Điều này cho thấy chính sách tạm trữ không mang lại hiệu quả.
Hôm qua (14.5), Bộ NNPTNT đã phối hợp với nhiều bộ, ngành tổ chức họp báo để thông báo về kết quả tạm trữ lúa gạo trong vụ đông xuân vừa qua, đồng thời đưa ra những đề xuất, giải pháp thực hiện chính sách này trong vụ hè thu tới.
Lúa đông xuân đang tồn đọng nhiều, trong khi vụ hè thu đã sắp thu hoạch, lại đặt ra yêu cầu thu mua tạm trữ. |
Tiền rơi vào túi ai?
Ông Nguyễn Trọng Thừa- Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT cho biết: “Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT đã tiến hành tổ chức 2 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thu mua, tạm trữ lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả cho thấy, về số lượng trong đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo quyết định của Thủ tướng trong vụ đông xuân đã đạt 100% kế hoạch”.
Về giá, theo báo cáo tổng kết của Bộ NNPTNT, giá thu mua lúa khô tại ruộng chỉ đạt 5.100-5.300 đồng/kg (lúa thường IR 50404), tức chỉ tăng so với thời điểm trước tạm trữ 100-200 đồng/kg. So với giá thành định hướng bình quân của Bộ Tài chính ban hành (3.616 đồng/kg), chênh lệch mức giá đạt 38-46%. Tuy vậy, Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn chỉ ra: Phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng.
Khó tổ chức lại đội ngũ hàng xáo Về việc, vì sao DN không thu mua lúa gạo trực tiếp của nông dân, ông Trương Thanh Phong nói: “DN không thể tham gia thu mua trực tiếp được, mà có tới 80-90% lượng lúa gạo phải dựa vào đội ngũ hàng xáo, đây là lực lượng rất quan trọng. Chính phủ cũng đã nhiều lần nhắc nhở VFA phải tổ chức lại đội ngũ này, nhưng chúng tôi có tổ chức họp bàn mấy lần rồi vẫn chưa thực hiện được”. |
Trả lời câu hỏi của NTNN về việc?nông dân không được hưởng lợi, vậy thì ai được hưởng lợi, đại diện Bộ NNPTNT là ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa thể tính được chi tiết là nông dân được hưởng lợi bao nhiêu %, vì còn nhiều yếu tố rất khó tính toán. Song chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng lợi!”.
Trả lời tiếp câu hỏi của NTNN: Với giá tăng thêm chỉ 100-200 đồng/kg, mà Nhà nước phải chi ra tới 200 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất, nghĩa là chi không đủ bù thu, ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và nghề muối cho rằng: “Thực chất, giá tăng thêm 100-200 đồng/kg là cho cả 5,3 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân vừa qua, chứ không cho riêng 1 triệu tấn, và việc này chủ yếu mang tính chất kích cầu nhiều hơn”.
Song, theo ông Nguyễn Trọng Thừa, đây đúng là một câu hỏi khó, bởi thực tế tác động của đợt thu mua tạm trữ vừa qua không đạt như mong muốn của Chính phủ. Về câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tạm thời chưa thể tính toán để trả lời được và sẽ nghiên cứu để có câu trả lời sau.
Sẽ xây dựng quy chế tạm trữ mới
Một vấn đề được rất nhiều nông dân và chính quyền các địa phương phản ánh là trong thời gian qua, các DN xuất khẩu gạo thường chỉ đợi giá lúa xuống rồi mới mua và kêu gọi Chính phủ hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ, dẫn đến lợi chỉ DN được hưởng.
Trả lời câu hỏi của NTNN vì sao DN không chủ động thu mua lúa ngay từ đầu vụ và tại sao các DN không chịu lo vùng nguyên liệu hàng hóa của mình, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nói thẳng: “DN xuất khẩu gạo tại sao phải đi lo vùng nguyên liệu? Với những ông (DN) bán phân bón, thuốc trừ sâu, họ phải lo vùng nguyên liệu là đúng rồi, còn trách nhiệm của DN xuất khẩu gạo chỉ là đặt hàng, nên ở điểm này cũng cần phải “thông cảm” cho các DN”.
Cũng theo ông Phong, DN xuất khẩu hiện nay không thể tự lo thu mua tạm trữ được, vì chỉ lo tiền thu mua xuất khẩu đã cực lắm rồi. “Giải pháp tạm trữ chỉ là hỗ trợ gián tiếp cho người nông dân, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho dân. Tôi nói vậy để các anh em báo, đài... thông cảm” - ông Phong nói.
Về giá thành định hướng, vì sao Bộ Tài chính chỉ tính có 3.616 đồng/kg - một mức quá thấp theo phản ánh của các địa phương, ông Trương Thanh Phong đã trả lời thay cho bộ này rằng: Cách tính giá thành định hướng như trên là căn cứ vào số liệu của Sở Tài chính và Sở NNPTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL. “Khi tính giá thành này, Bộ Tài chính đã cân nhắc để cho nông dân được hưởng lợi và DN cũng bán được” - ông Phong khẳng định.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Tài chính, cách tính như trên được thực hiện theo công thức như sau: Lấy giá thành lúa của năm trước nhân với chỉ số CPI của năm kế tiếp. Trên cơ sở đó, lấy số liệu của các tỉnh để tính giá thành định hướng. Điều đó, có nghĩa là cách tính của Bộ Tài chính chỉ là dựa trên số liệu có sẵn, thiếu điều tra thực tế. Bởi trên thực tế, có rất nhiều yếu tố cấu thành giá thành sản xuất lúa như giá cả vật tư, phân bón đầu vào thường xuyên biến động, chi phí nhân công tăng... thì không được tính.
Đối với vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là nhằm mục đích kích cầu thị trường chứ không phải nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, để chính sách tạm trữ có hiệu quả, Bộ NNPTNT đã tham mưu với Chính phủ để xây dựng Dự thảo Quy chế tạm trữ mới nhằm đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo hướng tới có lợi cho cả người dân, DN, góp phần phát triển bền vững.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;