Học tập đạo đức HCM

Lấy doanh nghiệp làm "đầu tàu" nông nghiệp

Thứ bảy - 22/07/2017 18:32
Để chấm dứt các chiến dịch "giải cứu" nông sản, cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm và thủy sản của nước ta đạt 17,1 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi trừ phần nhập khẩu, ngành nông nghiệp đã thặng dư hơn 3 tỉ USD.

Thế nhưng, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa theo kịp năng lực sản xuất. Bằng chứng là nhiều năm liền, tình trạng nông sản thừa mứa liên tục xảy ra. Những chiến dịch "giải cứu" vải thiều, dưa hấu, khoai lang tím, chuối, heo... năm nào cũng diễn ra nhưng tình trạng sản xuất theo phong trào, mạnh ai nấy làm, không tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn cứ lặp đi, lặp lại. Hàng làm ra chỉ đợi thương lái đến mua mà không biết tiêu thụ ở đâu, yêu cầu thị trường thế nào. Chuyện giá heo trồi sụt bất thường những ngày qua, người chăn nuôi rục rịch tăng đàn cho thấy rõ điều đó.

Ngay cả những mặt hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu được thì có đến 90% là dưới dạng thô, không thương hiệu, giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Những sản phẩm có đóng gói, bao bì thì phần lớn lại mang thương hiệu nước ngoài, doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công. Đây là một thiệt thòi lớn của nông lâm và thủy sản Việt Nam khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cũng vì ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn đầy rủi ro, ít bền vững nên chưa có nhiều DN mạnh tay đầu tư để làm "đầu tàu" cho chuỗi sản xuất, dẫn dắt nông dân tham gia. Bởi vùng nguyên liệu của chúng ta thường xuyên bị thương lái nước ngoài chi phối nên giá thay đổi thất thường khiến các DN chế biến luôn gặp cảnh bị động, khó khăn trong việc chuẩn bị những đơn hàng chốt giá xa. Việc "chen ngang" của các thương lái, chủ yếu là đưa nguyên liệu đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, khiến sự gắn kết giữa nông dân nuôi trồng và các DN thu mua trong nước lỏng lẻo. Ngành cá sấu, chăn nuôi heo là một minh chứng cho sự trồi sụt này.

Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu nông nghiệp - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Ngọc Trinh

Hiện nay, toàn ngành nông lâm, thủy sản chỉ có khoảng 4.500 DN (chiếm tỉ lệ 1%) tham gia các khâu sản xuất, chế biến và thương mại. Những DN đầu tư vào khâu sau thu hoạch, chế biến, bảo quản như Vinamit, Thành Thành Công, chiếu xạ An Phú... chỉ đếm trên đầu ngón tay nên phần giá trị gia tăng của nông lâm sản xuất khẩu còn thấp. Bởi lẽ, để tham gia lĩnh vực này đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn cả về "phần cứng" lẫn "phần mềm". Ví dụ, điều là ngành Việt Nam đứng số 1 thế giới về 3 mặt: nhập khẩu điều thô, chế biến và công nghệ chế biến, đồng thời dẫn đầu về xuất khẩu. Đã có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt trên kệ siêu thị lớn trên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn (DN có kim ngạch xuất khẩu điều trên 170 triệu USD năm 2016), cho biết làm việc với Walmart cực kỳ phức tạp. Về "phần cứng" là cơ sở vật chất, nhà máy Long Sơn được xây dựng đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu nhưng khi Walmart đến kiểm tra thì phải đập bỏ, xây lại nhiều thứ. Ngay cả không khí nơi chiên điều cũng phải lọc sạch mới đưa vào.

Khó nhất là "phần mềm", phải có nhóm nhân sự phụ trách dự án hết sức chuyên nghiệp và làm việc trực tiếp bằng tiếng Anh, không qua phiên dịch. Vì thế, những DN quy mô nhỏ rất khó đáp ứng vì vốn ít, không đủ sức đầu tư. Khi điều bán chạy, họ chỉ muốn xoay vòng vốn nhanh nên quan trọng là hàng làm ra bán được, có chút lời mà ít quan tâm đến đầu tư chiều sâu cho thương hiệu. 

Ông Nguyễn Khắc Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Pan (The Pan Group):

Thay đổi tư duy về nông nghiệp

 

 

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam cần các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, cần thay đổi chính sách từ lấy kinh tế hộ làm trọng tâm trong nông nghiệp sang lấy DN làm trọng tâm. Tuy nhiên, cần lưu ý khuyến khích các DN không cạnh tranh mà cần phải hợp tác, liên kết với nông dân. Việc này sẽ khuyến khích sự hình thành và phát triển của các DN có quy mô vốn lớn, đầu tư bài bản, có khả năng áp dụng khoa học công nghệ, khả năng nghiên cứu tìm kiếm thị trường. Chính các DN lớn này sẽ đóng vai trò tìm đầu ra, liên kết với nông dân, hộ gia đình, các DN nhỏ và siêu nhỏ vào chuỗi giá trị.

Tiếp theo, cần xây dựng chính sách theo hướng kiến tạo và định hướng nguồn lực chứ không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực. Cụ thể là tập trung xây dựng các chính sách thuế hỗ trợ DN nông nghiệp. Chính sách thuế cần khuyến khích các DN tập trung đầu tư vào những dự án có hiệu quả cao, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm mà thị trường thực sự cần. Cần có các chính sách định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị cao (chứ không chỉ tập trung vào năng suất cao), các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, cần xóa bỏ chính sách hạn điền nhưng cũng cần chính sách quản lý đất nông nghiệp để tránh việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Các chính sách phải được xây dựng theo hướng không tách đất ra khỏi dân, khuyến khích liên kết với dân thông qua các hoạt động contract farming (sản xuất theo đơn đặt hàng), thuê đất của nông dân nhưng sau đó thuê lại người dân thực hiện sản xuất - kinh doanh trên chính mảnh đất của họ. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có khả năng tiếp thu và vận hành bí quyết, máy móc, công nghệ cao.

Tôi cho rằng nông nghiệp công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu để nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn và bền vững. Trong đó, nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách định hướng, khuyến khích và thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển, cũng như quy hoạch, quản lý và định hướng thị trường đầu ra. Chính phủ cần phải tạo cơ chế để DN được đồng hành cùng nhà nước xây dựng các chính sách định hướng và quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Việt Nam Xanh:

Cần sự hỗ trợ về cơ chế

 

 

Chúng tôi đã xác định là phải sản xuất sản phẩm đạt chất lượng từ GlobalGAP đến organic (hữu cơ). Bước đầu, chúng tôi đã gặt hái được kết quả tốt với sản phẩm hạt tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP, đồng thời nghiên cứu chế biến sâu, chiết xuất tinh dầu tiêu - một thị trường ngách đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, các sản phẩm có chứng nhận hay không đều bị đánh đồng. Ngoài ra, các DN làm ăn không trung thực đã lợi dụng bằng việc chỉ lấy diện tích nhỏ của nông dân có chứng nhận với số lượng ít nhưng trà trộn bán ra thị trường nhiều mà vẫn không thể kiểm soát. Cũng chưa thật sự công bằng nếu các siêu thị lớn vẫn không có sự chọn lọc các sản phẩm chất lượng. Vì vậy, DN chân chính cần được cơ quan quản lý hỗ trợ đầu ra bằng cách quy định chỉ chấp nhận những sản phẩm chất lượng thực sự được bán ở các siêu thị lớn hoặc hỗ trợ xuất khẩu. Tôi cho rằng không có gì thúc đẩy mọi người cùng sản xuất nông nghiệp chất lượng bằng lợi ích và quyền lợi thực tế.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước dành cho những DN sản xuất, chế biến nông sản cũng cần tích cực hơn, để DN mạnh dạn đầu tư nhà máy, chế biến. Hiện nay, chúng tôi chỉ dừng lại làm ở vốn tự có, chưa mạnh dạn đầu tư lớn dù đã có nhiều kế hoạch trong thời gian tới.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam:

Đừng để doanh nghiệp nản

 

 

Ở Thái Lan, họ rất coi trọng kinh tế tập thể, còn Việt Nam thì cứ lẻ tẻ. Cần đánh giá cao vai trò của kinh tế tập thể vì họ sẽ liên kết, thực hiện chung một quy trình, sản phẩm tạo ra đồng nhất về chất lượng chứ không thể để mạnh ai nấy trồng, sản xuất rồi tranh nhau bán nên dễ bị thương lái ép giá.

Bên cạnh vai trò của kinh tế HTX thì tôi cho rằng ngành công thương cũng rất quan trọng. Vì họ phải nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để định hướng, tìm đầu ra cho nông sản. Chính ngành này phải là đầu mối, tìm đối tác, những đơn vị đặt hàng để ngành nông nghiệp an tâm sản xuất theo yêu cầu. Nếu chỉ lo tăng năng suất nhưng giá vẫn phụ thuộc người mua và sản xuất nhỏ lẻ thì mãi vẫn còn giậm chân tại chỗ.

Điều cuối cùng, theo tôi là phải khuyến khích các DN lớn tham gia khâu chế biến, áp dụng công nghệ sau thu hoạch để giữ trái cây được tốt chứ các HTX không thể làm được điều này. Nhà nước cũng cần phải đơn giản hóa các thủ tục, chính sách khi các DN tham gia thực hiện, chứ đừng rườm rà làm họ nản.

S.Nhung ghi

Theo Vương Ngọc/bao nld.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập451
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm450
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại841,054
  • Tổng lượt truy cập92,014,783
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây