Công nghệ cao (High Technology) đã được phát triển trên thế giới từ những năm đầu của thế kỷ XX và được phát triển mạnh ở những năm đầu của thế kỷ XXI với 4 lĩnh vực công nghệ chủ yếu là công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học và năng lượng mới. Trong ngành nông nghiệp, khái niệm “Công nghệ cao trong nông nghiệp” mới được hình thành và sử dụng rộng rãi trong vài thập niên gần đây. Công nghệ cao trong nông nghiệp là áp dụng một cách hợp lý các kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc chọn tạo giống mới; chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng hệ thống thiết bị tự động, điều khiển từ xa; thức ăn gia súc, thuốc thú y, chế biến sản phẩm chăn nuôi và xử lý chất thải bảo vệ môi trường… trong đó công nghệ sinh học đóng vai trò chủ đạo trong phát triển công nghệ cao nông nghiệp.
Trong điều kiện tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với quy định gỡ bỏ hàng rào thuế quan về 0% theo lộ trình đối với các sản phẩm nông nghiệp, nền nông nghiệp truyền thống nước ta gặp nhiều khó khăn nhất. Do đó hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường; Nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đó quy mô sản xuất được mở rộng; Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư “khủng” vđo dự án chăn nuĩi trong nước Ảnh: Vinamilk
Năm 2016, ngành chăn nuôi nước ta có sự tăng trưởng khá cả về quy mô sản phẩm và giá trị, góp phần đưa toàn ngành nông nghiệp thoát khỏi tỷ lệ tăng trưởng âm. Tỷ lệ tăng trưởng của toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 5,5 - 6%, giá trị sản xuất ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, tổng số bò tăng 2 -2,5%, tổng số heo tăng 3,7 - 4%; tổng số gia cầm tăng 4,5 - 5%. Sản lượng thức ăn công nghiệp hàng năm tăng trên 10%, đạt hơn 16 triệu tấn năm 2016.
Đồng thời với sự gia tăng về chăn nuôi gia trại công nghiệp quy mô lớn, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2016, giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm khoảng 300.000 - 500.000 hộ, còn từ 2011 trở lại đây mỗi năm giảm tới 700.000 - 800.000 hộ. Hiện, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung tăng lên 55% so với 40% trước kia. Từ đó cho thấy, người nông dân bắt đầu đã có tư duy chăn nuôi lớn hơn.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn tạo giống, TĂCN được các doanh nghiệp chăn nuôi chú trọng đầu tư. Việt Nam đã chủ động gần như được cơ bản giống và công tác thụ tinh nhân tạo bằng 2 cái giải pháp: sản xuất tại chỗ và nhập khẩu; ngành chăn nuôi đang có sự du nhập công nghệ tiên tiến nhất về công tác chăn nuôi.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động. Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam đang tồn tại các điểm yếu như: phát triển không bền vững về năng suất, giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Với những khó khăn trên, cần thiết phải có sự chung tay của cả hệ thống, từ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, để cải cách hành chính, tháo gỡ thủ tục và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giúp ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển hiện đại, chất lượng cao, bền vững và tiến kịp các nước có nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới và khu vực.
Theo Tổ chức FAO (2016) dự báo tới năm 2050, nhu cầu thế giới về các sản phẩm có nguồn gốc động vật sẽ tăng 70%. Đây là một cơ hội để phát triển kinh tế và giảm nghèo đói tại Việt nam một khi Chính phủ đưa ra được các chính sách phù hợp và thúc đẩy một hệ thống chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường. Trong 5 năm gần đây một số doanh nghiệp và tập đoàn trong nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như: Tập đoàn TH Milk, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Hùng Vương, Công ty TNHH ĐTK (sản xuất trứng chất lượng cao), Công ty TNHH Ba Huân (sản xuất trứng sạch) với quy mô chăn nuôi lớn, công nghệ hiện đại với chất lượng sản phẩm cao. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi chất lượng cao trong nước.
Tập đoàn TH đã đưa công nghệ cao của Israel về ứng dụng thành công tại dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại Nghệ An. Trong suốt quá trình từ chăn nuôi đến vắt sữa, đàn bò được quản lý chương trình phần mềm hiện đại cùng các loại thiết bị giám sát rất chặt chẽ, phát hiện và kịp thời loại bỏ những con bò chưa đạt chuẩn. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, quá trình vắt sữa bằng hệ thống vắt sữa tự động được thực hiện trong điều kiện khép kín, đảm bảo vệ sinh và chất lượng tốt.
Bài toán cần giải quyết ở đây là phải có một chiến lược tổng thể. Trong đó tập trung một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
Cần luật hóa ngành chăn nuôi: Đã đến lúc cần xây dựng và thực thi Luật Chăn nuôi, thay cho các văn bản dưới luật như Pháp lệnh giống vật nuôi, Nghị định quản lý TĂCN…
Rà soát và thực hiện đúng quy hoạch chăn nuôi trong phạm vi toàn quốc: Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có chiều sâu, cũng cần rà soát và quy hoạch lại đất đai. Theo đó, cần quy định rõ vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi hoàn toàn. Đồng thời với quy hoạch không gian, cũng định hướng quy hoạch sản phẩm ngành hàng cho từng vùng và liên vùng, nhằm tránh sự phát triển quá nóng về quy mô đầu con và quá sức chịu tải về môi trường. Kiên quyết không để chăn nuôi tự phát như thời gian qua. Có chính sách thu hút đầu tư ở các khu vực khuyến khích sản xuất chăn nuôi; xác định được quy mô phát triển cho từng vùng miền và cho từng địa phương trong trung hạn cũng như dài hạn. Cần chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm mà địa phương có lợi thế, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ cao trong chăn nuôi: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao. Trong thời gian tới, cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà và không “dám” đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này. Nhà nước đóng vai trò trung gian điều phối, trọng tài, tăng lòng tin cho các bên tham gia liên kết. Đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong khối các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập, thực hiện xã hội hóa những lĩnh vực có tiềm năng, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng gọn nhẹ, gắn với sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện về thời gian cho các nhà khoa học, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học đầu ngành, đổi mới cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài, cả Việt kiều làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Tăng cường quản lý nhà nước: Cần tăng cường công tác kiểm tra thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra định kỳ đột xuất tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt, trứng để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng TĂCN trên địa bàn tỉnh, giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn. Để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, cần sớm xây dựng chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thịt từ khâu giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Những năm qua, công cuộc đẩy lùi, nói không với chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi được thực hiện mạnh mẽ đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi; Đồng thời, đã bắt đầu xuất hiện sự liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường. Đây chính là nền tảng cho một nền chăn nuôi hiện đại, bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới. |
TS. Nguyễn Thanh Sơn, TS. Phạm Sỹ Tiệp
(Viện Chăn nuôi)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;