Với người quen: Khuyên không nên mua…
Thường xuyên phải đi chợ, với lại quen biết khá nhiều người bán hàng ở chợ thành phố Hà Tĩnh nên phần nào tôi yên tâm hơn khi lựa chọn các loại thực phẩm. Tuy nhiên, cũng qua sự quen biết này tôi mới biết thêm nhiều thông tin về các loại thực phẩm mà gia đình và cộng đồng đang sử dụng hàng ngày.
Các loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc đều được người bán hàng đánh lừa người tiêu dùng với nguồn gốc xuất xứ khác |
Một lần, tôi có ý định mua một ít giá đỗ, bà H., người bán hàng mà tôi quen biết liền bảo: “Đừng ăn thứ này. Nói thật với con, gía đỗ bây giờ đều dùng chất kích thích của Trung Quốc, kể cả đỗ cũng là đỗ của Trung Quốc. Vì dùng các loại này nhanh lại cho giá đẹp nên hầu hết người ta đều dùng. Trong chợ thành phố này giờ tìm một điểm bán giá đỗ truyền thống không có, vì loại này phải chờ thời gian lâu, giá lại không đẹp”. Tôi cười tỏ vẻ thắc mắc vì sao bà bán hàng mà lại nói với khách như vậy, bà liền tiếp lời: “Hàng không bán cho người này thì bán cho người khác nhưng con là người quen nên bà nói cho mà biết …”
Tương tự, tại một quầy kinh doanh hoa quả thuộc loại lớn tại chợ thành phố, có một chị bán hàng tại quầy này cũng thường xuyên “chỉ điểm” cho tôi. Một lần, thấy có mấy thùng cam xanh tươi rất đẹp, tôi nghĩ bụng, hàng còn tươi thế này chắc có xuất xứ gần. Tôi hỏi giá để mua một ít, chị này liền nói nhỏ: “Em lấy ít cam sành về mà ăn chứ đừng ăn cam ấy”. Tôi lân la hỏi thêm chị xuất xứ của một số hoa quả khác như quýt, lựu, nho (mỹ)… chị cho biết, đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Điều khác là, các loại hoa quả này khi bày bán ở quầy đều được gắn với những nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Chẳng hạn như nho (loại quả lớn) thì được gọi là nho mỹ; cam xanh gọi là Cam Bắc Giang, hoặc một số loại hoa quả khác thì cho là nhập từ thái hoặc Đà Lạt, miền Nam… Nói chung, nếu người bán hàng không nói thật thì người tiêu dùng không thể nhận biết đâu là hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc, có chăng chỉ biết được một loại táo (tàu) vốn “không thể lẫn” từ trước tới nay mà thôi.
Cùng với các loại hoa quả, giá đỗ, gà gô cũng là “vấn đề nóng”. Đi hết tất cả các quầy hàng bán thịt gia cầm tại chợ thành phố Hà Tĩnh hỏi để mua gà, lời mời chào nhiều nhất vẫn là về gà gô. Dừng lại một quầy hàng, tôi cố ý hỏi mua con gà (ta), chị chủ quầy cho biết: Trong chợ này không có gà (ta) đâu. Em ăn gà gô này vừa rẻ lại vừa ngon không kém gà (ta)”. Tôi hỏi về nguồn gốc, chị nhanh nhảu: “Gà này đưa từ Lào về”. Sau một hồi lân la nói chuyện, chị cũng đã thật thà trả lời thắc mắc tại sao không bán gà (ta) của tôi, là vì gà (ta) mua đắt, bán ít lời. Hơn nữa, nhu cầu người dân, nhất là những người tổ chức mâm cỗ nhiều, hầu hết họ đều mua gà này để có lợi cho kinh tế.
Ngành chức năng không kiểm soát được
Mang những băn khoăn về thị trường thực phẩm Trung Quốc cũng như những lo ngại về “tính an toàn” của các loại thực phẩm này đến các ngành chức năng, hầu hết các đơn vị đều có lý do riêng của mình.
Ông Phan Văn Hùng – Chi Cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Trước đây, trách nhiệm chung về ATVSTP là của chi cục. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 38 của Chính phủ, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Theo đó, Chi Cục có trách nhiệm tham mưu quản lý chung. Còn chịu trách nhiệm chính thì về bàn ăn và nước uống. Vì vậy, các vấn đề thị trường rau, củ, thực phẩm trong chợ thuộc trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Sở Công thương.
Trước khi vào thị trường Hà Tĩnh, gà gô (gà thải Trung Quốc) đều đã được hợp thức hóa các loại thủ tục |
Ông Phan Văn Dũng – Trưởng phòng quản lý chất lượng Nông- lâm-thủy-hải sản (Sở Nông nghiệp) thì cho rằng, Sở Nông nghiệp có trách nhiệm quản lý chất lượng rau, củ, quả, gia súc, gia cầm… chỉ từ trang trại đến…cửa chợ, hoặc nếu ở chợ thì phải là chợ đầu mối, bán đấu giá. Trong thời gian qua, ngành cũng đã thường xuyên tiến hành công tác giám sát và lấy các mẫu thực phẩm để phân tích. Riêng gà gô, năm ngoái, phòng có phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng của Bộ Nông nghiệp lấy mẫu phân tích nhưng không phát hiện các chất cấm. Về giá đỗ, năm ngoái cũng đã tiến hành một đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất nhưng không phát hiện ra các chất nghi ngờ. Riêng về loại thực phẩm này, báo chí trong nước nói rất nhiều về việc sử dụng loại chất kích thích Natrisulfit. Ở thị trường Hà Tĩnh tuy chưa phát hiện ra việc sử dụng loại chất này nhưng nếu phát hiện ra cũng rất khó xử lý vì loại chất này, theo danh mục của Bộ y tế là được sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ quy định hàm lượng đối với loại bột ngô, còn các loại thực phẩm khác không có qui định về hàm lượng sử dụng. Còn về rau, củ, quả, Sở Nông nghiệp chỉ kiểm nghiệm chất lượng các cùng sản xuất trên địa bàn, còn các mặt hàng đã nằm trong chợ thì không thuộc trách nhiệm của ngành.
Ông Dũng còn cho biết thêm, mặc dù không thuộc trách nhiệm (vì hàng nằm trong chợ) nhưng có lần phòng cũng đã lấy thử một mẫu rau có nguồn gốc ngoại tỉnh cho làm tets nhanh thì phát hiện có vấn đề.
Vậy những trách nhiệm còn lại thuộc về ai? Đội Trưởng Đội Quản lý thị trường số I thuộc Chi cục Quản lý thị trường Võ Viết Linh khá thẳng thắn khi tiếp chuyện với tôi. Ông cho rằng, trước đây, về VSATTP đều do ngành y tế chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay đã có luật, có quy định rõ ràng, tuy nhiên, đơn vị chưa có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Riêng về ngành công thương, chịu trách nhiệm quản lý các mặt hàng bia, rượu, bánh, kẹo, nước giải khát, các chế phẩm từ bột. Quản lý các mặt hàng trong chợ cũng thuộc trách nhiệm của Công thương. Tuy nhiên, bất cập là ngành chỉ quản lý bằng cách kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ chứ không phân tích được các chất như ngành y tế và nông nghiệp để khuyến cáo cho người dân. Về hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc trong chợ thì ngành chưa kiểm soát được. Nguyên nhân là do các hộ buôn bán quá nhỏ lẻ. Về gà gô lại khác, hầu hết khi đưa ra thị trường sản phẩm đều đã được hợp thức hóa. Mỗi lần Đội kiểm tra chủ hàng đều có giấy kiểm dịch xuất trình, khi thì ở Thái Bình, khi thì ở Hải Dương; gà bán ở chợ cũng đều đã có đóng dấu kiểm dịch của thú y…
Như vậy, mỗi đơn vị chức trách đều có lý do riêng. Và thực phẩm Trung Quốc vẫn tiếp tục trôi nổi và chiếm lĩnh thị trường; người tiêu dùng bất an, lo ngại.
Còn một thực trạng khác nữa mà chúng tôi muốn đề cập là về trách nhiệm của các đơn vị chức năng? Chưa có sự phối hợp thực chất giữa các đơn vị trong quả trình kiểm tra, giám sát và khuyến cáo về VSATTP; còn tình trạng mạnh ai nấy làm chứ chưa nghỉ đến việc làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, phục vụ lợi ích cũng như bảo vệ sức khỏe người dân. Thiết nghĩ, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đặc biệt, cần có sự chỉ đạo việc phối hợp giữa các ngành để hoạt động đảm bảo VSATTP trong tỉnh đi vào thực chất, hiệu quả.
Về phía người tiêu dùng, khi chưa có khuyến cáo của các ngành chức năng thì không có cách nào khác là hãy làm người tiêu dùng thông thái. Nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xử rõ ràng; đảm bảo các tiêu chí về VSATTP.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã