Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mắc ca Việt Nam có thể ‘đi sau, về trước’ để đứng đầu

Thứ ba - 29/09/2020 03:36
Nếu cà phê cần 125 năm từ khi được đưa vào Việt Nam đến khi đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu thì mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng nay, 29/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam.

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định hiệu quả kinh tế và xã hội của cây mắc ca, là cây giúp xóa đói giảm nghèo. Có 2 vùng có thể phát triển ổn định cây mắc ca, loại cây có yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, độ ẩm, là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các vùng khác chưa cho kết quả tối ưu “ra hoa đậu quả” hoặc không đủ diện tích phát triển hàng hóa lớn.

Đối với vùng Tây Nguyên, có thể đưa cây mắc ca vào trồng xen vì đã có diện tích trồng cà phê và các loại cây khác, còn vùng Tây Bắc có thể trồng tập trung. Đây là cây thâm canh nên cần chú ý làm đồng bộ ngay từ đầu mới cho hiệu quả.

Theo ý kiến một số doanh nghiệp, khâu chế biến có ý nghĩa quan trọng, quyết định đầu ra của nông sản. Hiện nay chính sách thuế đối với chế biến nông sản còn bất cập, có nhiều mức thuế suất, từ 0%, 5% 10% nhưng chưa quy định rõ ràng việc áp mức nào, khiến doanh nghiệp lúng túng. Doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ về tiếp cận thị trường.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Một số hộ trồng mắc ca tiêu biểu cho rằng, trong nông nghiệp, phải “được mùa, được giá” thì nông dân mới làm giàu được. Có ý kiến đề nghị việc thành lập hợp tác xã, ngân hàng tạo thuận lợi cho vay vốn khi vào mùa vụ…

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định, sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Hiệp hội cho rằng, cần có sự điều phối, hợp tác để tránh việc “tranh mua, tranh bán”, các doanh nghiệp tranh mua sản phẩm trong nước và hạ giá để tranh bán ra nước ngoài.

Về phản ánh của một nông dân tại cuộc đối thoại với Thủ tướng vào hôm qua, 28/9 rằng trồng mắc ca 7-8 năm mà không ra quả, đại diện Hiệp hội cho rằng, đây là trường hợp “giống giả, giống rởm” và khẳng định sẽ hỗ trợ hộ nông dân này bằng cách cho ghép tại chỗ trên cây thực sinh, sau 2 năm có thể ra quả.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng khẳng định, cây mắc ca không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu. Cây mắc ca có thể “vào được” các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta còn nhiều đồi trống, đồi trọc, nếu đưa cây mắc ca vào thì không chỉ đưa miền núi tiến kịp mà có thể vượt miền xuôi, ông Nguyễn Lân Hùng tin tưởng. Việc sớm đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực trong 5-10 năm nữa là hoàn toàn khả thi.
 

Thủ tướng tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng biểu dương Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ nông dân đã mang lại thắng lợi bước đầu cho cây mắc ca, trong 5 năm qua đã tăng sản lượng gần 25 lần, đạt khoảng 7.000 tấn hạt, xuất khẩu trên 60%.

Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm. Thủ tướng lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885. Năm 1902, người Pháp chính thức cho khảo nghiệm và đến năm 1975, Việt Nam mới có 13.000 ha cà phê.

Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới, 1986, bằng việc đưa nhanh diện tích cà phê vào nông lâm trường, rồi tới những năm 1990, cây cà phê phát triển mạnh ở những hộ gia đình, đến nay, chúng ta có một ngành hàng cà phê với diện tích trên 680.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 3 tỷ USD.

Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu. Vậy một câu hỏi đặt ra là, đối với cây mắc ca, với tinh thần “đi sau, về trước”, vào Việt Nam khảo nghiệm, phát triển và bước đầu đã thành công thì cần 10 năm hay 20 năm tới đây để có thể trở thành cây đứng đầu thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phải trả lời cho được những câu hỏi để làm sao mắc ca có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể  ở Việt Nam. Cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cây giống trong phát triển ngành hàng mắc ca. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ mong muốn cây mắc ca có thể “đi sau, về trước”, nếu chúng ta biết ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị. Đến nay, không chỉ có thị trường, thu nhập mang về từ trồng cây mắc ca lên tới 250 triệu đồng/ha, gấp 3 lần cây cà phê.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có quy hoạch vùng trồng, đi liền với quản lý giống, xử lý vấn đề vốn, đẩy mạnh chế biến sâu… Cần nghiên cứu thấu tình đạt lý, đừng để phát triển ồ ạt.

Mắc ca là sản phẩm tốt, cũng là nguyên liệu tốt cho các sản phẩm chế biến sâu khác như nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, socola nhân mắc ca, bột dinh dưỡng… Phải đi theo hướng này thì mới có giá trị gia tăng cao.

Theo Thủ tướng, 10 năm gần đây, diện tích mắc ca trên thế giới phát triển nhanh nhưng chỉ đạt 450.000 ha, sản lượng 200.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1% tổng sản lượng hạt có dầu hiện nay. Thủ tướng đặt vấn đề, nếu giữ năng suất 4-5 tấn hạt/ha và giá bán như hiện nay, 6 đô la Australia/kg thì 1 ha cho thu hoạch 200-300 triệu đồng. Do đó, một câu hỏi đặt ra đối với Hiệp hội Mắc ca, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học là tại sao không phát triển nhanh loại cây này.

Giống là yếu tố quyết định. Hiện nay có 13 loại giống được công nhận và một số giống mới do doanh nghiệp nhập về, phải lựa chọn phù hợp. Nhắc lại phản ánh của nông dân về vấn đề giống tại cuộc đối thoại ngày 28/9, Thủ tướng lưu ý, phải quản lý, công bố cụ thể, “đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân”.
 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhất trí cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.

Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.

Phải quản lý đồng bộ về vấn đề phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch, Thủ tướng nhất trí, có thể thành lập hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất cho đến chế biến.

Sau nhiều năm phát triển, căn cứ vào thực tế, kết quả của hội nghị và những vướng mắc hiện hành, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng một nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.

Đức Tuân/chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập715
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại742,537
  • Tổng lượt truy cập93,120,201
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây