Rau, củ, quả không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan |
Nỗi lo thực phẩm “bẩn”
Có mặt tại chợ TP Hà Tĩnh vào khoảng 2-3h sáng, đã thấy tấp nập kẻ bán, người mua. Hàng tấn rau, củ, quả, thịt, cá… được đưa đến để trao đổi, mua bán và đến tầm 5-6h thì hàng hóa được đi khắp các vùng miền. Điều đáng nói là hầu hết người mua, kẻ bán dường như không nắm được xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là về tiêu chuẩn chất lượng.
Chị Liễu - một người bán buôn hoa quả lâu năm tại Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi lấy hàng từ khắp nơi, miền Nam cũng có, hàng Tàu cũng nhiều. Cần hàng gì thì gọi điện, họ sẽ đưa đến tận nơi, sau đó, chúng tôi cung cấp cho các nhà bán lẻ khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Tôi không đến tận nơi lấy hàng nên không biết nguồn gốc chính xác ở đâu. Hàng nào nhanh hỏng thì lấy ít, còn hàng Tàu như táo, lê, cam thì không lo, có khi nhập cả container rồi phân phối dần”.
Những người bán buôn như chị Liễu còn không rõ nguồn gốc mặt hàng nhập về thì làm sao người tiêu dùng biết được xuất xứ sản phẩm mình sử dụng?!
Hằng ngày, mỗi khi ra chợ mua thức ăn, chị Thanh Hoài (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) thường đắn đo nên mua gì, mua ở đâu, mua của ai. Có khi đi chợ rồi về tay không vì chị còn nghi ngại, nhất là vào dịp trước và sau tết thường xuyên nghe thông tin cơ quan chức năng bắt được hàng tấn nội tạng, thực phẩm bẩn trên đường đi tiêu thụ. Theo chị Hoài: “Nếu lực lượng chức năng không bắt được thì chỉ ít ngày sau đó, những loại thực phẩm hôi thối này qua chế biến sẽ nằm trên bàn ăn của bất cứ nhà nào”.
Đây cũng là nỗi lo không của riêng chị Hoài…
Việc kiểm tra, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ hầu như chưa được thực hiện (ảnh chụp tại chợ Cẩm Xuyên) |
Tăng cường quản lý ở tuyến dưới
Các cơ quan chức năng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp giám sát, quản lý chất lượng ATVSTP và phát hiện rất nhiều sai phạm. Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Năm 2015, tỉnh đã phát hiện hơn 3.250 cơ sở vi phạm, xử lý 1.968 cơ sở với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Chi cục cũng đã tiến hành tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm, đình chỉ lưu hành 1 sản phẩm; tạm thời đóng cửa 3 cơ sở; 4 sản phẩm phải khắc phục lại nhãn.
Còn theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh, trong tháng 2/2016, đơn vị này đã phát hiện và xử phạt 32 cơ sở vi phạm với số tiền 102 triệu đồng; tiêu hủy 191 kg giò chả không đảm bảo chất lượng, 10 kg thuốc thú y ngoài danh mục, 120 kg thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng; buộc thu hồi 9 tấn lạc giống không đáp ứng quy định sản xuất; buộc trả về nơi sản xuất 13 kg thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; buộc chấm dứt đưa hàng vào siêu thị đối với 3 cơ sở cung cấp thực phẩm trên địa bàn do vi phạm quy định về ATVSTP.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cũng đã lấy 372 mẫu để giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, qua đó, phát hiện 5 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 4 mẫu giò chả chứa chất cấm, 1 mẫu nước mắm có dư lượng chất tạo màu được phép sử dụng nhưng nằm trong ngưỡng cho phép, 1 mẫu củ cải có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng nằm trong ngưỡng tối đa cho phép.
Cơ quan chức năng bắt quả tang hàng tấn nội tạng thối đang trên đường đi tiêu thụ |
Tuy nhiên, ở tuyến huyện, xã, công tác giám sát, quản lý chất lượng ATVSTP hiện đang gặp nhiều khó khăn vì không có hệ thống thanh tra chuyên ngành, trong khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình. “Tại tuyến xã, chủ tịch UBND được phép xử phạt hành chính về vi phạm ATVSTP tối đa 5 triệu đồng. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở lại không phát huy được quyền và nghĩa vụ của mình, thường có tâm lý nể nang, khi phát hiện vi phạm, chỉ cảnh cáo, nhắc nhở, sau đó bỏ qua nên không tạo được tính răn đe” - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Phan Văn Hùng thẳng thắn.
Ông Phan Văn Dũng - quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cho biết: “Nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm là quản lý theo chuỗi, từng mắt xích được các cơ quan chức năng giám sát, quản lý, riêng sản phẩm sau thu hoạch thì không chỉ kiểm tra tại kho bảo quản. Cơ sở sản xuất tự chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu, cộng đồng có trách nhiệm giám sát các cơ sở này”.
Thực tế cho thấy, việc giám sát, quản lý chất lượng ATVSTP chỉ được chú trọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, còn hộ kinh doanh nhỏ, lẻ mới dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động. Đó là lỗ hổng trong quản lý ATVSTP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm chợ nhỏ lẻ, việc kiểm tra chất lượng ATVSTP hầu như chưa thực hiện được. Và vì thế, “lỗ hổng” trong quản lý ATVSTP chưa biết khi nào được “vá”.
Theo Quang Minh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;