Mặc dù mới thành lập (năm 2016), số lượng nhân lực không nhiều, nhưng IDI đã “ghi điểm” bằng lĩnh vực đầu tư mới mẻ, khả thi và đầy nhân văn. Nắm bắt các chủ trương, chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh, công ty đã tìm hiểu, tiếp cận cơ hội và lựa chọn đầu tư vào phát triển làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ) theo hướng chuyên môn hóa, sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm... để sản lượng tăng, năng suất tốt và giá thành giảm.
Chia sẻ về sự lựa chọn đầu tư khá mới của công ty, Giám đốc Trần Tiến Sỹ cho hay: “Mới nhưng không hề mạo hiểm mà là cả một sự cân đong, đo đếm của anh em công ty để quyết định đầu tư CCN Thái Yên phần mở rộng này. Tiềm năng làng nghề mộc của chúng ta rất lớn nhưng lâu nay vẫn bị hàng gỗ phía Bắc lấn lướt. Do vậy, công ty quyết tâm đầu tư bằng cả tư duy kinh tế và thật tâm mong muốn nghề mộc thoát khỏi “ao làng”, phát triển xứng tầm”.
Chỉ sau hơn 1 năm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư và khai thác hạ tầng CCN Thái Yên phần mở rộng, gắn với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch”, IDI đã hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng tiến độ để “đón” các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư. Đến nay, CCN Thái Yên phần mở rộng đã có gần 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh “đứng chân”, tỉ lệ lấp đầy đạt 60%.
“Khi đầu tư sản xuất ở CCN Thái Yên mở rộng, chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội phát triển hơn. Đặc biệt, đó là các quy định chung của cụm được xây dựng trên cơ sở lợi ích và phát triển của người sản xuất. Hơn thế, IDI rất quan tâm “khách hàng”, dành những lô đất đẹp, giá thành rẻ hơn mặt bằng chung cho đối tượng là con em liệt sỹ, người có công với cách mạng. Điều này nhận được rất nhiều sự đồng tình của chúng tôi” – chủ cơ sở sản xuất mộc dân dụng Lộc Thủy Phạm Đăng Lộc chia sẻ.
Được biết, song song với việc đầu tư hạ tầng xây dựng, IDI đã sẵn sàng “cấp” chi phí, phối hợp với các sở, ngành liên quan để mở các lớp tập huấn, “cầm tay chỉ việc”, tổ chức tham quan, học hỏi cho người sản xuất. Đến nay, những nỗ lực của công ty trong xây dựng “phần mềm” cho các cơ sở sản xuất đã được đền đáp khi tư duy làm nghề của người dân đã có sự thay đổi, bắt kịp xu hướng mới. Nếu như trước đây, đồ gỗ Thái Yên chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng tầm trung trở lên (cả về mức giá và kiểu dáng) thì nay, đã đổi mới với nhiều phân khúc khách hàng, cho những đơn hàng khác nhau…
Một điều đáng ghi nhận của IDI là việc chú trọng đầu tư, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu bức thiết về ô nhiễm môi trường trong sản xuất nghề mộc truyền thống - nhiệm vụ mà lâu nay các CCN trên địa bàn tỉnh gần như chưa được thực hiện trọn vẹn. “Giữ cho môi trường trong lành, giảm thiểu các tác động sinh thái của ngành nghề truyền thống là rất quan trọng. Do vậy, công ty đã dành gần 10 tỷ đồng để làm bằng được hạng mục này theo Quy chuẩn 40:2011 của Bộ TN&MT” – anh Trần Tiến Sỹ chia sẻ thêm.
Với mong muốn góp công sức “vận hành” trong chuỗi “mắt xích” sản xuất của làng nghề mộc truyền thống Thái Yên, IDI đang có trong tay những đường hướng phát triển hiện đại. Hy vọng, những dự cảm về kinh doanh, kết hợp với sự “bền, đẹp” của mộc Thái Yên sẽ đưa “công ty thành công và người dân cũng thành công”!