Học tập đạo đức HCM

Trồng rau sạch, giết mổ sạch để có bữa ăn tử tế

Thứ bảy - 02/06/2012 06:54
KTĐT - TS Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) đã có hàng chục năm lăn lộn, gắn bó với nông nghiệp Thủ đô, cũng là từng ấy năm ông thiết tha đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất những mong góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng đô thị, sinh thái, bền vững. Ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Chính sách vẫn chưa sát thực tiễn

Thưa ông, chúng ta đã nói rất nhiều về xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, vậy để làm được điều này phải bắt đầu từ đâu?

- Trước hết phải từ quy hoạch. Có quy hoạch rồi mới có thể triển khai các dự án, mới đầu tư xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh… và dứt khoát phải đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm năng suất, chất lượng và an toàn.

Nói xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng đô thị, sinh thái, bền vững thì to tát, nhưng phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là một ví dụ. Hiện, cả xã hội đang bức xúc về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nào chuyện gà chảy nước, thịt lợn, chân trâu bò thối… dùng hóa chất biến thành thịt tươi… Người tiêu dùng chỉ biết trông cậy vào sự "thông thái" của mình để tránh mua phải thực phẩm ôi thiu, nhưng quả thực là rất khó. Từ năm 2006, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các nhà máy giết mổ tập trung nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, vệ sinh cho người dân. TP Hà Nội cũng đã có Chương trình 05, nhằm quy hoạch xây 4 nhà máy giết mổ ở cả bốn phía Đông, Nam, Tây, Bắc với mục tiêu đến năm 2010, Hà Nội có đầy đủ các trung tâm giết mổ quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của nhân dân. Mặc dù đã có chủ trương đúng từ rất sớm, nhưng khi triển khai lại có những bất cập bởi các chính sách ban hành không hấp dẫn, khó triển khai. Liên tục từ đó tới nay, Thành phố đã ban hành các văn bản bổ sung nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực này, nhưng nói thực, đến văn bản mới đây là Quyết định 77 vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Như ông nói, mặc dù đề ra rất nhiều mục tiêu, nhưng vẫn khó triển khai trên thực tiễn do bất cập của chính sách. Vậy, cụ thể trong vấn đề quy hoạch và xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp, những bất cập nằm ở khâu nào?
 
Theo tính toán của chúng tôi, muốn GPMB một héc ta ở Hà Nội, bình quân doanh nghiệp phải bỏ ra  12 tỷ đồng. Để có được nhà máy giết mổ công nghiệp, diện tích cần có phải từ 5 đến 10 ha, điều này cũng đồng nghĩa với việc DN phải bỏ ra số tiền tương ứng từ 60 đến 120 tỷ đồng, nếu cộng với trang thiếu bị dây chuyền máy móc nữa khoảng 400 -500 tỷ đồng. Tôi chắc không có DN nào dám bỏ ra từng ấy tiền chỉ để chờ hỗ trợ của TP (năm đầu được hỗ trợ 50% phí giết mổ). Đây là cái thiếu thực tiễn của chính sách do không có sự tham vấn từ DN và xã hội. Do đó, vấn đề xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp vẫn tắc.

- Đó là thời hạn vay vốn ngắn, ân hạn vay vốn cũng ngắn và điều kiện vay vốn cũng không rõ ràng. Chỉ có vốn cố định, không có vốn lưu động và chính sách hỗ trợ sau đầu tư chưa đủ điều kiện để thu hút. Cụ thể là thời gian vay có 15 năm, ân hạn 2 năm; với thời gian 2 năm, rõ ràng DN chưa xây dựng xong hạ tầng (chưa sản xuất) đã phải trả lãi và điều này cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ phải giật gấu vá vai bằng cách đi vay chỗ khác để trả lãi.

Mới đây, HĐND TP ban hành cơ chế mới, song lại không có tính kế thừa những chính sách trước đó. Vì vậy, nếu triển khai vẫn chỉ là giết mổ thủ công và chỉ khác ở chỗ gom lại các cơ sở giết mổ phân tán hiện nay.

Vừa rồi, TP lại có chủ trương mỗi huyện xây dựng từ 1 đến 2 điểm giết mổ tập trung thủ công, ngân sách hỗ trợ 100% cho huyện làm chủ đầu tư xây hạ tầng, với quan điểm từ giết mổ thủ công nhỏ lẻ, nay gom lại các điểm tập trung sau đó mới đến công nghiệp. Nghe có vẻ có lý, nhưng theo Luật ATTP, từ 1/7/2011, chỉ có những điểm giết mổ công nghiệp mới bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP, còn giết mổ thủ công không bảo đảm, vì vậy, những điểm này sẽ không được cấp giấy chứng nhận. Thứ nữa, do đây là điểm giết mổ thủ công nên ô nhiễm từ chất thải giết mổ vẫn không được xử lý và thực tế là vấn đề ô nhiễm môi trường không được giải quyết. Một bất cập nữa là việc phân vai trong đầu tư: Nhà máy xử lý nước thải giao cho Sở Công Thương, hạ tầng giao cho huyện, nhà máy giết mổ giao cho DN… điều này rất khó thực hiện, bởi cả dự án giao cho một chủ đầu tư cũng đã gặp không ít khó khăn, nay lại giao cho rất nhiều ngành, đơn vị sẽ càng khó.

Nếu ngại va chạm sẽ khó thành công

Nghe ông nói có thể thấy, để xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp và duy trì được hoạt động của nó là điều không đơn giản. Vậy, tại sao doanh nghiệp của ông vẫn quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực khó khăn và kém hấp dẫn này?

- Đó là tâm huyết của HADICO và cá nhân tôi. Mặc dù đến nay, nhà máy vẫn phải đóng cửa để... chờ cơ chế, chính sách, nhưng tôi làm vì sĩ diện, danh dự của ngành và đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ về chăn nuôi, giết mổ tập trung, xây dựng các vùng rau an toàn vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai đất nước. Rất nhiều lần tôi nói, có thể chúng ta không làm được những việc to tát nhưng chúng ta không thể  không trồng rau sạch, giết mổ sạch để có những bữa ăn cho tử tế.

Ông vừa nói là đóng cửa nhà máy để chờ cơ chế, chính sách, nghĩa là sao?
 
"Chúng ta quyết tâm cải thiện giao thông như thế nào thì hãy quan tâm đầu tư cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy, vì đó là tương lai giống nòi, tương lai đất nước. Đừng để người dân Thủ đô phải trở thành người tiêu dùng thông thái trong ma trận của hàng thực phẩm không an toàn"

TS Phan Minh Nguyệt

- Chúng tôi đóng cửa vì nếu vận hành sẽ lỗ lớn. Sở dĩ vậy là bởi tình trạng giết mổ gia cầm hiện vẫn tràn lan ngoài chợ và thói quen tiêu dùng của người dân. Đã có thời TP cấm giết mổ tại các chợ nội thành, nhưng lệnh cấm đó ít có hiệu lực bởi chưa hội đủ các điều kiện. Đó là, để cấm việc giết mổ thủ công, chúng ta phải có lộ trình thực hiện, mà trước hết là phải có cơ sở giết mổ công nghiệp đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; tiếp đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sau cùng mới áp dụng các biện pháp hành chính và gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Khi đó chúng ta sẽ cấm được các trường hợp giết mổ nhỏ lẻ.

Như vậy, cũng có nghĩa là câu chuyện xây nhà máy giết mổ công nghiệp ở Hà Nội vẫn chưa có hồi kết?

- Không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ việc khó đến đâu cũng có cách giải quyết và trong vấn đề xây nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chúng ta có thể làm được.

Tại sao chủ trương có từ rất lâu rồi nhưng đến bây giờ, Hà Nội vẫn chưa có được nhà máy giết mổ tập trung?

- Phải nói thẳng với nhau là chúng ta chưa có quyết tâm trong việc này. Nếu có quyết tâm, sẽ làm được. Theo tôi, Thành phố nên giao cho một lãnh đạo đứng mũi chịu sào việc này và các sở, ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ. Phải dám đối mặt với khó khăn, nói một cách cường điệu là phải chấp nhận hy sinh những lợi ích cá nhân và cả những phản ứng ban đầu của các chủ lò mổ, các hộ kinh doanh, phải biết chấp nhận. Nếu ngại va chạm, đùn đẩy sẽ khó thành công. Làm được việc này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Thủ đô, không chỉ về vấn đề kinh tế mà cả vấn đề văn minh đô thị, vệ sinh thực phẩm và lớn hơn là bảo vệ sức khỏe nòi giống, môi trường. Vì vậy, theo tôi cần phải xốc lại tất cả các điểm đã quy hoạch và phải triển khai bằng được các dự án xây nhà máy giết mổ tập trung, xác định rõ trách nhiệm của quận, huyện, sở ngành, các doanh nghiệp tham gia… Về vốn đầu tư, thành phố nên kéo dài ân hạn vốn vay là 5 năm (hiện tại là 2 năm) và quy định rõ điều khoản ràng buộc bảo đảm vốn vay đối với DNNN là tài sản hình thành sau đầu tư. Sở dĩ phải nói rõ như vậy là để tổ chức tín dụng yên tâm cho DNNN vay.

Còn thói quen và tâm lý dùng thực phẩm tươi sống của người dân ?

- Để thay đổi thói quen tiêu dùng không dễ, nhưng không phải không có cách. Đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động giới thiệu, khuyến khích người tiêu dùng dùng thực phẩm có nguồn gốc, bao gói… Việc này cũng giống như trước đây, chúng ta bỏ tiền mua thói quen đi xe buýt của người dân, nay cũng vậy. Vì sức khỏe cộng đồng, chúng ta quyết tâm sẽ làm được. Tôi tin là vậy. Nhiều người sẽ hiểu và ủng hộ.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo ktdt
 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập910
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại779,880
  • Tổng lượt truy cập93,157,544
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây