Hàng Thái Lan đến bất cứ một thị trường nào đều nhận được sự hậu thuẫn của các nhà phân phối của Thái.
Cách đây khoảng 7- 8 năm, trước sự xâm lấn ồ ạt của hàng Trung Quốc, nhà quản lý đã phải tìm đủ mọi cách để kéo người tiêu dùng Việt lại gần với sản phẩm hàng hóa nội địa hơn. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng từ mục tiêu này mà ngày càng lan tỏa, đưa sản phẩm của DN Việt đến nhiều hơn với các kênh phân phối.
Thế nhưng, cơn bão hàng tiêu dùng Trung Quốc vừa chìm xuống thì lại nổi lên làn sóng mang tên hàng Thái Lan. Một thời gian ngắn trở lại đây, người ta chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của người Thái với những thương vụ mua bán sáp nhập đình đám. Trong đó phải kể đến thương vụ BJC mua 19 siêu thị Metro hay BJC mua cổ phần của FamilyMart trong liên doanh với Công ty Phú Thái và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart.
Mới đây, Công ty CP Nhựa Bình Minh đã lọt vào tay Tập đoàn SCG của Thái Lan khi đơn vị này nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,12%. Còn nữa, Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) vừa mới đây thôi, đã chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần bia Sài Gòn – Sabeco. Ngoài ra, người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk, một DN có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp Việt nghĩ gì khi sân chơi của mình đang bị người khác xâm lấn và có nguy cơ sẽ trở thành người thua cuộc? Vì với đà này, không bao lâu nữa, muộn lắm cũng chỉ khoảng 15-20 năm thôi, hàng Thái sẽ thống trị sân chơi của người Việt. Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy khi chứng kiến những thương vụ thâu tóm DN Việt của người Thái hiện nay.
Không phải hàng hóa của Việt Nam thua kém hàng Thái Lan về chất lượng hay giá cả, hình thức. Mỹ phẩm hay hàng tiêu dùng, đồ uống, chúng ta đâu thiếu những sản phẩm có tên tuổi, đơn cử nước hoa Miss Sài Gòn, thời trang quần áo May 10, May Nhà Bè, giày dép Bitis, Ladoda… Nhưng hãy xem cái cách mà người Thái họ làm, mới thấy, những bước đi của họ vô cùng bài bản, có chiến lược, có kế hoạch rất rõ ràng, rất chắc chắn.
Còn nhớ trước đây, sản phẩm đồ hộp Hạ Long một thời đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước. Thế nhưng, sau khi sản phẩm cá hộp Thái Lan xâm lấn sang thì thương hiệu đồ hộp Hạ Long cứ thế chìm dần, lịm dần rồi tắt lịm, không còn thấy xuất hiện nữa. Vì chúng ta thua kém họ về chất lượng sản phẩm ư? Hay thua kém về mẫu mã, hình thức? Hay giá cả họ cạnh tranh hơn? Câu trả lời là: Hoàn toàn không!
Cái mà người Thái hơn chúng ta chính là chiến lược kinh doanh của họ. Hàng Thái Lan đến bất cứ một thị trường nào đều nhận được sự hậu thuẫn của các nhà phân phối của Thái với những chiến dịch rất bài bản. Các thương vụ thâu tóm các nhà phân phối bán lẻ nói trên thể hiện đẳng cấp kinh doanh của người Thái. Sự chuyên nghiệp chính là điểm khác biệt giữa hàng Thái và hàng Việt.
Không phủ nhận, thời gian qua, DN Việt đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tìm cách xây dựng và gìn giữ thương hiệu… để nâng sức cạnh tranh. Bởi, mỗi DN Việt đều biết rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay, không ai khác mà chính những nỗ lực của DN mới có thể giúp họ không bị lép vế trước sự xâm nhập của hàng hóa ngoại.
Thế nhưng, có một điểm yếu cơ bản mà lâu nay, hầu hết các DN Việt vẫn thường xuyên phạm phải. Đó là khi đã xây dựng được thương hiệu, chúng ta lại dễ dàng đánh mất nó chỉ vì những món lợi trước mắt, chỉ vì lòng tham, độ ham muốn nhất thời. Câu chuyện Khaisilk là một minh chứng rất rõ cho “thói xấu” đó. Có một vị chuyên gia đã nêu lên nhận định thế này: DN Việt xây dựng thương hiệu rất khó nhưng phá lại rất nhanh.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam một thời yêu mến Phở 24 nhưng giờ tìm mỏi mắt cũng không thấy ở đâu bán phở 24 nữa. Đơn giản là bởi DN khi xây được thương hiệu rồi thì lại buông bỏ, chỉ nhìn thấy những món hời trước mắt mà không nghĩ gì đến tương lai còn rất dài ở phía sau.
Không còn có nhiều thời gian, song cũng chưa phải là quá muộn để các DN Việt nhìn lại mình, thay đổi tư duy. Thương hiệu có thể mất đi những vẫn lấy lại được nếu như mỗi DN thực sự có tâm, có tầm và nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chúng ta không thể thua người Thái khi chúng ta vẫn đang là chủ sân nhà, làm chủ cuộc chơi. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, DN Việt cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh lại thị trường có sức mua lớn trong nước. Và để làm được điều đó, việc trước tiên là cần phải bỏ ngay tư duy “lợi nhuận là trên hết” để xây dựng và bảo vệ, gìn giữ bằng được thương hiệu, gìn giữ chữ tín. Suy cho cùng, đối với mỗi DN, chữ tín vẫn là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công.
Duy Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;