Là đơn vị tư vấn trực tiếp cho tỉnh Đồng Tháp xây dựng đề án TCC nông nghiệp, ông có thể cho biết những nét đặc biệt nhất của đề án này?
- Điểm đặc biệt của Đồng Tháp là khi làm TCC sẽ làm thay đổi toàn diện, không chỉ mỗi nông nghiệp mà cả tư duy nhận thức, đường lối phát triển của tỉnh.
Thông thường, mô hình tăng trưởng của chúng ta là lấy chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chọn công nghiệp làm mũi nhọn, đầu tư thật nhiều để tăng trưởng công nghiệp nhanh, nhưng ở Đồng Tháp thì lại có cách làm ngược lại.
Nghĩa là, công nghiệp hoá sẽ bắt đầu từ nông nghiệp, lấy tăng trưởng nông nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế và phát triển công nghiệp dịch vụ là phục vụ nông nghiệp, từ đó tạo việc làm cho người dân… Bình thường nông nghiệp chỉ là bệ đỡ, thì hiện nay Đồng Tháp sẽ xác định nông nghiệp là động lực cho tăng trưởng.
Nhưng nông nghiệp thường mang lại nguồn thu thấp hơn so với công nghiệp, dịch vụ. Liệu cách làm này của Đồng Tháp có đủ mạnh để vực dậy cả các ngành kinh tế khác, thưa ông?
- Nông nghiệp truyền thống trước đây có mục tiêu chính là giúp đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, làm bệ đỡ, cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, thì hiện nay nông nghiệp mới thay đổi từ mặt thị trường, từ nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong thế kỷ 20, người ta nhìn thấy “cánh kéo giá” cứ giảm cho nông nghiệp nhưng bước sang thế kỷ 21 chiều hướng ngược lại, nhu cầu cho nông sản ngày càng tăng, thậm chí còn tăng quá sức chịu đựng là những thay đổi có lợi thế hơn cho các mặt hàng nông nghiệp.
Nhiều hàng nông sản sắp tới có thể có giá cao hơn hàng công nghiệp; ngoài ra nhu cầu người sử dụng cũng thay đổi về tăng chất lượng, tăng liên kết, chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, nông nghiệp có thể sử dụng các biện pháp bảo quản, chế biến, phương thức liên kết chuỗi… mà sẽ không phụ thuộc vào mùa vụ như trước đây nữa nên có thể trở thành mặt hàng kinh doanh quanh năm.
Từ những ý tưởng đó, nhìn vào điều kiện đặc thù của Đồng Tháp, một tỉnh thuần nông, hầm mỏ, cảng biển không có, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là vận chuyển đường thuỷ… có thể lựa chọn tốt nhất để thực hiện ý tưởng công nghiệp hoá từ nông nghiệp.
Cũng có nhiều khó khăn khi làm TCC nông nghiệp hiện nay, chẳng hạn như rủi ro trên thị trường còn cao, việc áp dụng KHCN, nhất là công nghệ cao vào sản xuất còn yếu… Những khó khăn trên ảnh hưởng như thế nào tới quá trình TCC này?
- Khi bắt tay vào làm đề án TCC nông nghiệp cho Đồng Tháp, chúng tôi đã chỉ ra các hạn chế, khó khăn, rủi ro, và đưa ra cả các giải pháp. Tuy nhiên, có những phần hạn chế nếu đưa ra giải pháp lại trở thành thế mạnh. Chẳng hạn, Đồng Tháp bị cách biệt về hạ tầng giao thông đường bộ, nhưng nếu xử lý hệ thống đường thuỷ thì không chỉ có tác dụng cho thuỷ lợi mà còn có kênh vận chuyển tốt, nối với Cần Thơ, TP.HCM…
Đồng Tháp thiếu điện nhưng có thể tận dụng phế phụ phẩm như trấu, rơm (tỉnh hiện đứng thứ 3 về diện tích lúa) để tạo ra lượng điện tại chỗ cho hoạt động sản xuất; hay như lúa gạo đang dư thừa, có thể bỏ bớt đất lúa chuyển sang cây có lợi thế cạnh tranh như ngô, vừng… hoặc có thể chuyển sang nuôi vịt
Hiện nay, có quan điểm cho rằng lúa IR50404 không hiệu quả nhưng ở Đồng Tháp có doanh nghiệp chế biến thành gạo đồ xuất sang Trung Đông, châu Phi còn được giá rất cao, 600 USD/tấn.
Vậy theo ông, những đột phá trong thực hiện TCC nông nghiệp ở Đồng Tháp là gì và sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào trong thời gian tới?
- Đột phá thứ nhất về cách nghĩ, lấy nông nghiệp làm động lực; tìm cách nâng cao hiệu quả nông nghiệp thông qua chuyên nghiệp hoá nông dân; tăng tích tụ tập trung ruộng đất và đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, ví dụ thành lập vùng chuyên canh, lập ra cụm công nghiệp, dịch vụ chỉ để hỗ trợ cho vùng chuyên canh, từ vật tư đầu vào, đầu ra, liên kết nông dân, kể cả tập huấn. Sắp xếp lại các cấp các ngành, làm sao huy động người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình TCC, như phát triển HTX, chi tiền ngân sách tỉnh để đào tạo một số người có năng lực làm quản lý doanh nghiệp. Tăng quy mô ruộng đất để đưa khoa học công nghệ vào.
Đồng Tháp cũng thống nhất tạo nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cho doanh nghiệp thuê lại đất; ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp thu hút lao động; lập ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ vùng chuyên canh để rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp. Đồng thời kèm theo chương trình riêng để đưa lao động đi xuất khẩu ở các nước phù hợp với đặc điểm của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, trong TCC nông nghiệp ở Đồng Tháp, về tổ chức thể chế cần biến tất cả các cơ quan hiện mang tính quản lý nhà nước sang dịch vụ công. Ví dụ các đơn vị khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y… tập hợp lại thành một trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ nông dân, nông dân hỏi gì trả lời cái đó. Tỉnh căn cứ theo nhu cầu người dân sẽ phân bổ ngân sách cho các đơn vị này. Hiện đã có những doanh nghiệp như Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) với dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra được VietinBank chi nhánh Đồng Tháp cho vay gần 1.500 tỷ đồng nhưng với điều kiện là phải tạo được liên kết chuỗi. Đó là những đột phá mạnh để chuyển biến cơ bản nông nghiệp theo hướng mới của Đồng Tháp. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã