Học tập đạo đức HCM

Lão nông "biến" thân tre thô kệch thành tôm hùm tiền triệu

Thứ năm - 03/03/2016 21:44
Từ những thân tre thô kệch, ông Nguyễn Minh Châu (88 tuổi, trú phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã “nhào nặn” thành những con tôm hùm có giá lên đến 1 triệu đồng/con.
Không chỉ có mặt tại các tỉnh, thành trên cả nước, loại tôm tre độc đáo này còn “bơi” sang thị trường Mỹ.
30 năm đục đẽo thân tre
Căn nhà của ông Châu nằm trên đường Ngô Gia Tự (phường Bình Định) luôn vang tiếng đục đẽo. Khi mục sở thị hàng chục con tôm bằng tre giống như thật đang bu bám trên mảng tường trong căn nhà của ông, chúng tôi mới ngộ ra cái tên thân thương mà chòm xóm gọi ông là “Châu tôm tre”.
 
Những con tôm hùm tre sinh động rất giống thật. ảnh: DŨ TUẤN
Ông Châu cho biết: “Thời thơ ấu của tôi gắn liền với cây tre, lúc ra đồng chăn trâu tôi dùng tre để chế tác thành nhiều đồ vật khác nhau. Lớn lên, ngoài làm nông, tôi còn làm thêm nghề đắp tranh nổi. Đến năm 1987, cơ duyên đến và tôi bắt tay vào làm tôm tre với những con tôm đầu tiên như tôm càng, tôm sú… Tất cả đều hoàn thiện, nhưng tôi vẫn chưa ưng mắt lắm”.
 Ông Nguyễn Văn Hà- chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn (Bình Định), cho biết: “Không ngoa khi nói rằng gia đình ông Châu là nơi duy nhất ở Việt Nam sản xuất mặt hàng tôm hùm tre. Mẫu tôm hùm tre độc nhất vô nhị này do ông Châu tự mày mò nghĩ ra, quy trình chế tác cũng là của ông. Hầu hết nguyên liệu để làm ra con tôm hùm tre như: Cây tre, sợi dây chuối màu sơn...  rất dễ tìm, nhưng để chế tác được con tôm sinh động như kiểu của ông Châu là điều không dễ dàng chút nào”.
Thế rồi, sau nhiều đêm trằn trọc, ông Châu quyết tâm phải làm thế nào cho tôm tre có hồn và thu hút được ánh mắt của người nhìn, lúc đó mới tính đến chuyện làm kinh tế.
Trong nhiều năm sau đó, ông Châu tiến hành nghiên cứu cải tiến mẫu mã, hoàn chỉnh quy trình sản xuất tôm tre với nhiều công đoạn chế tạo độc lập.
Mỗi người đảm nhiệm 1 khâu riêng biệt và đều tập trung cụ thể vào một mẫu tôm hùm. Nhờ vậy, ông Châu dần mày mò, cho ra đời những con tôm hùm bằng tre có kích thước lớn hơn và đặc biệt sơn phết màu sắc y như tôm thật, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Châu phân tích: “Để làm ra những con tôm tre sinh động, ban đầu, tôi quan sát con tôm hùm thật rất kỹ. Sau đó, còn mua vỏ tôm về để xem cấu tạo nó ra sao và so sánh với sản phẩm mình làm ra. Phải mất hàng chục năm mới có thể hoàn thiện được con tôm tre như bây giờ.
Phần đầu của tôm hùm tre nhìn phức tạp nhưng được chế tác rất đơn giản, chỉ bằng gỗ cây bông gòn rất mềm và nhẹ, phủ lên lớp keo, sau đó rải thêm lớp cát mịn, gắn râu. Tuy nhiên, khó nhất là công đoạn tạo dáng cong cong cho thân tôm.
Phần thân này được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết nối nhau bằng dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép để dễ ngoe nguẩy”.
 

Ông Nguyễn Minh Châu và con tôm hùm tre vừa hoàn thiện.  ảnh:D.T

Để tôm tre thực sự có hồn, ngoài bàn tay dẻo dai, tinh tế và óc sáng tạo của nghệ nhân thì nguyên liệu cũng quan trọng không kém. Ông Châu cho hay, loại tre chuyên dùng để sản xuất tôm phải được ngâm 6 tháng dưới bùn, sau đó vớt lên và phơi thật khô. Cây tre sẽ được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn lại được  tẩm, nhuộm hóa chất để có độ tuổi bền hơn. Nhuộm xong, tất cả lại được đem phơi, sấy và được xông chống mối mọt, nhờ vậy mà tôm tre của cơ sở ông Châu có tuổi thọ rất cao.
Truyền lửa nghề cho con, cháu
Được người cha cầm tay chỉ việc, đến nay anh Nguyễn Phúc Sơn (56 tuổi, con trai ông Châu) đã thành thạo và vững tâm nối nghiệp làm tôm tre của cha. Theo anh Sơn, làm tôm hùm tre khó nhất là lúc uốn lưng của con tôm sao cho sinh động. Vì khi con tôm tre được tạo dáng sẽ thoát ra khỏi dáng dấp thô kệch của thân tre, công việc khi ấy mới thành công.
“Với chất liệu tre, khi được phủ lên lớp sơn, trông không khác gì con tôm vừa được lột vỏ ngoài. Mỗi đoạn trên thân của một cây tre cũng được chia nhiệm vụ giữ một vị trí trên thân tôm. Điều chú trọng nhất là khâu xử lý nguyên liệu, bởi tre là loại cây dễ bị mối mọt nên cần phải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt và đúng quy trình”- anh Sơn cho hay.
Cơ sở sản xuất tôm tre của gia đình ông Châu có 6 lao động, gồm: Vợ chồng ông Châu, vợ chồng người con trai Nguyễn Phúc Sơn và 2 người cháu họ. Vợ chồng ông Châu chủ yếu phụ trách việc làm râu tôm. Hai người cháu gái chịu trách nhiệm việc lắp ráp các đốt tre để tạo hình cho con tôm.
Những việc còn lại như xử lý nguyên liệu, cưa tre, sơn màu cho tôm... đều do vợ chồng anh Sơn lo liệu. Sản phẩm tôm tre tại đây cũng được phân thành 3 loại: Loại nhỏ nhất (thân tôm dài khoảng 40cm, không kể phần râu) có giá 350.000 đồng/con; loại trung bình (50cm) có giá 400.000 đồng/con, loại lớn (75cm) giá 1 triệu đồng/con. Khoảng 2 năm trở lại đây, sản lượng hàng tôm tre mỹ nghệ  do cơ sở ông Châu sản xuất và bán tăng gấp đôi so với trước đó, đạt mức bình quân 200 - 300 sản phẩm/tháng, dịp tết có thể tăng gấp 2-3 lần.
Chị Lê Thùy Công (vợ anh Sơn) bộc bạch: “Gia đình tôi làm tôm tre quanh năm suốt tháng, không chỉ làm để có thu nhập kinh tế mà làm từ đam mê. Nhiều lúc mình nghĩ bị “nghiện” bởi những con tôm bằng tre”.
Ngoài những khách hàng nhỏ lẻ đến mua tận nhà, hai khách hàng lớn của cơ sở ông Châu là anh Thắng ở Hà Nội và một người tên Minh ở TP.Hồ Chí Minh. Theo anh Sơn, tuy có mối quan hệ làm ăn lâu năm nhưng gia đình ông và hai vị khách hàng  này chưa gặp mặt lần nào. Chỉ cần khách gọi điện đặt hàng rồi gửi tiền thì gia đình nhanh chóng gửi hàng.
“Thông qua hai khách hàng này, sản phẩm tôm tre của gia đình không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu sang Mỹ”- anh Sơn nói.
Thấy tôm tre có tiềm năng tiêu thụ, đã có nhiều lời đề nghị đầu tư mở rộng sản xuất nhưng gia đình ông Châu đều từ chối. Bởi theo ông Châu, sản xuất nhỏ lẻ kiểu gia đình mà cho ra sản phẩm tốt, đạt chất lượng… mới giữ được nghề. Nếu làm ra nhiều mà sản phẩm không có chất lượng thì uy tín nghề sẽ dần mất đi. “Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ phải không ngừng mày mò, sáng tạo sao cho sản phẩm hoàn thiện hơn, đẹp hơn, rẻ hơn và đặc biệt tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm thì mới tồn tại nổi”- ông Châu thẳng thắn.
 Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại198,934
  • Tổng lượt truy cập92,576,598
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây