Tiến độ tiêm phòng chậm là do vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò chưa đáp ứng đủ nhu cầu |
Theo kế hoạch của tỉnh, đến 30/4, các địa phương kết thúc đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ xuân, nhưng theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ đạt xấp xỉ 27% tiêm dịch tả lợn, hơn 22% tụ huyết trùng lợn, đặc biệt, tiêm vắc-xin cúm gia cầm chỉ mới gần 5%. Trong đó: huyện Hương Khê chưa triển khai; Kỳ Anh chỉ đạt 6% vắc-xin tụ huyết trùng, dịch tả lợn; TP Hà Tĩnh đạt 25% đối với vắc-xin tụ huyết trùng, dịch tả lợn đạt hơn 25%...
Lý giải về việc tổ chức tiêm phòng chậm, ông Bùi Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê cho rằng: Tập quán ở Hương Khê chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên các hộ nuôi lợn chưa thật sự chú trọng đến việc tiêm phòng dịch bệnh. Hầu hết người dân nơi đây nuôi gà thả đồi nên việc thu gom để tiêm phòng là hết sức khó khăn. Mặt khác, chính quyền cơ sở vào cuộc còn thiếu quyết liệt dẫn đến công tác tổ chức, triển khai tiêm phòng còn chậm so với kế hoạch giao.
Bên cạnh sự thiếu quyết liệt của các địa phương, tiến độ tiêm phòng chậm là do vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò và vắc-xin dại chó hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Can Lộc là địa phương triển khai sớm tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ xuân. Sau hơn 1 tháng, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng dịch tả lợn ở Can Lộc đạt trên 92%, tụ huyết trùng lợn gần 50%; gia cầm và dại chó trên 15%... so với tổng đàn. Song, vắc-xin LMLM trâu, bò chưa được cung ứng nên đến thời điểm này không thể tổ chức tiêm.
Ông Đoàn Minh Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: “Hiện các xã đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức tiêm phòng bệnh LMLM và tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, nhưng đến nay, vắc-xin chưa có. Do việc tổ chức mỗi đợt tiêm phòng rất khó khăn và tốn kém nên các địa phương phải chờ vắc-xin LMLM rồi mới tổ chức tiêm đồng loạt”.
Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, vụ xuân năm nay, tỉnh giao các địa phương tiêm vắc-xin phòng bệnh cho 203.910 con trâu bò, 6 triệu con gia cầm và 218.509 con chó, nhưng hiện vắc-xin LMLM cho trâu, bò (chương trình mục tiêu quốc gia) vẫn chưa có. Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Thú y T.Ư, vắc-xin LMLM phải được tổ chức đấu thầu do doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài đòi hỏi nhiều về mặt thủ tục. Mặt khác, kế hoạch của Cục Thú y bắt đầu từ tháng 4 - tháng 5 mới cung ứng vắc-xin cho các địa phương (sau kế hoạch của tỉnh 1 tháng). Trước tình hình đó, Chi cục Thú y đã tạm ứng 40.000 liều vắc-xin LMLM trâu, bò và 73.000 liều dại chó kịp thời cung ứng cho một số địa phương có nguy cơ cao để tổ chức tiêm, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc trên địa bàn.
Thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và đây cũng là thời điểm vật nuôi hết thời gian miễn dịch, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao. Trong thời gian chờ vắc-xin LMLM, các ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin các loại dịch bệnh khác cho gia súc, gia cầm vụ xuân 2015 đảm bảo yêu cầu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã