“Bắt mạch” được căn bệnh kinh niên
TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Ipsard), trưởng nhóm điều tra nguyên nhân nông sản sụt giảm cho biết, qua tổ chức cuộc khảo sát tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn và sang tận các cửa khẩu Trung Quốc (TQ), đi sâu vào tận Bằng Tường, khu vực Quảng Tây, kết quả cho thấy chất lượng, quy trình đóng gói, mẫu mã và giá bán của nhiều mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng TQ. Điều đó dẫn tới hàng của Việt Nam bán chậm, giá rẻ và bị các tư thương thoải mái ép giá.
“Lâu nay, chúng ta cứ cho rằng, TQ là thị trường “dễ tính” nên bán gì cũng được nhưng đã là người tiêu dùng thì họ hoàn toàn có quyền so sánh chất lượng và giá cả sản phẩm. Nếu hàng đã thua về chất lượng, giá cả cũng cao hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thua thiệt”- TS Kiên nói.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard, nguyên nhân không chỉ do nguồn cung giảm (như đối với mặt hàng cao su), mà vấn đề nằm ở cả chính sách vĩ mô cũng như cả chính sách ngành. Ở vĩ mô, các nước để thả nổi tỷ giá, Việt Nam lại giữ ổn định, như vậy rõ ràng hàng hóa các nước sẽ rẻ hơn Việt Nam và điều này thấy rất rõ ở mặt hàng cà phê, tôm, cá tra…
Giảm lượng tăng chất
Tại cuộc tọa đàm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, hàng năm việc xuất khẩu dưa hấu chỉ đem lại giá trị có 11 triệu USD, nhưng mỗi mùa xuất khẩu các xe conteiner chạy rầm rầm phá nát hết cả đường, chúng ta lại phải bỏ kinh phí để sửa chữa đường. Vậy có nhất thiết cứ phải theo đuổi việc xuất khẩu dưa không. “Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung vào sản xuất những mặt hàng dưa có chất lượng, mẫu mã đẹp để ưu tiên tiêu thụ tại thị trường trong nước, hơn là tập trung sản xuất nhiều cho xuất khẩu mà giá trị lại không cao”- ông Thành nói.
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang, thực tế việc xuất khẩu gạo giảm là do giá quá thấp, chứ không phải thị trường bởi chúng ta cứ đi vào cạnh tranh ở phân khúc cấp thấp, nên phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác. “Chúng ta nên tập trung vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao, bởi hiện tôi được biết rất nhiều thị trường như Mexico, Úc… sẵn sàng nhập khẩu gạo chất lượng cao với các hợp đồng ổn định, nhưng chúng ta lại không đáp ứng được. Mặt khác, ngay cả thị trường trong nước chúng ta cũng cần chú trọng, bởi bây giờ hầu hết các hộ gia đình đều sẵn sàng bỏ ra 10.000-20.000 đồng để mua 1kg gạo ngon, vậy tại sao lại không làm”- bà Tuyết nói.
Đồng tình với quan điểm của bà Tuyết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điều sống còn đối với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam bây giờ là cần phải “giảm để tăng”. Cụ thể, theo bà Lan, chúng ta cần giảm về số lượng, để tăng về chất lượng, giá trị. “Không nên cứ chạy mãi theo số lượng, hàng năm xuất khẩu được bao nhiêu triệu tấn gạo hay cà phê để tự vỗ ngực tự hào, chúng ta cần phải tăng chất lượng lên để xuất ít, mà vẫn thu được giá trị cao mới được”- bà Lan nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;