Mô hình đậu tương DT2008 ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý hạt trước khi gieo trồng tại Vĩnh Phúc
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, diện tích đậu tương bình quân hàng năm của Việt Nam khoảng trên 100.000ha với lượng urê bón vào đất dao động từ 8.000 - 10.000 tấn, vừa gây ô nhiễm môi trường lại tăng giá thành sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế.
Nhằm giảm lượng urê bón vào đất, giảm chi phí vật tư khi sản xuất đậu tương tại Việt Nam, thông qua dự án “Tăng cường năng lực sản xuất đậu tương bằng kỹ thuật sinh học và trao đổi nguồn gen” do Bộ Ngoại giao Achetina tài trợ, Viện Công nghệ nông nghiệp Quốc gia Achentina đã chuyển giao một số loại chế phẩm sinh học Rizobacter, Palaversich, Feaguri,… có chứa các loại vi khuẩn cho Viện Di truyền Nông nghiệp thử nghiệm trong điều kiện canh tác tại Việt Nam.
Theo các nhà khoa học Achentina, bình thường cây đậu tương có khả năng tự cố định đạm tự do trong không khí sau khoảng 3 tuần gieo trồng, người nông dân phải bón bổ sung khoảng 80 - 100kg đạm urê cho 1ha. Tuy nhiên, nếu hạt giống được xử lý bằng các chế phẩm vi sinh, cây đậu tương sẽ tự cố định đạm sau khoảng 2 tuần gieo trồng và không phải bón bổ sung urê, năng suất vẫn tăng từ 5 - 10% trong khi chi chí chỉ bằng 10% so với bón urê.
Chính vì vậy, tại các nước sản xuất đậu tương hàng đầu trên thế giới như Achentina, Brazil, Mỹ… xử lý hạt giống bằng các chế phẩm sinh học trước khi gieo trồng nhằm tăng nốt sần đậu tương và phòng trừ nấm bệnh là một trong những yêu cầu bắt buộc hiện nay.
Theo Tiến sĩ Lê Đức Thảo - Trưởng Bộ môn Đột biến và ưu thế lai, Viện Di truyền Nông nghiệp, xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học là một kỹ thuật mới hoàn toàn trong sản xuất đậu tương tại Việt Nam. Sau khi tiếp nhận các chế phẩm đưa vào các thí nghiệm chính quy, Viện Di truyền Nông nghiệp đồng thời thử nghiệm sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa tại Vĩnh Phúc, quy mô 1ha.
Kết quả cho thấy, sử dụng chế phẩm sinh học có hiệu quả tốt, cây đậu tương hình thành nốt sần sớm, nốt sần lớn, nhiều, chất lượng tốt, không phải bón thêm phân urê, nhưng khả năng sinh trưởng phát triển tốt hơn so với đối chứng, ít nhiễm các loại sâu bệnh hại, năng suất giống đậu tương DT2008 đạt khoảng 2,5 - 2,7 tấn/ha, vượt trên 10% so với bón phân urê.
Từ những thành công đạt được trong mô hình thực tế, năm 2017 Viện Di truyền Nông nghiệp dự kiến tiếp tục thử nghiệm chế phẩm sinh học trên diện tích đậu tương lớn hơn, dưới sự giúp đỡ của Viện Công nghệ nông nghiệp Achentia. Đồng thời, Viện cũng thực hiện nghiên cứu phân lập các chủng vi khuẩn cố định đạm tăng nốt sần đậu tương của Việt Nam, tiến tới sản xuất các chế phẩm sinh học.
“Đây là tiến bộ kỹ thuật mới có thể ứng dụng trên diện rộng nhằm góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, giảm chi chí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phục vụ sản xuất đậu tương theo định hướng canh tác bền vững cũng như phù hợp mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Bộ NN-PTNT và Chính phủ đang quyết liệt triển khai”, TS Lê Đức Thảo. |