Giá lúa chất lượng cao chỉ “nhỉnh” hơn lúa cấp thấp một ít là nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà với loại lúa này vì chi phí đầu tư cao. Trong ảnh là nhân công bốc vác chuyển lúa xuống ghe cho thương lái - Ảnh: Trung Chánh |
IR 50404 "ngon" hơn lúa chất lượng cao
Một lần nữa bà con nông dân trồng lúa chất lượng cao (các loại lúa hạt dài dùng chế biến gạo 5% tấm) tỏ ra chán nản khi giá bán chỉ “nhỉnh” hơn lúa cấp thấp IR 50404 từ 50 -100 đồng/kí lô gam nhưng chi phí đầu tư lại cao hơn hẳn.
Ông Nguyễn Văn Chiếu, ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp vừa thu hoạch 1 héc ta lúa chất lượng cao (OM 5451) trong vụ thu đông sớm (vụ 3) nói: “Nếu biết giá bán lúa chất lượng cao chỉ “nhỉnh” hơn lúa IR 50404 như thế này tôi sạ lúa IR 50404 cho khỏe rồi”.
Theo ông Chiếu, chi phí sản xuất khi sạ giống lúa chất lượng cao thường cao hơn lúa cấp thấp khoảng 100.000 – 150.000 đồng/công (1.000 mét vuông). “Làm lúa chất lượng cao thời gian thu hoạch sẽ muộn hơn lúa cấp thấp khoảng 7 – 10 ngày nên phải tốn thêm ít nhất một “cử” (lần) thuốc nữa, chưa kể lúa chất lượng cao dễ bị nhiễm sâu rầy hơn lúa cấp thấp nên chi phí cũng nhiều hơn”, ông Chiếu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An, cho biết ông vừa lấy tiền cọc bán cho thương lái 7 công ruộng sạ giống AG (một loại lúa có chất lượng gạo dẻo, chế biến gạo 5% tấm) ( ngày 15-7 Âm lịch thu hoạch) với giá 5.000 đồng/kí lô gam, lúa tươi, ngang với giá bán của giống lúa cấp thấp IR 50404.
Thông tin từ cánh thương lái mua lúa tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết hiện giá lúa IR 50404 tươi mua tại ruộng của nông dân với giá 5.000 – 5.050 đồng/kí lô gam và 5.600 – 5.700 đồng/kí lô gam đối với lúa khô, trong khi đó các loại giá lúa chất lượng cao như: OM 4218, OM 5451, OM 1490 chỉ cao hơn lúa cấp thấp 50 – 100 đồng/kí lô gam, tức có giá 5.100 – 5.150 đồng/kí lô gam đối với lúa tươi và 5.650 – 5.750 đồng/kí lô gam đối với lúa khô.
“Dù giá bán có cao hơn lúa cấp thấp nhưng nếu so sánh về năng suất cũng như chi phí đầu tư, rõ ràng làm lúa cấp thấp vẫn ngon hơn lúa chất lượng cao”, ông Chiếu nhận xét.
Khuyến cáo không chưa đủ
Vài năm gần đây, trước khi bắt đầu một vụ mùa mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường đưa ra khuyến cáo nông dân nên hạn chế diện gieo sạ các loại lúa chất lượng thấp. Theo đó, bộ này khuyến cáo diện tích trồng lúa chất lượng thấp khoảng 20% tổng diện tích xuống giống, 10 - 15% diện tích sản xuất lúa thơm và phần diện tích còn lại sản xuất lúa chất lượng cao.
Có một thực tế là nông dân tham gia vào các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, chẳng hạn như mô hình liên kết giữa Công ty TNHH ADC và nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang thực hiện rất tốt khuyến cáo gieo sạ lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo yêu cầu của phía doanh nghiệp vì sản phẩm có đầu ra ổn định với giá cao hơn hẳn so với lúa cấp thấp.
Tuy nhiên, nông dân sản xuất tự do vẫn gieo sạ theo cảm tính, nghĩa là ai cho lúa chất lượng cao được giá trong vụ này sẽ gieo sạ, còn ai cho rằng lúa cấp thấp vẫn có lãi cao sẽ làm vì đầu ra chưa được bảo đảm. Xét cho cùng nguyên nhân của vấn đề là ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu đang tách rời với nông dân, chưa thực sự xem nông dân là đối tác quan trọng trong cung ứng nguyên liệu xuất khẩu của mình.
Giáo sư- tiến sĩ Mai Văn Quyền, nguyên Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đứng ngoài cuộc, bỏ mặc nông dân tự bơi mà không có một hợp đồng bao tiêu sản phẩm nào nên người nông dân vẫn mạnh ai mấy làm”.
Giáo sư- tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo (Long An) - một chuyên gia nông nghiệp cho biết: “Muốn nông dân làm theo mình, muốn họ tin tưởng thì phải cho họ thấy được đầu ra sản phẩm của họ phải bảo đảm với giá cả hợp lý nhất”.
Theo nhận xét của ông Xuân, nếu cứ để nông dân tư bơi như hiện nay thì rất khó để nông dân làm theo. Vấn đề là phải cho nông dân thấy được những dự đoán về mức độ tiêu thụ của thị trường, chứ không thể đưa ra khuyến cao chung chuung như hiện nay được.
Mặt khác, chính nhu cầu tiêu thụ gạo cấp thấp dễ dàng cũng là nguyên nhân khiến nông dân chuộng gieo sạ loại lúa này. Thực tế, theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2011 xuất khẩu gạo cấp thấp và trung bình của Việt Nam chiếm đến trên 61% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong khi đó, gạo chất lượng cao chỉ 18% và gạo thơm khoảng 6,6%.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, muốn nông dân nâng diện tích gieo sạ lúa chất lượng cao lên thì vấn đề là phải chứng minh cho họ thấy thu nhập của khi gieo sạ loại lúa này cao hơn hẳn lúa cấp thấp, chứ nếu không tỉ lệ diện tích lúa cấp thấp áp đảo như hiện nay sẽ còn tiếp diễn.
Ngày 30/8/2012 - Theo VnExpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;