRI đã được Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư trong Dự án WB7 sẽ được triển khai tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Kết quả thực hiện các mô hình này sẽ được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai mở rộng phạm vi canh tác SRI toàn phần.

Bên cạnh đó, để xây dựng kế hoạch phục vụ mở rộng canh tác SRI, một số nội dung liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng, kỹ thuật tưới phục vụ SRI cần được các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể bao gồm:

Tổng kết các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa đã được thực hiện trong các dự án ODA và tại các địa phương thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học…trên phạm vi toàn quốc;

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hạ tầng, kỹ thuật tưới, tiêu phục vụ canh tác SRI;

Điều tra, đánh giá điều kiện hạ tầng, quy hoạch các vùng canh tác phù hợp với canh tác lúa theo SRI;

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân, đơn vị khai thác công trình thủy lợi tham gia xây dựng hạ tầng, vận hành hệ thống tưới, tiêu đáp ứng yêu cầu canh tác SRI;

Tổ chức đào tạo, tập huấn hộ dùng nước, đơn vị cung cấp dịch vụ tưới, tiêu kỹ thuật phục vụ canh tác SRI;

Xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến canh tác SRI để cán bộ cơ sở, người dân thuận lợi trong việc triển khai, áp dụng

Theo Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay31,049
  • Tháng hiện tại224,142
  • Tổng lượt truy cập92,601,806
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây