Chọn giống, làm đất
Do đất ruộng giai đoạn này dễ bị ướt do mưa nhiều, tốt nhất bà con nên áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu để trồng bí, chờ đến khi đất khô ráo mới tiến hành làm luống bổ sung. Để đảm bảo cho cây mọc mầm và phát triển thuận lợi, người trồng cần làm bầu cây con chờ đến khi cây có lá thật mới đem ra trồng ngoài ruộng sản xuất.
Chăm sóc bí đỏ ở huyện Nam Sách, Hải Dương. Ảnh: T.TL
Giá thể ươm cây con tốt nhất là bùn ao đã hả hơi, phân chuồng mục có ủ cùng lân supe và một lượng nấm cộng sinh để cây có bộ rễ khỏe. Đất ướt không thể bừa nhỏ nên chỉ cần cày khoảng 3 - 4 hàng sâu xuống tầng đế cày rồi xới qua. Tốt nhất nên đánh rạch bón lót toàn bộ phân chuồng mục đã trộn lân supe ủ cùng rồi rải một lớp đất bột phủ kín phân, sau đó đặt bí.
Cần vén đất lên cao luống mé đặt cây (30cm) để giúp cây non không bị úng nước khi gặp mưa to và bộ rễ phát triển thuận lợi.
Bón phân, chăm sóc
Sau trồng khoảng 7 ngày có thể hòa nước sau biogas hoặc hòa loãng NPK 13-13-13 (50g/20l) để tưới nhử cho bí. Tốt nhất nên để lại khi đất ruộng đã khô ráo thì tiến hành cày xới đất, bón phân thúc và làm luống bổ sung. Nên chọn loại phân tổng hợp cao cấp như 16-6-16, 12-5-10, 12-3-10, 16-16-8... để giúp cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi ngay giai đoạn đầu. Cần bón xa gốc (khoảng 20-25cm) sau đó xới đất lấp phân và vun gốc.
Kinh nghiệm cho thấy với loại phân 12-5-10 hoặc 12-3-10 bón thúc làm 3 đợt: Đợt 1 (bí được 5- 6 lá lúc bấm ngọn) bón 15-25kg/sào Bắc Bộ. Đợt 2 khi cây ra hoa rộ và đợt 3 khi bí rộ quả bón mỗi lần 10-12kg sẽ cho năng suất bí cao, chất lượng tốt, quả đồng đều, cây ít bị sâu bệnh. Có thể bổ sung một số lần phân bón canxi, vi lượng qua lá.
Bón phân thúc không nên hòa nước tưới gốc sẽ dễ làm cây thối hỏng rễ, tốt nhất nên bón theo phương pháp “chặn đầu”. Lần cuối bón thúc có thể đưa nước vào các dõng luống rồi rắc phân vào dõng khoắng cho tan để nước phân ngấm dần vào luống.
Nương dây, hướng ngọn
Bí trồng bò đất nếu không nương dây và chặn đốt thì khả năng hút dinh dưỡng không cao, thân cây chồng chéo lên nhau sẽ dễ nhiễm sâu bệnh, cây ra hoa, quả ít. Vì vậy cần bấm ngọn khi cây có 5-6 lá thật. Tùy mật độ trồng và đặc điểm mỗi giống bí mà có thể để 2-3 nhánh/cây.
Để hạn chế bệnh chết rũ do nấm hoặc vi khuẩn gây hại, người trồng nên bổ sung vào vùng rễ bí một số chế phẩm chứa nấm Trichodecma, các chế phẩm phân bón canxi, vi lượng qua lá, nhất là khi thời tiết có mưa ẩm kéo dài. Tuyệt đối không tưới đạm đơn lẻ cho cây.
Tưới nước
Bí là cây trồng ưa ẩm nhưng lại sợ úng vì vậy người trồng cần phải giữ ẩm thường xuyên cho cây, nhất là giai đoạn ra hoa đậu quả đến nuôi quả. Không nên để luống đất quá khô hoặc quá ẩm bí sẽ có nguy cơ thối rễ, đứt rễ chết rũ...
Phòng trừ sâu bệnh
Bí đỏ vụ thu đông cần lưu ý phòng trừ tốt các loài sâu bệnh hại chính như sâu ăn tạp, bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn, bệnh sương mai, phấn trắng hoặc nứt thân chảy nhựa, thối đốt, héo xanh. Trong đó các loài sâu chích hút gây hại mạnh vào khoảng tháng 10-11; các loài nấm bệnh chủ yếu phát sinh gây hại khi thời tiết có sương hay mưa ẩm thường xuyên... Người trồng cần theo dõi, giám sát ruộng đồng thường xuyên để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tác giả bài viết: Trần Thị Liên
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;