Dịch bùng phát do... thú y?
Những con số khá “buồn” về tình hình dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, dịch tai xanh ở lợn và cúm gia cầm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh: tính từ năm 2008–2013, bình quân có 40 ổ dịch và 700 con gia súc mắc bệnh lở mồm long móng mỗi năm. Riêng về dịch lợn tai xanh thiệt hại nặng nề vào các năm 2008, 2010, 2011 và 2013, buộc phải tiêu hủy gần 35.000 con lợn, gây thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Dịch cúm gia cầm cũng xẩy ra khá thường xuyên, từ năm 2008 đến nay, bình quân có 13 ổ dịch và 19.000 con gia cầm mắc bệnh mỗi năm. Dịch bệnh gia súc, gia cầm chủ yếu xẩy ra ở các huyện: Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc và Cẩm Xuyên vào các tháng 1, 2 và 9, 10, 11.
Cán bộ thú y xã Sơn Tân (Hương Sơn) tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc. |
Thiệt hại trên cho thấy, dịch bệnh không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát trên diện rộng, trong đó có vai trò, trách nhiệm của cán bộ thú y cơ sở. Một ví dụ điển hình từ năm 2008 nhưng giờ nhắc lại, nhiều người trong ngành chuyên môn vẫn chưa thể quên. Dịch bệnh tai xanh ở lợn xẩy ra ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) nhưng cán bộ thú y xã này không “thèm” báo lên chính quyền địa phương mà để tự chữa trị. Sau khi “phán” bệnh, cán bộ này hết tiêm lại bôi thuốc nhưng gia súc vẫn lăn ra chết. Cho đến khi chính quyền địa phương và ngành chuyên môn phát hiện thì dịch bệnh đã bùng phát làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng...
Hay như năm 2013, cũng dịch tai xanh xẩy ra ở xã Cẩm Bình nhưng người dân không tin tưởng vào trình độ chuyên môn của thú y xã mà lại mời “thầy lang” về điều trị cho gia súc mắc bệnh. Đến khi “tiền mất, tật mang” mới vỡ lẽ!
Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan khi cán bộ thú y cơ sở chưa thật sự tâm huyết với nghề bởi chế độ mà họ được hưởng còn quá ít ỏi. Mỗi tháng có người chỉ được nhận 500.000 - 1 triệu đồng. Trong khi đó, họ phải quán xuyến khối lượng công việc khá nặng nề, đi lại thường xuyên... Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm hiệu quả, chăn nuôi phát triển bền vững, xã “tiên phong” thành lập Ban Thú y. Trước đây, chỉ một người kiêm nhiệm thì nay bổ sung thêm 5 thú y viên, phân về phụ trách tại các thôn theo quy định. Theo đó, chúng tôi hỗ trợ mỗi người 50 nghìn đồng/tháng tiền xăng, xe theo nghị quyết HĐND xã. Biết rằng, số tiền chẳng đủ để khuyến khích họ yêu nghề nhưng năng lực địa phương có hạn nên đành chấp nhận”.
Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, ở các xã, phường, thị trấn có 1 trưởng ban chăn nuôi thú y được hưởng chế độ 1,0 hệ số lương cơ bản và trên 500 người hành nghề thú y tư nhân... Tuy nhiên, nhìn chung, hoạt động của mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng nhân viên thú y cấp xã ít, năng lực, trình độ chuyên môn hạn chế (một số địa phương bố trí người không có chuyên môn thú y, hoặc trình độ sơ cấp…) không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh ngày càng cao. Mặt khác, công tác quản lý các hoạt động hành nghề thú y nhiều nơi còn bị buông lỏng...
Cần lắm chính sách hợp lý
Phát triển mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi. Bởi vậy, để cán bộ thú y cơ sở thật sự tận tâm với nghề, phát huy được vai trò trách nhiệm cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.
Phát triển chăn nuôi bền vững có vai trò của thú y cơ sở. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gia cầm ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). |
Ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Trước thực trạng trên, ngành NN-PTNT xây dựng và đang triển khai “Đề án phòng chống dịch bệnh thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm đến năm 2020”. Trong đó, có đề cập đến hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở bằng cách thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trưởng ban chăn nuôi thú y phải có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên và có tinh thần trách nhiệm cao. Theo chính sách của đề án xây dựng, trưởng ban có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên được hưởng phụ cấp bằng 1,0 hệ số lương cơ bản (theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ); thú y viên (trình độ từ sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên) được hỗ trợ tiền công bằng 0,5 hệ số lương cơ bản.
Chính sách trên xem ra vẫn khó có thể làm cho bộ máy này hoạt động một cách trơn tru theo đúng yêu cầu. Bởi lẽ, cán bộ thú y cơ sở cấp xã, phường, thị trấn với khối lượng công việc khá nặng nề, thường xuyên tham mưu UBND xã về phát triển chăn nuôi, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ và bổ sung; kiểm soát chặt chẽ con giống và vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong khi, đồng phụ cấp không đủ đổ xăng đi lại.
Nhiều cán bộ thú y cơ sở với mong muốn được hưởng một chính sách thỏa đáng, ít nhất cũng bằng lương cơ bản của một công chức nhà nước và được tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ. Những tâm nguyện của họ chính là điều để các cấp, ngành liên quan phải suy nghĩ trong công tác thu hút nhân tài bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt, nâng cao chất lượng thú y viên cơ sở, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh “tận gốc” để chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã