Học tập đạo đức HCM

Rủ nhau thả sâm trong rừng, kiếm bộn tiền

Thứ hai - 02/07/2018 04:36
Những năm gần đây, nhiều thanh niên trẻ huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tạo việc làm, thu nhập tốt từ việc thả sâm dây, trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Bên cạnh sâm dây, sâm Ngọc Linh, các nông dân trẻ ở đây còn trồng thêm nhiều loài cây dược liệu, cây thuốc quý khác như đương quy, sơn tra, ngũ vị tử...

Những loại cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây), đương quy, sơn tra, ngũ vị tử… tại huyện Tu Mơ Rông luôn là sự lựa chọn đầu tiên của các nhà thuốc đông y bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhằm khai thác triệt để tiềm năng,thế mạnh của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều đề án bảo tồn, phát triển các loài cây dược liệu; trong đó lực lượng nòng cốt, tiên phong thực hiện các đề án này là thanh niên trên địa bàn.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 1

Sâm Ngọc Linh quý hiếm đang được trồng nhiều ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Văn Phương (Báo Kon Tum). 

Trồng dược liệu vẫn giữ được rừng

Từ thành phố Kon Tum, tôi phóng xe một mạch đến xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Vượt qua hơn 100km đường đèo núi quanh co và con dốc dựng đứng trên đèo Măng Rơi, sau gần 4 giờ đồng hồ tôi cũng đến được Măng Ri. Không khí ở đây mát lạnh cứ như đang ở vườn thông Đà Lạt, tôi hít căng lồng ngực bầu không khí tinh khiết.

Một ý nghĩ ngộ nghĩnh bỗng thoáng qua trong đầu tôi. Tôi ví Măng Ri như chiếc máy điều hòa khổng lồ - máy điều hòa của rừng xanh. Nơi đây là vùng căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum trong những năm kháng chiến và đây là thủ phủ của nhiều loại cây dược liệu.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 2

Bí thư xã đoàn Măng Ri A Nhoai (bên phải) chăm sóc vườn sâm dây của mình

Tôi còn nhớ như in cuộc gặp 2 năm trước với Chủ tịch UBND xã Măng Ri - Nguyễn Bá Thành. Khi ấy, anh Thành thông tin, đầu năm 2017, Huyện đoàn Tu Mơ Rông phát động mô hình trồng sâm dây (hồng đẳng sâm) cho thanh niên 11 xã trên địa bàn. Bí thư đoàn Xã Măng Ri 30 tuổi A Nhoai (sinh năm 1986) là ngọn cờ tiên phong, đi vào bới lá rừng tìm hạt sâm dây mang về gieo trồng trên mảnh đất hơn 2.000m2 được UBND xã Măng Ri cấp cạnh khu căn cứ cách mạng. Điều đó đã cuốn hút tôi - một người làm báo, khiến tôi chú ý và dõi theo những kết quả đạt được của mô hình này thông qua sự liên lạc với những người quen sống trên địa bàn.

Và hiện nay vườn sây dây ấy đã và đang phát triển tốt. Hôm nay - một ngày đầu tháng Sáu, chúng tôi lại tìm về Măng Ri. A Nhoai dẫn chúng tôi “mục sở thị” vườn sâm của mình.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 3

Củ sâm Ngọc Linh được trồng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Văn Phương (Báo Kon Tum).

Trải qua khoảng 2km lội bộ và leo núi, tôi chứng kiến nhiều khu rừng già với cây cổ thụ 4 người ôm mới đến mô hình sâm dây của A Nhoai - chàng thanh niên Bí thư Đoàn xã Măng Ri.

A Nhoai thông tin vụ đầu tiên với giá 100 nghìn đồng/kg, mỗi sào ước tính đạt 5 tạ. Tổng thu nhập là hơn 100 triệu đồng. Với thành quả gặt hái được sau mùa đầu tiên, A Nhoai rất muốn “làm tới”. Anh cho biết sẽ tiếp tục xin UBND xã Măng Ri cấp thêm 1,5ha đất rừng để mở rộng diện tích, trồng thêm sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu để bảo vệ rừng.

