Không ít thanh niên tốt nghiệp đại học và có cơ hội việc làm ở đô thị nhưng vẫn quyết định trở về làm giàu trên quê hương mình. Anh Trần Văn Phóng, sinh năm 1983, thôn Trần Phú, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình là một trong số những người như thế.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trần Văn Phóng làm việc tại một số công ty ở Hà Nội. Làm được một thời gian, anh bỏ việc ở thủ đô về quê đầu tư vào chăn nuôi. Khi biết việc làm này của anh, nhiều người ở làng trên, xóm dưới bảo anh bị “khùng” hay sao, bao năm đèn sách mà giờ bỏ về quê chăn nuôi, phí công học hành.
Gạt bỏ những lời bàn tán của mọi người, năm 2007, anh Phóng vay mượn được 5 triệu đồng cùng với số tiền ít ỏi của mình mua 5 lợn nái và 30 lợn giống thương phẩm. Anh kể: Thiếu rất nhiều vốn, lại chưa có kinh nghiệm, tôi đi học tập cách làm ở các trang trại làm ăn hiệu quả và đọc thêm các sách kỹ thuật về chăn nuôi. Nhiều đêm tôi thức trắng lo cho mấy con lợn ốm, rồi lặn lội đi tìm những bác sĩ thú y giỏi để chữa trị và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Quá trình chăn nuôi, lượng thức ăn, loại thức ăn cho mỗi con vật được anh Phóng ghi chép cẩn thận. Năm đầu tiên, anh thu lãi khoảng 45 triệu đồng. Năm 2008, 2010 có dịch lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn, vừa làm anh vừa phải học hỏi kinh nghiệm, xây dựng phác đồ điều trị, phục hồi dần dần nên thiệt hại không đáng kể, vẫn duy trì được đàn lợn...
Căn cứ nhu cầu của thị trường để sản xuất, chăn nuôi, năm 2010 anh Phóng nuôi thí điểm một đôi lợn rừng, sau đó học hỏi kinh nghiệm các trang trại rồi từng bước mở rộng quy mô. Năm 2011 anh chuyển toàn bộ đàn lợn nuôi từ khu dân cư sang trang trại nằm trong vùng đất chuyển đổi. Với diện tích 11.000m2, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, bò sinh sản, thả cá.
Bên cạnh đó, năm 2013 anh đầu tư xây chuồng, học kinh nghiệm để nuôi thỏ New Zealand. Toàn bộ chất thải của thỏ đều được tận dụng làm thức ăn cho giun quế, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Lượng giun thu được anh đã sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân giun bán cho những người trồng rau sạch và hoa lan.
Sau nhiều nỗ lực đầu tư, đến nay gia trại của gia đình anh Phóng đã cho “quả ngọt”. Hiện tại, anh đang nuôi 30 lợn nái, 300 lợn thịt thương phẩm, 20 lợn nái rừng, 100 lợn rừng thương phẩm, khoảng 200 thỏ sinh sản, hơn 500 thỏ thịt thương phẩm, 6 sào ao thả cá. Mỗi năm mô hình chăn nuôi của anh thu lãi hơn 200 triệu đồng và tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương.
Chàng cử nhân hóa học ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập cao và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của bạn bè và những người thân trong gia đình. Trang trại của anh Phóng cũng là một “địa chỉ đỏ” cho nhiều thanh niên đến học tập kinh nghiệm.
Anh Phóng cũng sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những người có cùng chí hướng. Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Phóng nói muốn tiếp tục mở rộng hơn nữa quy mô trang trại và có thể sẽ chăn nuôi đa dạng thêm 1 số vật nuôi hơn nữa, đặc biệt là một số loại con đặc sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Đặng Ngọc Khiết, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Vũ Đông cho biết: Bỏ phố, cất tấm bằng đại học về quê làm giàu, những người như anh Phóng đã tìm ra cách làm hiệu quả trên quê hương mình. Anh Phóng là một tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên trong xã học tập, noi theo về tinh thần, ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng.
Theo giadinh.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã