Dự án Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính. Năm 2017, Dự án chuyển giao với quy mô 1.025 bò được vỗ béo và 616 bò cái nền được thụ tinh nhân tạo. Ðịa bàn triển khai tại 8 tỉnh, gồm: Gia Lai, Ðắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Cụ thể:
Cải tạo đàn bò, nâng cao năng suất, chất lượng cho người nuôi Ảnh: CTV
Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo: Do áp dụng phương pháp nhân giống bằng thụ tinh nhân tạo sẽ cải thiện khả năng di truyền, năng suất và chất lượng con lai. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong cả nước nói chung, tại các địa phương triển khai mô hình Dự án nói riêng lên 10,25%. Do đã lựa chọn bò cái nền ở độ tuổi 3 - 5 lứa đẻ và chọn tinh bò nhập ngoại có năng suất chất lượng cao (BBB, Drouhtmaster, Brahman), hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục để cho tỷ lệ thụ thai cao, nên tỷ lệ phối chửa lần 1 khá cao, bình quân đạt 75,3%, khối lượng bê sơ sinh 22,1 kg/con.
Mô hình bò vỗ béo: Do bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên bò có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740,1 g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40,1 g/con/ngày (tương ứng 5,7%). Do bò tăng trọng nhanh, bò lai có giá bán cao hơn bò nội nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia Dự án tăng 14,8% so với chăn nuôi truyền thống. Ðến tháng 12/2017, Dự án đã nhân rộng được 184 hộ với quy mô 674 con.
Dự án Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây nguyên. Trong năm 2017, Dự án đã chuyển giao với quy mô 1.640 đàn ong; trong đó 600 đàn ong ngoại và 1.040 đàn ong nội. Ðịa điểm triển khai tại Ðắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La. Năng suất ong ngoại đạt bình quân 41,5 kg/đàn, ong nội đạt bình quân 18,3 kg/đàn, đáp ứng yêu cầu đề ra, hiệu quả kinh tế đạt hơn so với ngoài mô hình là 13,8%, sản phẩm mật ong có chất lượng tốt. Dự án đã nhân rộng được trên 1.000 đàn ong mới, thu nhập từ các sản phẩm bán giống và mật đạt doanh thu ban đầu 15 - 35 triệu đồng/hộ trong năm 2017.
Mặc dù vậy, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ xảy ra nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của mô hình Dự án. Năng suất và các chỉ tiêu khoa học kỹ thuật phụ thuộc nhiều vào mùa vụ của hoa cũng như mùa khai thác mật, phấn hoa; do định mức kinh tế kỹ thuật bị giới hạn về quy mô đàn/hộ và quy mô đàn/điểm trình diễn còn thấp, chưa thúc đẩy sản xuất hàng hóa, theo hướng xuất khẩu.
Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu đã chuyển giao quy mô 1.167.000 con gia súc và gia cầm, với 100 hộ tham gia. Ðịa điểm triển khai tại Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Ðịnh và Thái Bình. Các kết quả chính của Dự án: Kiện toàn và thành lập mới 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Công nhận được 72/70 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (trong đó có 14 cơ sở chăn nuôi heo và 58 cơ sở chăn nuôi gà). Tỷ lệ tiêm phòng tại các cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình đạt 100%. Mô hình của Dự án đã trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn có kiểm soát cũng như vệ sinh thú y.
Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi heo sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ. Năm 2017, Dự án đã xây dựng 6 mô hình với 12 điểm trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nam, Nam Ðịnh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long với quy mô 24 heo đực giống và 120 heo nái. Dự án chuyển giao heo đực giống có năng suất cao như giống Duroc, YL, Pidu… thông qua công tác thụ tinh nhân tạo đã tạo ra đàn heo có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi với tỷ lệ thu tinh đạt 80 - 86%. Ðàn heo nái sử dụng giống tốt áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học bước đầu cho năng suất cao hơn heo nái đang chăn nuôi tại địa phương. Số con sơ sinh/nái đạt 11,28 - 12 con. Khối lượng heo con sơ sinh đạt 1,23 - 1,25 kg/con. Hiệu quả kinh tế trong Dự án cao hơn so với ngoài dự án 15 - 18%. Thông qua việc xây dựng mô hình, tập huấn, tham quan đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.
Dự án được triển khai tại xã Quang Kim và Cốc San, tỉnh Lào Cai với quy mô 10.000 con gà thương phẩm. Các kết quả chính đạt được: Ðàn gà có tỷ lệ sống cao hơn yêu cầu của Dự án là 2,75%, tăng trọng lượng hơn 0,35 kg/con và tiêu tốn thức ăn giảm 0,25 kg/con. Các hộ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau khi bị ảnh hưởng bởi lũ quét trên địa bàn xã Quang Kim và Cốc San, tỉnh Lào Cai.
Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất, chất lượng, an toàn sinh học trong chăn nuôi nông hộ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hội Chữ thập đỏ triển khai Dự án tại các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình và Bắc Giang. Năm 2017, Dự án đã xây dựng được 3 mô hình trình diễn với quy mô 17.000 con gà thương phẩm. Dự án đã chuyển giao các giống Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai, là các giống được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt trong chăn nuôi nông hộ. Dự án đã nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 30 hộ tham gia mô hình và các hộ trong địa bàn thông qua kết quả mô hình, tuyên truyền và đào tạo ngoài mô hình.
Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại một số đơn vị quân đội thuộc Quân khu 2” do Lữ đoàn 604 - Quân khu 2 chủ trì tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 2017, Dự án đã xây dựng được 3 mô hình trình diễn với quy mô 23.740 con gà thương phẩm, chuyển giao các giống gà Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai, là các giống đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt được: Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng là 94,5%, khối lượng cơ thể 2 kg/con, tiêu tốn thức ăn bình quân 2,59 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Dự án đã giúp cho đơn vị chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, sử dụng hợp lý lao động, tận dụng thời gian nhàn rỗi của cán bộ, chiến sỹ dựa trên ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để nhân rộng mô hình chăn nuôi trong các trại tăng gia sản xuất đơn vị quân đội.
Nguồn: nguoichanuoi.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;