Theo A Nhoai, 30 củ sâm dây đạt 1kg sẽ thích hợp để thu hoạch. Ngoài việc thu hoạch củ, A Nhoai tích trữ nguồn giống để nhân rộng diện tích. “Sâm dây có ưu điểm là dễ chăm sóc. Bởi vậy, mình vừa có thể lo công việc trên xã vừa phát triển kinh tế” - A Nhoai phấn khởi nói với tôi.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 4

Anh A Rốk (xã Măng Ri, Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho hay, cây đương quy tuy giá bán không cao như sâm Ngọc Linh, sâm dây nhưng thu nhập mang lại vẫn cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, sắn...Ảnh: Trần Hiền (Danviet).

Là nông dân tiêu biểu của huyện Tu Mơ Rông, từng nhận nhiều bằng khen khác nhau từ Hội Nông dân Việt Nam với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu sâm Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tê Xăng - ông A Hình (54 tuổi) luôn là điểm đến đầu tiên được thanh niên các xã lân cận tìm đến để học hỏi kinh nghiệm trồng sâm, hoặc các loại cây dược liệu phát triển bất thường.

Ông A Hình chia sẻ, những năm 1980 người dân nơi đây kiếm sâm Ngọc Linh rất dễ dàng, chỉ cần trèo núi 1 giờ đồng hồ là mang về cả gùi sâm Ngọc Linh. Lúc đó, sâm Ngọc Linh chưa có giá trị, cả gùi 10kg chỉ đổi được một đôi “dép tông Lào” hay 1kg cá khô. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn được người dân đun nước uống. Nhiều đợt người dân đi lấy tràn lan nhưng thương lái không về mua nên vứt bừa bãi quanh nhà. Từ năm 2001 giá sâm đắt đỏ, người dân lại vào rừng mót từng củ nhỏ bằng ngón tay về trồng.

Ông A Hình phải cùng những người thân trong gia đình làm chòi thay phiên nhau túc trực ngày đêm để bảo vệ hơn 2.000 cây sâm Ngọc Linh của gia đình trồng. Quanh vùng trồng sâm được gia đình ông rào dây thép gai kiên cố, bẫy chông. Bởi, ngoài việc chống trộm, người trồng sâm Ngọc Linh còn phải đối diện với những con chuột chỉ thích ăn củ sâm Ngọc Linh, được người dân nơi đây gọi là “chuột quý tộc”. Để diệt loài vật này, người dân phải đặt bẫy xung quanh vườn sâm của mình.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 5

Sâm dây đang trồng nhiều ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trần Hiền (Danviet).

“Khác với những cây dược liệu khác, sâm Ngọc Linh rất khó chăm sóc. Mình luôn nhắc với thanh niên trên địa bàn huyện rằng là chọn tán rừng nhiều bóng mát, sâm sẽ sinh trưởng tốt. Nếu bỏ phân hóa học cây sẽ chết. Trước khi nhân giống, phải ngâm hạt giống sâm Ngọc Linh vào nước tỏi khoảng 1 giờ đồng hồ, làm như vậy tỉ lệ nảy mầm rất cao” - Ông A Hình chia sẻ kinh nghiệm và cho biết người dân sợ nhất là bệnh vàng lá khiến cây còi cọc, bệnh thối củ ở sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Bá Thành cho biết, trên địa bàn xã có 487 hộ, trong đó 80% bà con trồng cây dược liệu. Riêng bà con hai thôn Đăk Rơ và Long Láy trồng cây dược liệu quanh khu căn cứ cách mạng với tổng diện tích hơn 5ha. Tới đây, xã Măng Ri sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 50ha giao khoán cho bà con, đặc biệt là thanh niên trồng cây dược liệu để bảo vệ rừng; mỗi thôn còn được nhận 60 triệu/năm kinh phí bảo vệ rừng.

Từ khi người dân trồng các loại cây dược liệu kết hợp với bảo vệ rừng thì không còn xảy ra tình trạng phá rừng. Bởi người dân đều muốn bảo vệ rừng nhằm trồng sâm, nên gặp lâm tặc sẽ báo cho chính quyền, hoặc họ sẽ gọi nhau trực tiếp đến ngăn cản.

Bảo vệ nguồn gen

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đang tích cực phát triển cây dược liệu trên địa bàn với mục tiêu bảo tồn, phát triển các loại sâm, tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất gắn với phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách khi đến du lịch tại địa phương.

Đến với Tu Mơ Rông du khách không phải bận tâm về chất lượng sâm, hay tình trạng sâm giả. Định hướng của huyện là bảo tồn và phát triển, không quảng bá sản phẩm. Vì mục tiêu của tỉnh Kon Tum đến năm 2020 sẽ phát triển đạt 500ha sâm Ngọc Linh, đến năm 2025 đạt 1.000ha, từ đó sẽ chế biến sâm thành các sản phẩm khác nhau. Huyện không quảng bá sản phẩm, bởi hiện nay việc nhân giống vẫn bằng củ, vì việc nghiên cứu nuôi cấy mô chưa thành công, khi đạt đủ số lượng diện tích sẽ kinh doanh…

“Hiện nay trên địa bàn không có cơ sở nào bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ai cần mua phải vào tận các thôn làng rồi nhờ chủ vườn bán cho một vài củ, nhiều họ cũng sẽ không bán”- Ông Mười khẳng định.

Đồng thời, ông Mười thông tin với chúng tôi, qua nghiên cứu cho thấy, địa bàn huyện Tu Mơ Rông có khí hậu, độ cao phù hợp nên củ sâm cho hàm lượng dinh dưỡng cao.

 ru nhau tha sam trong rung, kiem bon tien hinh anh 6

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng ở xã Măng Ri

Cũng theo ông Mười, hàng năm tỉnh đều chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Y tế phối hợp với UBND huyện về kiểm nghiệm nguồn gốc giống sâm; nếu phát hiện cây lạ sẽ lấy mẫu, tiêu hủy cả một vùng liên quan.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 328ha sâm Ngọc Linh, 32 ha sâm dây, 33 ha đương quy... trồng dưới tán rừng, hiện tại đang phát triển tốt. Riêng các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây sẽ phát triển cây dược liệu theo đề án của Huyện đoàn Tu Mơ Rông. Đề án này được huyện triển khai xuống xã, sau đó xã triển khai xuống làng thanh niên lập nghiệp. Đối với doanh nghiệp muốn phát triển cây dược liệu tại đây, huyện Tu Mơ Rông yêu cầu phải chứng minh về mặt tài chính, chứng minh được nguồn gốc sâm thì mới cho trồng…

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông - A Trung, đề án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giai đoạn 2018-2022, định hướng đến 2027” của Huyện đoàn Tu Mơ Rông xác định thanh niên làm nòng cốt do địa hình phức tạp, chia cắt nhiều bởi các sông suối, hợp thủy và núi cao. Với tổng diện tích tự nhiên gần 86.000ha, để phát huy hết lợi thế về tài nguyên rừng thì phải đẩy mạnh công tác giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng, nhằm khai thác hợp lý, cải tạo rừng và trồng rừng, kết hợp các biện pháp hỗ trợ qua đó nâng cao đời sống dân cư khu vực gần rừng. Từ điều kiện rừng sẵn có sẽ phát triển các loại cây dược liệu.

Ngoài ra, đề án của Huyện đoàn Tu Mơ Rông cũng đã vạch rõ đặc tính, phương pháp trồng, đầu ra của từng loại cây dược liệu...Hiện, thanh niên trên địa bàn Tu Mơ Rông đang tích cực tận dụng lợi thế về vùng đất của các loại dược liệu để phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo vệ và bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày càng phát triển, giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững...
Theo Phúc Nguyên-Tiền Lê (Báo Kon Tum)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập801
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại797,878
  • Tổng lượt truy cập93,175,542
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây