Năm 2015 được đánh giá là năm có nhiều cơ hội mở cho nông sản Việt Nam khi một số Hiệp định thương mại tự do được thực thi.
Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có thể dễ dàng mở rộng thị phần vào các thị trường rộng lớn của khu vực và quốc tế, được hưởng lợi từ việc giảm một số loại thuế, nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng sử dụng một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Do đó, để vượt qua thách thức và các rào cản thương mại, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chính điều này cũng đòi hỏi những tháo gỡ từ chính sách.
Nói về xu hướng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng “đổ” nhiều tiền vào nông nghiệp, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng nhận định đây là thành công của Chính phủ khi đã kêu gọi được các nhà đầu tư lớn. “Không có doanh nghiệp thì nông nghiệp, nông dân không phát triển được, vì muốn tiến dài thì đồng vốn là rất quan trọng”, chuyên gia nông học này nói.
Đồng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho hay ông rất mừng khi thấy các doanh nghiệp lớn đang dành sự quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, bởi trước đây lĩnh vực này thường bị cho là rủi ro và hiệu quả trước mắt không cao, trong khi có nhiều ngành khác sinh lợi lớn ngay từ ban đầu.
“Nếu không có những doanh nghiệp lớn vào cuộc, ngành nông nghiệp, nông dân còn phải bươn chải nhiều”, ông Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, việc thiếu đất xây dựng trang trại lớn có thể coi là khó khăn lớn nhất của các “đại gia” khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp lớn phải sang tận Lào, Campuchia để thuê đất trồng cao su, mía.
TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhận định ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm vùng nguyên liệu nông sản, trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì không đơn giản, vì rất khó kiếm được vài chục ha đất “sạch”.
Đại đa số các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện nay đều hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra sự khác biệt.
Vì thế Nhà nước nên có chính sách ưu đãi về hạn điền và thời gian thuê đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn.
Người nông dân có thể giao đất cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, khả thi nhất là góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp, như vậy bà con có thể yên tâm về quyền sử dụng đất và doanh nghiệp cũng yên tâm để đầu tư lâu dài.
Bộ NN&PTNT cũng đang nghiên cứu để có chính sách về “gom” đất tập trung cho những vùng chuyên canh lớn.
Riêng về việc xử lý diện tích đất của các nông lâm trường kém hiệu quả, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới những diện tích đất dạng này sẽ giao lại cho chính quyền địa phương xử lý, trong đó sẽ dành một phần diện tích cho doanh nghiệp tư nhân thuê để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có khi Nghị định 210 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành từ năm 2013.
Thông tư hướng dẫn thanh toán, quyết toán các khoản hỗ trợ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27-4-2015.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc triển khai các văn bản này cần thực hiện nhanh chóng và mỗi tỉnh cũng cần có chính sách đặc thù để áp dụng vào thực tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và liên kết với nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã